Doanh số dòng xe cỡ nhỏ giá rẻ (LCGC) tại thị trường Indonesia tăng nhẹ từ khi chính sách khuyến khích được áp dụng từ tháng trước. Triển lãm ôtô quốc tế Indonesia diễn ra hồi tháng 9 chứng kiến việc một loạt hãng Nhật ra mắt các sản phẩm mới thuộc dòng xe này.
Theo hãng truyền thông Nhật Bản Nikkei, Daihatsu công bố lượng đơn đặt hàng cho mẫu Ayla hatchback 5 cửa động cơ 1 lít với giá bán 6.600 USD tăng mạnh. Như tại một đại lý nằm ở ngoại ô thủ đô Jakarta đã bán 100 chiếc Ayla chỉ trong 2 tuần. Trong số đó, 40% là khách hàng mới và khách hàng thuộc độ tuổi 30.
Doanh số nội địa Indonesia trong năm 2012 đạt 1,2 triệu xe. Xuất khẩu đạt 1 triệu xe. Ảnh: New York Times. |
Daihatsu Ayla và người anh em song sinh Toyota Ayga là những sản phẩm đầu tiên được chứng nhận thuộc dòng xe lcgc tại Indonesia. Nhờ chính sách hỗ trợ, 10% thuế hàng xa xỉ sẽ được miễn trừ cho xe LCGC, gồm các mẫu xe có dung tích động cơ dưới 1.200 phân khối, mức tiêu hao nhiên liệu từ 4,5 đến 5 lít/100 km và giá bán 8.000 USD hoặc thấp hơn. Xe LCGC sẽ phải nội địa hóa 80%.
Không chỉ giúp người dân có mức thu nhập từ trung bình đến thấp có cơ hội sở hữu xe hơi, đồng thời giúp các hãng tăng sản lượng, chính phủ Indonesia còn đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu. Hơn thế, dòng xe cỡ nhỏ giá rẻ sẽ tạo ra một phân khúc mới không chỉ ở Indonesia, mà còn toàn thị trường Đông Nam Á nhờ hiệp định thương mại tự do AFTA.
Chỉ trong 5 năm, Indonesia đã biến chiến lược xe giá rẻ thành hiện thực, dựa vào nhu cầu thị trường lớn (khoảng 1 triệu xe xuất xưởng năm 2012), chính sách thuế minh bạch cho từng dòng sản phẩm và quan trọng hơn hết là sự ổn định để các nhà đầu tư có kế hoạch cụ thể.
Đi trước Indonesia khá lâu, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan có chỗ đứng vững mạnh, đặc biệt là ở mảng xe pick-up. Trong khi Việt Nam xuống đáy với doanh số chỉ hơn 80.000 xe thì trong năm 2012, Thái Lan đạt kỷ lục mới. Doanh số nội địa cả năm đạt kỷ lục với 1,2 triệu chiếc. Xuất khẩu cả năm đạt khoảng 1 triệu.
Nhưng tham vọng của Thái Lan còn ở xa hơn. Đó là phân khác xe tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ. Sự xuất hiện thành công của dự án "eco-car" (ôtô cỡ nhỏ) của chính phủ giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Ủy ban Đầu tư có các chính sách khuyến khích các hãng sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường từ năm 2009. Đã có 5 hãng tham gia chương trình. Nissan tiên phong với mẫu March và sau đó là Almera. Hiện đã có thêm Honda Brio, Suzuki Swift, Misubishi Mirage và Toyota Yaris.
Honda Brio - một sản phẩm thuộc dòng xe "eco-car". Ảnh: Honda. |
Các sản phẩm thuộc chương trình "eco-car" phải có mức tiêu hao nhiên liệu tối đa 5 lít/100 km, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4 và có thể đạt mức an toàn UNECE 94 và 95. Ngoài ra còn có 5 bộ phận chính là nắp quy-láp, xi-lanh, trục khuỷu, trục cam và thanh truyền phải được sản xuất tại Thái Lan.
Đổi lại, "eco-car" sẽ được giảm thuế với mức 17% cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, trong khi mức thuế thông thường là 30-50%. Trong giai đoạn hai của chương trình này, mức thuế thậm chí có thể thấp từ 17% đến 14%, thậm chí chỉ ở mức 12% với xe chạy nhiên liệu E85, do các tiêu chuẩn đặt ra khắt khe hơn. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có chính sách hỗ trợ khách hàng mua xe lần đầu khi giảm 3.200 USD thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhờ đó, Thái Lan dự kiến sẽ lọt vào top 10 quốc gia sản xuất ôtô lớn nhất thế giới với con số mục tiêu đạt 3 triệu xe vào năm 2015. Và với sự hỗ trợ tiếp tục của chính phủ, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan với khoảng 350.000 nhân công sẽ còn thu hút đầu tư từ các hãng lớn trên thế giới trong thời gian tới.
"Với sự tham vọng và những gì thể hiện, Thái Lan và Indonesia chắc chắn sẽ trở thành trung tâm sản xuất ôtô cho cả vùng Đông Nam Á, đặc biệt là xe giá rẻ. Thời điểm cắt giảm thuế ôtô về 0% vào 2018 không còn xa và gần như không đủ thời gian cho bất cứ quốc gia nào muốn xây dựng", Tổng giám đốc một công ty phân phối xe sang Đức nhận định.
Cả hai nước này nhận ra tiềm năng lớn ở khu vực và thực hiện nghiêm túc chiến lược của mình. Ngoài tiêu thụ nội địa tốt, một yếu tố quan trọng là chính sách ổn định và minh bạch.
"Họ không thay đổi thuế 6 tháng một lần như Việt Nam, mà ổn định hàng chục năm. Ôtô là mặt hàng có chu kỳ sản xuất dài, cần sự minh bạch, rõ ràng và ổn định để thuyết phục đối tác. Việt Nam từng có kế hoạch sản xuất xe chiến lược, nhưng bây giờ thì cơ hội đã hết", vị giám đốc này kết luận.
Mỹ Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet