Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM) vừa giúp cụ ông N.M đã trên 90 tuổi thoát khỏi tình trạng bị bệnh tật hành hạ bằng ca phẫu thuật nội soi để gắp xương cá. Cụ ông bị ho, khó thở suốt hơn 1 tháng, được nhiều nơi chẩn đoán là phế quản mạn tính - một bệnh rất thường gặp ở người có tiền sử lao phổi cũ như ông và có các triệu chứng giống hệt biểu hiện bệnh của ông. Mãi không khỏi, cuối cùng, ông M. đến BV Thống Nhất và được chẩn đoán ban đầu là do cơn kịch phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Khổ vì “xử lý” kiểu dân gian
“Qua một thời gian điều trị, bệnh của cụ vẫn không thuyên giảm. Tình cờ trong một ca trực đêm, tôi quan sát thấy cụ ho khạc ra nhiều đàm nhưng “đàm” này lại giống mủ hơn nên hỏi lại người nhà. Thì ra cách đó hơn 1 tháng, gần thời điểm bắt đầu ho, cụ có bị hóc xương và được người nhà xử lý bằng cách cho nuốt cơm.
Sau đó, cảm giác đau do mắc xương đã hết nên người nhà cũng ngỡ thế là xong, không cung cấp chi tiết này cho bác sĩ (BS) trong những lần đi khám bệnh. Kết quả chụp CT scanner cho thấy cụ ông có dị vật trong đường thở, khoảng 2,5 - 3 cm và nằm sâu tận phế quản gốc bên phải, một vị trí rất khuất không thể xác định bằng X-quang” - BS Đỗ Thị Kim Yến, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp BV Thống Nhất, kể.
BS Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai mũi họng BV Nhân dân 115, cho biết ông từng gặp nhiều trường hợp người ta xử lý dị vật, thường gặp nhất là xương động vật bị mắc khi ăn uống, bằng cách nuốt với nhiều dạng “dụng cụ hỗ trợ”: cục cơm, xôi, chuối, chiếc lá có cột cọng chỉ, nắm lá, rau… “Nếu may mắn, dị vật có thể trôi vào và được đưa ra ngoài theo đường tiêu hóa nhưng chỉ trong trường hợp dị vật đó thật nhỏ và rơi vào thực quản. Còn nếu không may thì dị vật sẽ trôi vào sâu hơn trong cơ thể và bị mắc lại bất cứ điểm nào khiến việc lấy ra rất khó khăn; nếu không được tìm thấy và lấy ra kịp thời thì dễ dẫn đến tổn thương, viêm, áp-xe ở vị trí nó mắc lại” - BS Long lý giải.
Những mảnh xương cá dài từ 1,5-3 cm lấy ra từ phế quản của một bệnh nhân.
Còn theo BS Lê Bảo Huy, Trưởng Khoa Cấp cứu BV Thống Nhất, nguy hiểm nhất vẫn là những dị vật rơi vào đường thở, bị tác động bởi trọng lực hoặc do bệnh nhân cố nuốt vào, dị vật sẽ đi sâu vào cơ thể. Đến một giai đoạn nào đó, dị vật trôi sâu vào những vị trí không làm cho bệnh nhân cảm thấy đau nữa nên họ ngỡ nó đã ra khỏi cơ thể và dị vật ấy xem như bị “bỏ quên”. Tuy nhiên, nếu không được lấy ra khỏi đường thở, dị vật sẽ khiến bệnh nhân bắt đầu gặp phải những biểu hiện giống như mắc bệnh đường hô hấp kéo dài, rất dễ bị chẩn đoán nhầm nếu người đó có tiền sử bệnh phổi mạn tính, viêm phế quản mạn tính…
Không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị áp-xe trong phổi, hay nguy hiểm hơn là dị vật đi vào lồng ngực gây áp-xe trung thất, viêm trung thất, có thể tử vong. “Nếu dị vật rơi vào thực quản mà cố nuốt cũng nguy hiểm không kém. Nhiều trường hợp khác dị vật vượt qua được một chặng đường dài nhưng vào đến ruột thì mắc lại, thậm chí làm thủng ruột” - BS Yến cho biết.
Không nên khạc, nuốt
BS Huy cho biết nuốt nguyên cục cơm, trái chuối… ngoài việc đẩy dị vật vào sâu bên trong còn có khả năng khiến bệnh nhân sặc và mắc nghẹn chính những thứ được dùng để “cứu hộ” ấy. “Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi lẽ, một viên xôi lớn, một trái chuối… vốn quá to, có thể chặn toàn bộ đường thở nếu bị mắc lại, khiến nạn nhân ngưng thở ngay tức khắc. Tốt nhất, nếu khạc nhẹ mà không ra thì nên đến BV để nhờ BS xử lý” - BS Huy khuyến cáo.
Theo BS Long, việc khạc hay cố nuốt dị vật đều là những cách được các chuyên gia y tế khuyến cáo là không nên. Nhiều người đã nhập viện cầu cứu BS trong tình trạng khạc ra máu sau một hồi cố gắng tống dị vật ra vì khi khạc, cơ họng sẽ co lại, càng làm dị vật đâm sâu thêm, gây ra trầy xước, chấn thương nhiều hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet