Năm 2008 kết thúc bằng những con số không quá buồn với các hãng xe hơi. Nửa cuối năm không thực sự như ý nhưng nửa đầu đã mang về cho các thành viên trong Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) thành tích đáng kể. Doanh số cộng dồn 11 tháng đã đạt mức trên 100.000 chiếc, đánh dấu mốc mới trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, hầu hết đều đang lo lắng cho 2009 được đánh giá là cực kỳ ảm đạm, với những rào cản đến từ nhiều phía, cả trong lẫn ngoài nước. Dưới đây là 4 "chướng ngại vật" đã được định trước, chưa kể những diễn biến bất thường.
1. Phí trước bạ tại Hà Nội tăng lên 12%
Ngày 3/12, VAMA gửi công văn tha thiết đề nghị xem xét lại dự thảo tăng phí trước bạ do khó khăn của thị trường ôtô nhưng UBND TP Hà Nội vẫn quyết định điều chỉnh từ 10% lên 12% và có hiệu lực từ 1/1/2009.
Giữa lúc tiêu thụ khó khăn thì tăng thuế trước bạ ngay thời điểm 1/1 được các liên doanh coi là "họa vô đơn chí". Bởi với mức phí này, 20 ngày trước Tết nguyên đán sẽ không còn hy vọng ở thị trường Hà Nội, trong khi các năm trước đây là thời điểm sôi động nhất.
Mitsubishi Zinger, mẫu xe mới của Vinastar. Ảnh: H.T. |
Mức phí 12% khiến khách hàng mua ôtô phải trả thêm 20%. Chẳng hạn một chiếc Hyundai i30 có giá 30.000 USD hiện phải đóng 3.000 USD tiền phí. Sau ngày 1/1, người mua sẽ phải đóng 3.600 USD, tức là thêm 600 USD nữa.
Tiền phí chưa phải là vấn đề lớn bởi theo lý giải của một chuyên gia, tâm lý khách hàng mới là điều quan trọng nhất. "Vào lúc tất cả đều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu thì chỉ cần tăng vài phần trăm cũng đã khiến họ lưỡng lự. Huống hồ ở đây lại tăng tới 20%", vị này phân tích.
2. Thuế tiêu thụ đặc biệt mới
Sau phí trước bạ 3 tháng, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ có hiệu lực, ngày 1/4/2009. Trong các loại thuế ôtô thì tiêu thụ đặc biệt có ảnh hưởng lớn nhất đến giá bán ra. Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ, giá xe sẽ bị tác động. Và lần này phân khúc xe đa dụng 6-9 chỗ bị hạn chế đáng kể với mức tăng giá 12-23%.
Loại xe | Dung tích động cơ (cc) | Thuế mới (%) | Thuế cũ (%) | Mức thay đổi giá sau thuế |
Xe 5 chỗ | Dưới 2.000 | 45 | 50 | Giảm 3% |
2.000-3.000 | 50 | Không đổi | ||
Trên 3.000 | 60 | Tăng 7% | ||
Xe 6-9 chỗ | Dưới 2.000 | 45 | 30 | Tăng 12% |
2.000-3.000 | 50 | Tăng 15% | ||
Trên 3.000 | 60 | Tăng 23% |
Do đó, các "ông lớn" trong VAMA như Toyota, Ford, Vidamco, Vinastar như ngồi trên đống lửa do phần lớn doanh số và lợi nhuận đang dựa vào dòng đa dụng. Ford trong hơn 1 năm qua chủ yếu bán Everest, Vidamco có tới hai sản phẩm quan trọng bị ảnh hưởng là Captiva và Vivant. Vinastar thì đã lỡ bỏ hết dòng sedan (xe 5 chỗ) để tập trung vào loại 6-9 chỗ như Grandis và sản phẩm mới trình làng Zinger.
Toyota được đánh giá an toàn nhất trong nhóm các nhà sản xuất trên nhờ có danh mục sản phẩm đa dạng. Nhưng lợi thế của "con gà đẻ trứng vàng" Innova sẽ bị giảm đáng kể. Trang bị động cơ dung tích thực 1.998 phân khối nên Innova được xếp vào loại xe 6-9 chỗ dưới 2.000 phân khối và giá xe sẽ bị đội lên khoảng 12% khi thuế có hiệu lực.
Như vậy, khách hàng sẽ phải bỏ thêm 4.100 USD nếu muốn mua một chiếc Toyota Innova V so với 34.100 USD hiện tại. Sự thành công của Innova trên thị trường được cho là phụ thuộc phần lớn vào mức giá phải chăng. Sang 2009, ưu điểm sống còn đó không còn nữa.
Ngoài Innova, Toyota cũng đang đau đầu với kế hoạch đưa chiếc đa dụng thứ hai, Fortuner, ra thị trường đầu 2009. Có động cơ nằm trong khoảng 2.000-3.000 phân khối, giá Fortuner sẽ tăng khoảng 15% sau ngày 1/4.
Hai nhà sản xuất bình tâm nhất là Mercedes và Honda. Với chiếc sedan Civic và crossover CR-V 5 chỗ, Honda không bị điều chỉnh tăng nào về giá, thậm chí Civic còn giảm được khoảng 3%. C200K Avantgarde, C200K Elegance và E200 của Mercedes cũng được giảm 3% trong khi C230, E280 giữ nguyên.
3. Khủng hoảng từ hãng mẹ
Những tin xấu liên tiếp xuất hiện với General Motors, Ford, Toyota, Honda, Mitsubishi trên thế giới và câu hỏi được đặt ra là điều đó tác động như thế nào đến các liên doanh ở Việt Nam.
Hầu hết câu trả lời đều là "không ảnh hưởng " bởi các liên doanh hoạt động độc lập. Theo các chuyên gia thì khó khăn thực sự xuất hiện khi bước sang 2009. Các nhà sản xuất sẽ chẳng dễ dàng xin được hãng mẹ hỗ trợ giảm giá, khuyến mãi hay tăng thời hạn bảo hành để kích cầu. Vì vậy, thị trường càng ảm đạm hơn.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ khủng hoảng, kế hoạch đưa sản phẩm mới sẽ không còn thuận lợi. Vidamco từng rất thành công khi thuyết phục GM Daewoo cho đưa Chevrolet Captiva về Việt Nam nhưng lời hứa cho ra đời phiên bản máy đầu từ đầu năm vẫn chưa thực hiện được và có nguy cơ hoãn vô thời hạn.
4. Doanh nghiệp FDI được nhập khẩu xe nguyên chiếc
Kể từ 1/1/2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Tuy nhiên, họ vẫn phải thông qua các đại lý (dealer) chứ không được bán trực tiếp cho khách hàng.
Sự mở rộng này sẽ khiến các nhà phân phối nước ngoài không phải ủy quyền nhập khẩu cho các công ty 100% vốn trong nước như trước đây. Thế nhưng, theo đánh giá thì thị trường ôtô nhập cũng không sôi động hơn bởi giá xe hiện tại đang bị áp lực lớn với mức thuế nhập khẩu hiện là 83%, chưa kể thuế tiêu thụ đặc biệt mới sắp có hiệu lực.
Nhiều công ty phân phối lớn đã nhòm ngó thị trường Việt Nam nhưng do khó khăn chung của ngành công nghiệp ôtô, mức thuế cao và cần thời gian tìm đối tác làm đại lý nên phải đến cuối 2009 hoặc đầu 2010, họ mới có thể tiếp cận được.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet