Nội dung

Mong mỏi mãi mới có được một đứa con, song niềm vui được làm cha mẹ của anh Tuấn- chị Phúc đã không trọn vẹn khi linh cảm những điều bất thường. Anh chị  lo lắng vô cùng khi Phương Anh, con gái bé bỏng không có những dấu mốc phát triển như các bạn cùng trang lứa: 5 tháng tuổi bé mới biết hóng chuyện, 9 tháng mới biết ngồi. Mỗi lần đến giờ ăn là một lần cả nhà đánh vật vì bé thường xuyên nôn trớ. Thỉnh thoảng, con lại có biểu hiện co giật, tím tái. Gia đình đưa con đi khám đủ các chuyên khoa từ dinh dưỡng, thần kinh tới phục hồi chức năng tại bệnh viện các tuyến nhưng các bác sĩ đều lắc đầu không tìm ra nguyên nhân.

Trong lúc gần như tuyệt vọng với tình trạng sức khỏe của con gái, một lần lang thang trên diễn đàn Làm Cha Mẹ, anh Tuấn tình cờ quen được người bạn có con trai cũng mắc tình trạng giống như con gái anh và đang được theo dõi tại Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm, Bệnh viện Nhi Trung ương. Mừng như bắt được vàng, anh Tuấn-chị Phúc vội vàng thu xếp đưa cô con gái 17 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, sau khi con được các bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm để phát hiện các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, anh Tuấn-chị Phúc mới ngã ngửa khi biết con mắc bệnh Phenylketone niệu (PKU), một trong các bệnh rối loạn chuyển hoá axit amin. Nhưng thật đáng tiếc, do được chẩn đoán muộn, căn bệnh này đã khiến bé Phương Anh có tổn thương về não.

Nhưng điêu cân biêt vê bênh rôi loan chuyên hoa bâm sinh

Các bệnh nhi và gia đình được bác sĩ chuyên khoa Nội tiết tư vấn về cách chăm sóc, điều trị bệnh

PKU – Căn bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhưng rất khó chẩn đoán sớm

Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Chí Dũng-Phụ trách trung tâm, PKU là rối loạn gây tích tụ phenylalanin, một axít amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp nhưng có sẵn trong thức ăn. Bình thường, phenylalanin dư thừa được chuyển thành tyrosin (một axít amin khác) và được loại bỏ khỏi cơ thể. Nếu không có enzym để chuyển đổi phenylalanin thành tyrosin, phenylalanin sẽ tích tụ trong máu và gây độc cho não, gây ra khuyết tật trí tuệ.

PKU hầu như không thể chẩn đoán trong thai kỳ, trừ trường hợp có các yếu tố nguy cơ rõ ràng. Việc chẩn đoán sớm bệnh sau khi sinh cũng khó khăn. Trẻ sơ sinh mắc PKU hiếm khi biểu hiện triệu chứng ngay, mặc dù đôi khi trẻ biểu hiện ngái ngủ hoặc ăn kém. Nếu không được điều trị, dần dần trẻ sẽ bị khiếm khuyết trí tuệ trong những năm đầu đời, diễn biến bệnh ngày càng nghiêm trọng. Các triệu chứng khác bao gồm co giật, buồn nôn và nôn, ban đỏ giống bệnh eczema, da và tóc nhạt màu hơn so với những người trong gia đình, hành vi hung hăng hoặc tự gây thương tích, tăng động và đôi khi có các triệu chứng tâm thần. Trẻ không được điều trị thường cơ thể có mùi hôi như chuột và nước tiểu có mùi do xuất hiện sản phẩm phụ của phenylalanin (axít phenylacetic) trong nước tiểu và mồ hôi.

Nhiều gia đình mất con vì chẩn đoán bệnh muộn

Câu chuyện của gia đình cháu Phương Anh chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp bệnh lý rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hiếm gặp mà các bác sĩ tại Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận.

Gắn bó với chuyên ngành rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và di truyền lâm sàng, đặc biệt đối với các bệnh hiếm đã trên 15 năm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của các gia đình phải mất con do trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nhưng không được phát hiện bệnh sớm.

Câu chuyện của chị Thanh (Quảng Xương, Thanh Hóa) là một trong những trường hợp như vậy. Năm 2013, chị Thanh vui mừng đón đứa con đầu tiên chào đời. Tuy nhiên, hạnh phúc làm mẹ ngắn chẳng tày gang khi mới được 5 tháng tuổi con gái đã bỏ chị mà đi sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình khi chị lại sinh một bé trai khỏe mạnh. Thế nhưng 3-4 ngày sau sinh, bé bắt đầu có biểu hiện quấy khóc liên tục, chậm bú, chậm cử động. Cảm thấy bất an nên đến ngày thứ 7, chị Thanh quyết định đưa con đến bệnh viện tỉnh. Vì không tìm ra bệnh nên bệnh viện tỉnh chuyển con chị lên Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, chị Thanh chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo đứa con này của chị mắc bệnh rối loạn chuyển hóa axit amin.

Sàng lọc trẻ sơ sinh, phát hiện và điều trị bệnh sớm để có những mầm non khỏe mạnh

Bé Nguyễn Duy Phúc được gia đình đưa đến Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm khi mới được 28 ngày tuổi. Sau khi tiến hành các xét nghiệm định lượng axit amin trong máu, các bác sĩ xác định cháu mắc bệnh Phenylketone niệu (PKU). Cháu được chỉ định dùng sữa không có phenyl alanin và theo dõi nồng độ phenyl alanin. “Trẻ mắc bệnh được sàng lọc để phát hiện bệnh sớm và có chỉ định điều trị kịp thời thì cơ hội phát triển như các trẻ bình thường càng cao” –bác sĩ Khánh cho biết

Theo tiến sĩ, bác sĩ Vũ Chí Dũng, có tới 7000 bệnh di truyền hiếm gặp nhưng không phải tất cả bệnh lý của thai nhi đều được phát hiện từ trong bụng mẹ. Trẻ mắc các bệnh này sinh ra thường không có biểu hiện gì cho đến khi bắt đầu tiếp nhận các chất dinh dưỡng từ bên ngoài. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh được phát hiện muộn và hầu hết đều không thể được cứu sống.

Nhưng điêu cân biêt vê bênh rôi loan chuyên hoa bâm sinh

Các trẻ sàng lọc sơ sinh được lấy máu gót chân trong vòng 36-72 giờ đầu sau sinh để làm xét nghiệm

Hiện nay, Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm Bệnh viện Nhi trung ương là trung tâm duy nhất trong cả nước triển khai đồng bộ các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, thăm khám và xét nghiệm khẳng định chẩn đoán, điều trị, theo dõi lâu dài dành cho đối tượng bệnh nhi mắc các bệnh hiếm. Mỗi ngày, tại đây có thể thực hiện sàng lọc cho 500 trẻ với 55 bệnh rối loạn chuyển hóa axit amin, axit hữu cơ, axit béo, một số bệnh dự trữ thể tiêu bào và bệnh nội tiết di truyền.  Các trẻ sàng lọc sơ sinh được lấy máu gót chân trong vòng 36-72 giờ đầu sau sinh để xét nghiệm. Riêng trong năm 2017, đã có 61 trẻ mắc các nhóm bệnh cần điều trị cấp cứu được xác định chẩn đoán sớm.

Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết chia sẻ, hầu hết các bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh điều trị đều khó khăn, sử dụng dinh dưỡng đặc biệt, thời gian điều trị lâu dài, thậm chí là cả đời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp việc điều trị chỉ cần chú ý chế độ ăn uống, bổ sung vitamin B1, B12… là sức khỏe trẻ sẽ ổn định và phát triển bình thường.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Chí Dũng chia sẻ: “Mục tiêu cao nhất mà các bác sĩ Trung tâm sàng lọc sơ sinh và quản lý các bệnh hiếm muốn hướng tới là: sàng lọc các rối loạn chuyển hóa ở trẻ sơ sinh nhằm phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm tỉ lệ tử vong cũng như nguy cơ tàn tật ở trẻ em, góp phần tạo dựng và bảo vệ một thế hệ trẻ khỏe mạnh ngay từ đầu đời”.

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Cách dùng chất béo với bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số những bệnh hay gặp của “thời hiện đại” và cuộc sống đô thị hóa.  Căn bệnh đó cũng liên quan rất mật thiết với chế độ ăn uống. Chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò đặc biệt.

Xem thêm  

Trúc Diễm khoe da trắng mịn màng

Chiều qua (10/11/2013) người đẹp Trúc Diễm đã góp mặt trong buổi tọa đàm về trò chơi giải trí trên thiết bị di động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trúc Diễm lựa chọn mẫu trang phục...

Xem thêm  

Cách lựa chọn thực phẩm khôn ngoan

Để đảm bảo sức khoẻ, mỗi người cần phải biết chọn cho mình thức ăn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, sở thích. Lựa chọn phù hợp Phù hợp với...

Xem thêm