Đêm "No.7 - Cám ơn Sài Gòn" của nguyễn công trí diễn ra tối 1/11 tại TP HCM.
Chương trình được thực hiện trong không gian ấm cúng của một khán phòng sang trọng tại TP HCM. Khoảng 200 khách mời gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi, bạn bè, khách hàng thân thiết... có mặt để thưởng thức thành quả lao động và sáng tạo của Công Trí cùng êkíp.
Đúng như những gì Công Trí tuyên bố trước sô diễn, mọi chi tiết trong chương trình đều được anh chăm chút cẩn thận, tạo sự thoải mái và tinh tế nhất cho người xem. Các hàng ghế khán giả được bố trí xếp tầng khéo léo đặt dọc sàn catwalk 22 m, mở ra hướng nhìn thoải mái cho người xem. Một màn hình LED lớn đặt đầu catwalk, làm nền chiếu những thước phim chọn lọc, ấn tượng về con người, cảnh vật Sài Gòn.
Các mẫu thiết kế của Công Trí mô phỏng đời sống. |
Gói gọn trong 45 phút, đêm "Cám ơn Sài Gòn" gồm ba phần trình diễn các mẫu thiết kế mới. Ngay từ khoảnh khắc mở màn, khán giả được lắng đọng với video đen trắng chắt lọc về góc khác của TP HCM không hoa lệ. Đó là những hẻm nhỏ, gánh hàng rong, những đứa bé trần truồng tắm mưa và những con người ở khu phố lao động nghèo...
Những âm thanh tất bật về Sài Gòn và hình ảnh con người bình dị được dùng như gạch nối, dẫn màn trình diễn thể hiện đẳng cấp của thời trang Công Trí. Ở phần này, Công Trí muốn thể hiện, phong cách Couture sang trọng vẫn bắt nguồn từ thực tại đời sống.
Chất liệu lụa, tơ tằm hay satin Việt Nam được anh xử lý tinh tế vào những trang phục sang trọng, cao cấp mà không hề xa lạ. Tất cả người mẫu đều diện nón lá cách điệu từ chất liệu nhựa trong suốt. Thấp thoáng trong mỗi kiểu thiết kế là hình ảnh chiếc bà ba, chiếc áo dài biến tấu thành những kiểu váy, trang phục liền quần nhiều phong cách. Công Trí thể hiện đẳng cấp ở chỗ tỉ mỉ trong từng chi tiết của thiết kế. Đường may nhỏ, gọn tinh tế, những kỹ thuật đan móc ở phần thân áo trước và sau đều khéo léo, phối màu sang trọng và nhẹ nhàng.
Phần trình diễn đầu được kết nối phần thứ hai với âm thanh ào ạt của tiếng mưa rơi và bản phối vài nốt nhạc của Rhythm Of The Rain. Đây là trình diễn những bộ váy dạ hội in đậm dấu ấn của nam thiết kế khi phom dáng giao thoa giữa dòng thời trang ấn tượng và thời trang ứng dụng. Những thân váy dài, kiêu sa được anh thể hiện trên tông màu đen là chủ đạo, bật lên nét sang trọng và cá tính mạnh. Chen lẫn đâu đó trong màn trình diễn này là những chiếc váy sequin lóng lánh màu vàng chanh, tạo cảm giác hơi “sến”, nhưng lộ rõ chủ đích của nhà thiết kế. Đây chắc chắn sẽ là những kiểu váy được các khách hàng nữ nhiều độ tuổi của anh yêu thích.
Trang Trần trong một mẫu áo dài. |
Có thể nhiều người sẽ mong chờ những gì “hoàng tránh” trong bộ sưu tập mới của Công Trí như anh từng thể hiện, tuy vậy, anh đã làm mới bản thân khi đi từ kiểu thời trang lồng ghép những ý tưởng chất vấn nội tâm, hay cá tính nổi loạn sang thời trang "vị nhân sinh" ở "No.7 - Cám ơn Sài Gòn". Ở quan niệm thời trang này, sự giản lược trong đường nét thiết kế được anh phối hợp với nét chăm chút ở chi tiết trang phục, tạo nên thời trang hiện đại.
Phần trình diễn thứ ba của chương trình mở đầu bằng những âm thanh rất Sài Gòn. Ngay cả khi thành phố này đang phát triển đi lên từng ngày thì nhịp sống đương đại của nó cũng không thể thiếu các âm thanh của hủ tiếu gõ, quảng cáo keo dán chuột, tiếng rao bánh giò... trên phố. hồ ngọc hà xuất hiện ở phần này trong vai trò DJ, điều khiển nhạc nền cho toàn bộ phần trình diễn áo dài. Chính Hồ Ngọc Hà cũng là một người mẫu trình diễn thiết kế áo dài của Công Trí.
Thanh Hằng (trái) và Hồ Ngọc Hà nắm tay nhau chốt lại đêm diễn "Cám ơn Sài Gòn". |
Phong cách cuốn hút, quyến rũ của nữ ca sĩ bên bàn chỉnh nhạc cùng những âm thanh được mix giữa chất rộn rã, tươi vui của nhạc điện tử xen kẽ điệu vọng cổ miền Tây da diết làm nên một thứ âm nhạc Sài Gòn là lạ. Thứ âm nhạc ấy kích thích thính giác và thị giác của khán giả. Mọi người vừa được nghe, được ngắm và cảm nhận một không gian Sài Gòn thu nhỏ trên thân áo dài của người mẫu.
Những thiết kế đồ họa trên vải lụa, satin được áp dụng bằng kỹ thuật in chuyển nhiệt, tạo nên những hình ảnh sống động về đường phố, văn hóa, ẩm thực, kiến trúc của Sài Gòn... Việc nhìn ngắm chất liệu đời sống được tạo thành họa tiết trên áo dài khiến khán giả phấn khích. Các kiểu áo dài đều được may đo theo đúng chỉ số hình thể của từng người mẫu. Họa tiết trên thân áo cũng thể hiện theo tính cách của họ.
Nguyễn Công Trí (giữa) xúc động trong đêm ra mắt bộ sưu tập lớn nhất trong năm của mình. |
Ví dụ, nét diễn mạnh mẽ và lạnh lùng của Trang Trần được kết hợp với tà áo dài in hình những biển cấm và biển báo quen thuộc trên đường phố Sài Gòn. Trong đó, biển "Cấm sờ cột điện" là một nét nhấn tinh nghịch. Tà áo dài của Dương Mỹ Linh được in những chân dung của cô đào sân khấu, điện ảnh một thời làm toát nên vẻ dịu dàng, hoài cổ. thanh hằng xuất hiện áp cuối với tà áo dài trắng tinh khôi, thuần chất phụ nữ Việt Nam. Cùng Thanh Hằng, Hồ Ngọc Hà chốt lại đêm diễn với tà áo dài in chủ đề của bộ sưu tập No.7 "Cám ơn Sài Gòn". Cách miêu tả nhẹ nhàng về một Sài Gòn hài hòa giữa cũ và mới qua thời trang của Công Trí nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt từ khán giả.
Chương trình mang đến các điểm cộng như: khách mời chọn lọc và thể hiện đẳng cấp thời trang, tổ chức chuyên nghiệp, đêm diễn đẹp về tổng thể, gọn gàng và thậm chí còn khiến khán giả "thòm thèm" muốn xem tiếp.
Kiến trúc sư Khánh Casa, một khán giả của đêm diễn, nhận xét: "Chất liệu và phom dáng thiết kế của Trí không hẳn là lạ, mà ngược lại còn rất quen thuộc. Nhưng về ý tưởng sáng tạo, cách anh đưa đời sống vào thời trang, đặt những thứ tưởng như rất đỗi bình thường vào một tổng thể chung thì rất tuyệt vời. Theo cảm nhận của riêng tôi, bộ sưu tập mới này của anh không chỉ khiến người Việt thích thú mà còn hấp dẫn cả khán giả nước ngoài. Với bộ sưu tập này, tôi tin Công Trí đánh bại những lời chê anh chưa có gì mới".
* Ảnh: Biển báo, bảng hiệu vào sưu tập áo dài 'Cám ơn Sài Gòn' |
Chi Mai
Ảnh: Kính Cận
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet