Mụn bọc, mụn mủ do dị ứng hoặc thay đổi nội tiết trong cơ thể thường tấy đỏ kèm theo đau rát. Những người có da mặt nhạy cảm ngay cả việc rửa mặt bằng nước quá nóng hay quá lạnh cũng khiến những đốm mụn này tổn thương nặng nề.
Trong thời điểm này, nhiều người bỏ qua việc tẩy tế bào chết vì cho rằng sẽ làm da tổn thương nặng hơn hoặc việc tẩy tế bào chết khiến tình trạng mụn mọc trên da nặng nề hơn.
Thực chất tẩy tế bào chết rất cần thiết bởi chúng lấy đi lớp biểu bì già cỗi bên ngoài để ngăn chặn lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Với người có da dễ nổi mụn tẩy tế bào chết chính là cách ngăn mụn mọc nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong thời kì da cực nhạy cảm này, cần có những lưu ý khi tẩy tế bào chết cho da mặt. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn giảm khó chịu khi tẩy tế bào chết cho da.
Da luôn cần được làm sạch và loại bỏ tế bào chết gây bít lỗ chân lông ngay cả khi bị mụn.
Chọn loại kem tẩy tế bào chết phù hợp
Người có mụn bọc, mụn mủ thường sở hữu làn da dầu. Những vết bóng dầu khó chịu khiến không ít người lựa chọn loại kem tẩy tế bào chết có hạt thô hoặc có hàm lượng chất tẩy rửa mạnh.
Việc lựa chọn mỹ phẩm sai lầm này khiến da bị tổn thương khi đang ở thời kì nhạy cảm. Ngay cả khi loại kem tẩy tế bào chết đã chọn rất hợp với làn da của bạn vẫn nên thay thế bằng một loại nhẹ nhàng hơn khi da có mụn bọc, mụn mủ.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nên dùng loại sữa tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm hoặc dùng những hỗn hợp tự nhiên như sữa chua trộn cùng đường đen hoặc dầu dừa trộn cùng đường đen. Cũng nên tránh sử dụng những hỗn hợp tự nhiên có chanh, giấm táo… dễ gây rát, xót cho vùng da mụn.
Nên sử dụng loại mỹ phẩm nhẹ nhàng và không chà xát khi tẩy tế bào chết cho da mụn.
Không chà xát da khi tẩy tế bào chết
Hiện nay đa số chị em phụ nữ thường chọn kem tẩy tế bào chết dạng kì hoặc hạt massage vì chúng đem lại cảm giác sảng khoái, sạch sẽ hơn. Khi mụn của bạn ở mức độ vừa phải mụn không quá to, sung đỏ hoặc có mủ hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào như trên.
Tuy nhiên, khi sử dụng những cách này thì phải tránh những nốt mụn còn đang đỏ hoặc đang sưng vì việc này khiến mụn càng nặng thêm. Chỉ nên dùng chúng khi mụn đã lành. Lúc này tẩy tế bào chết giúp da tái tạo để phục hồi những vết thâm, sẹo mụn. Trong thời kì da mụn nên dùng loại sữa tẩy tế bào chết xoa thật nhẹ nhàng lên mặt rồi rửa lại bằng nước sạch.
Tẩy tế bào chết 1 lần/tuần
Thông thường những chuyên gia chăm sóc sắc đẹp đưa ra lời khuyên nên tẩy tế bào chết 2 lần/tuần. Thậm chí nhiều chị em còn tẩy tế bào chết 3 lần/tuần vì cảm giác sạch sẽ, khô thoáng sau khi loại bỏ được lớp da thừa.
Nhưng trong thời kì bị mụn da trở nên yếu hơn, nhạy cảm và dễ tổn thương hơn việc tẩy tế bào chết quá nhiều khiến da bị bào mòn, lớp dầu tự nhiên cũng bị hao hụt đáng kể dẫn đến tình trạng mụn biểu tình nhiều hơn.
Vì vậy để bảo vệ da và ngăn chặn mụn tiếp tục sinh sôi nảy nở bạn chỉ cần nhẹ nhàng tẩy tế bào chết 1 lần/tuần.
Khi da bị mụn nên chọn những loại kem tẩy tế bào chết làm sạch nhẹ nhàng hoặc ưu tiên những hỗn hợp tẩy tế bào chết thiên nhiên.
Dùng kem chống nắng
Sau khi tẩy tế bào chết làn da vốn đã yếu và nhạy cảm do mụn sẽ càng yếu ớt hơn. Việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng dễ khiến bạn cảm thấy rát da hoặc cháy nắng. Việc dùng kem chống nắng vừa bảo vệ da vừa ngăn được những tác nhân xấu từ ánh nắng ảnh hưởng đến những đốm mụn mới hình thành và sẹo mụn. Tránh tình trạng vết thâm xấu xí và đầu mụn đỏ do tổn thương.
Dùng kem dưỡng ẩm
Nhiều người thường bỏ qua kem dưỡng ẩm khi da mụn vì cho rằng chúng làm da khó thở dẫn đến tình trạng mụn nổi loạn nhiều hơn. Nhưng tẩy tế bào chết thường khiến da khô và lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da vì vậy không thể quên kem dưỡng ẩm.
Nên chọn loại kem dưỡng ẩm không dầu hoặc kem dưỡng ẩm dành cho da mụn dùng ngay sau khi tẩy tế bào chết. Việc uống nước đầy đủ và bổ sung vitamin cần thiết cho da cũng là cách dưỡng ẩm và ngăn ngừa mụn hiệu quả.
Ngoài ra, với những người có làn da tổn thương nghiêm trọng do mụn bọc và mụn mủ có thể lựa chọn cách tẩy tế bào chết bằng mỹ phẩm hoặc dược mỹ phẩm chuyên dụng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu và chuyên gia thẩm mĩ khi lựa chọn cách tẩy tế bào chết này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet