Nền thời trang Việt Nam đang có những bước tiến khá dài để bắt kịp xu thế chung của thế giới. Bên cạnh nhà thiết kế, người mẫu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những thành công ấy. Nếu như trước đây, để trở thành người mẫu phải do mỗi người tự thân “tầm sư học đạo” thì nay đã có sự giúp sức khá nhiều từ các chương trình truyền hình thực tế. Không chỉ theo đuổi được đam mê, các chân dài còn có cơ hội tiếp cận với số đông khán giả ngay từ khi chập chững vào nghề.
Năm 2010, lần đẩu tiên Next Top Model được mua bản quyền về Việt Nam trong sự hân hoan chào đón của khán giả. Sau gần 6 năm, đây đã trở thành sân chơi hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo người mẫu. Trong những ngày đầu năm 2016 này, khán giả lại một lần nữa háo hức chào đón sân chơi mới với tên gọi The Face. Với sự tương đồng trong chuyên môn và lên sóng cùng một thời điểm, đâu sẽ là món ăn tinh thần thu “hút” khán giả hơn?
Vietnam's Next Top Model mùa đầu tiên
Huấn luyện viên the face vietnam 2016
Cạnh tranh “ngầm”
Không khó để nhận ra sự cạnh tranh “ngầm” của Vietnam’s Next Top Model (VNTM) mùa giải thứ 7 và The Face Vietnam mùa đầu tiên khi chọn cùng thời điểm phát sóng (vào trung tháng 6, đầu tháng 7 tới). Đặt lên bàn cân, nếu như VNTM xây dựng được thương hiệu uy tín trong lòng khán giả thì The Face lại tạo hứng thú khi là một món ăn mới.
Next Top Model - đứa con tinh thần của Tyra Banks
The Face - chương trình gắn liền với Naomi Campbell
Với khán giả Việt, những điều mới mẻ luôn tạo được sức hút hơn hẳn. Điển hình như các cuộc thi: The Voice, Vietnam Idol, The X-Factor, The Remix,… ở 1, 2 mùa giải đầu luôn tạo được hiệu ứng khán giả rất mạnh, nhưng càng về sau lại càng “đuối sức” và giảm hẳn lượt xem.
Nhưng trong “cuộc chiến” này, sức mạnh thương hiệu và lòng tin khán giả cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi trong hàng chục chương trình thực tế đang được phát sóng hiện nay, nếu thương hiệu đã được nhận diện rõ nét thì thành công sẽ đến dễ dàng hơn.
Thời trang cao cấp hay “mảnh đất” quảng cáo đầy tiềm năng?
Tháng 5/2003, America’s Next Top Model (bản gốc của Next Top Model trên toàn thế giới) ra đời. Cuộc thi đặt mục tiêu tìm ra những gương mặt người mẫu cá tính, độc đáo, mới mẻ. Lĩnh vực thời trang cao cấp, thời trang ấn tượng là những điều mà Next Top Model chú trọng.
Các quán quân thường có cơ hội xuất hiện trên những tạp chí thời trang hàng đầu thế giới sau khi rời khỏi cuộc thi. Điều này cũng là niềm vinh dự to lớn cho những người mẫu non trẻ. Tinh thần này vẫn được VNTM giữ vững đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong mùa giải thứ 7 sắp tới, VNTM lại có ý định lấn sân sang lĩnh vực người mẫu quảng cáo. Có thể thấy, điều này có phần “chệch định hướng” ban đầu của chương trình.
Thời trang cao cấp, định hướng ban đầu của Next Top Model
Dù ra đời sau Next Top Model gần 10 năm nhưng The Face lại nhanh chóng tạo được sức hút bởi format mới mẻ cùng con đường đi riêng biệt. Lĩnh vực quảng cáo luôn là mảnh đất tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Hầu như những gương mặt quen thuộc luôn được các nhãn hàng lựa chọn. Và The Face đã cho những tân binh có cơ hội trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu tầm cỡ. Qua 3 mùa, tiêu chí ban đầu của cuộc thi vẫn chưa có bất kì thay đổi nào.
Ngay ở mùa đầu tiên, The Face Vietnam đã tung slogan mạnh mẽ để khẳng định tính chất cố hữu của chương trình: “Vẻ đẹp chạm đến thương hiệu”.
Hồ Ngọc Hà - hình ảnh tiêu biểu cho tiêu chí của The Face Vietnam mùa giải đầu tiên
Gương mặt mới hay yếu tố nổi tiếng?
Trong bản gốc của Next Top Model hay The Face, giám khảo thường lựa chọn những gương mặt mới để mang đến sự thú vị cho khán giả. Về tiêu chí này, VNTM luôn đảm bảo.
Thí sinh Next Top Model thường là những gương mặt mới toanh.
Tuy nhiên, với The Face Vietnam mùa giải đầu tiên, các thí sinh tham dự đều là những tên tuổi quen thuộc như: An Nguy, Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Kim Chi, người mẫu Lê Hà, Tô Uyên Khánh Ngọc,… Nhưng trong lĩnh vực quảng cáo, điều mà các thương hiệu cần là sự phù hợp. Nhìn về một khía cạnh khác, sự nổi tiếng cũng góp phần đưa các thương hiệu đến gần với khán giả hơn nhưng những gì đã cũ vẫn dễ tạo nên sự nhàm chán.
Những gương mặt quá quen thuộc với khán giả trong ngày casting The Face Vietnam.
Ở Next Top Model, nếu như các thí sinh chỉ cần cạnh tranh với bạn đồng hành thì tại The Face, “cuộc chiến” này càng khốc liệt hơn khi họ phải vừa thể hiện được bản thân với 2 đội còn lại và với cả đồng đội của mình.
Sau khi rời khỏi The Face, ngôi vị quán quân gần như đã tạo nên được sự ảnh hưởng khi trở thành gương mặt đại diện cho một nhãn hàng. Trong khi đó, ở Next Top Model người chiến thắng sẽ nhận được một số tiền để bắt đầu cho quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân và kế hoạch đường dài trở thành một top model thực sự. Nhưng xét đến cùng, sự cố gắng, nỗ lực sau cuộc thi mới chính là yếu tố quyết định việc thành công hay không của một người mẫu.
Quán quân 2 mùa đầu của The Face US: Devyn và Tiana trở thành gương mặt quảng cáo cho hai thương hiệu lớn sau cuộc thi.
Nói riêng về VNTM, trong 6 mùa giải qua, dường như chỉ ở 2 mùa giải đầu, các quán quân mới thực sự tạo nên được những bứt phá trong sự nghiệp như: Hoàng Thùy, Trang Khiếu. Từ mùa 2013 trở về sau, khán giả có biết đến người chiến thắng, truyền thông cũng hay nhắc tên nhưng họ vẫn chưa thể tạo nên những bước ngoặc trong sự nghiệp. Lời hứa về chuyến làm việc của Mâu Thủy tại New York hay Nguyễn Oanh sẽ tiến ra thị trường thế giới vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ chưa lời đáp.
2 gương mặt khá thành công bước ra từ Vietnam's Next Top Model.
Với The Face, hạn chế ở thị trường Việt Nam là các thương hiệu vẫn có “thói quen” sử dụng người nổi tiếng để tạo sức bật cho thương hiệu. Chính vì thế, việc đưa những gương mặt mới toanh trở thành hình ảnh là điều khá khó khăn bởi khả năng lớn sẽ không tạo được sức hút, sự quan tâm của khán giả, khách hàng.
Liệu khi cạnh tranh với những gương mặt dày dạn kinh nghiệm, những người mẫu mới sẽ có cơ hội trong lĩnh vực quảng cáo đầy tiềm năng.
Cuộc chiến là của thí sinh hay ban giám khảo
Đến hiện tại, ban giám khảo của hai cuộc thi đã được công bố: The Face (Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương, Lan Khuê, Vĩnh Thụy), Vietnam’s Next Top Model (Thanh Hằng, Lý Quí Khánh, Samuel Hoàng, Hà Đỗ).
3 huấn luyện viên The Face.
Giám khảo Next Top Model mùa thứ 7.
Có thể thấy, so về tính giải trí The Face đã “ăn đứt” Next Top Model. Nhưng xét về chuyên môn thời trang, cán cân lại nghiêng về Next Top Model. Xét đến cùng về hiệu ứng khán giả, phần đông vẫn cho rằng The Face sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ với dàn huấn luyện viên có fans đông đảo bậc nhất V-biz.
Trong những năm qua, Next Top Model có dấu hiệu “giảm nhiệt” khi kết quả cuối cùng lại không như kì vọng của khán giả hoặc đi ngược hoàn toàn với số đông. Dĩ nhiên, giám khảo có lựa chọn của riêng họ và khán giả cũng có quyền tin là mình đúng. Và điều chúng ta phải luôn nhớ rằng, thành công của một người nghệ sĩ phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu thương của khán giả.
Năm nay, Thanh Hằng tiếp tục “cầm trịch” Next Top Model phiên bản Việt. Dù có kinh nghiệm lâu năm trong làng mẫu Việt và luôn được ngưỡng mộ về kĩ năng nhưng quá trình đào tạo học trò của Thanh Hằng khán giả lại không đánh giá cao. Có thể, một phần của việc này xuất phát từ cách dẫn dắt không mấy thu hút của nữ siêu mẫu. Nhưng mặt khác, có thể thấy những mùa giải gần đây, yếu tố chuyên môn gần như lép vế hẳn so với những scandal, chiêu trò để làm nổi chương trình.
Trở lại với The Face, yếu tố chuyên môn về nghề mẫu thì cả 3 huấn luyện viên đều có nhưng chắc chắn sẽ bị chi phối bởi yếu tố giải trí. Ngoài ra, với The Face, sức hút phần lớn được tạo nên từ sự cạnh tranh, khả năng hoạt ngôn của các giám khảo, chính vì thế, phần thể hiện của các thí sinh sẽ có khả năng bị lu mờ nhất định nhưng cuộc chiến này vẫn chưa bắt đầu. Và mọi câu trả lời chỉ có khi chương trình chính thức lên sóng.
Có thể thấy, cả Next Top Model và The Face đang nắm giữ những lợi thế riêng nhưng thành công chắc chắn phụ thuộc khá nhiều vào khán giả. "Chiến thắng" sẽ thuộc về cuộc thi nào trong năm 2016 này? Câu trả lời sẽ có vào trung tuần tháng 6 tới đây!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet