Cuộc đời biến động lạ kỳ của McQueen có thể chuyển thể thành một vở bi kịch với nội dung chính về chàng thanh niên nghèo vượt khó nhưng có kết thúc dường như chẳng có hậu.
2 người phụ nữ làm nên tên tuổi Alexander McQueen
Lee Alexander McQueen sinh năm 1960, là con út trong một gia đình khốn khó đông con. Trái ngược lại với ước mơ trở thành thợ sửa ống nước của người cha, McQueen sớm bộc lộ tố chất và niềm đam mê với thời trang bằng những nét phác thảo đầu tiên trên mảnh giấy dán tường bị bung tại ngôi nhà tồi tàn của gia đình anh ở phía Đông nước Anh. Khát vọng này càng trở nên mãnh liệt khi mẹ tặng cho cậu một cuốn sách viết về chân dung của những con người trong lĩnh vực thiết kế. Năm 16 tuổi cậu bé liều lĩnh bỏ ngang việc học tại trường phổ thông để bắt đầu phụ việc tại những tiệm may lớn như Anderson & Sheppard, Gieves & Hawkes tại Savile Row - thủ phủ của thời trang thủ công. Nơi đây cũng để lại dấu ấn ban đầu trong sự nghiệp của McQueen khi từng được chịu trách nhiệm làm nên trang phục của thái tử Charles, thủ tướng Mikhail Gorbachev cùng nhiều nhân vật trọng yếu khác…
Sau khi học được khá nhiều kiến thức về may mặc, Alexander MQueen lại tiếp tục “tầm sư học đạo” tại học viện thời trang và nghệ thuật Central Saint Martins College. Tại đây đã xảy ra sự kiện làm thay đổi cả cuộc đời cũng như sự nghiệp của McQueen – người về sau dùng tư duy thẩm mỹ của mình làm náo động cục diện thời trang, đó chính là việc stylist nổi tiếng tại London, Isabella Blow đã mua lại tất cả bộ sưu tập tốt nghiệp của McQueen. Sau đó Blow đã giúp đỡ McQueen rất nhiều trên con đường lập nghiệp và trở thành người bạn chân thật duy nhất của anh cho tới tận lúc cuối đời.
Cũng bởi vậy, sau này chính McQueen cũng thừa nhận mẹ và stylist Isabella Blow chính là 2 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất của đời mình.
Lee Alexander McQueen
Tay chơi hoang đàng, nổi loạn
Mặc dù đã từng 4 lần nhận giải thưởng Nhà thiết kế Anh Quốc của năm, được nữ hoàng Anh trao tước hiệu Hiệp sĩ hoàng gia, là Nhà tạo mốt của năm do hiệp hội Thiết kế thế giới tôn vinh, song McQueen thực chất lại là một “cậu trai bất trị” đúng nghĩa như giới mộ điệu phong tặng. McQueen biết bản thân có vấn đề khác lạ về giới tính từ năm lên 8, tới khi tên tuổi của anh được trình làng thế giới, chưa bao giờ McQueen phủ nhận mình là người đồng tính, hơn thế McQueen còn biến cái dị biệt của mình để tạo nên những tuyệt phẩm đẹp đến run sợ.
McQueen ngay khi mới chỉ là anh phó may tầm thường tại phố Savile đã thể hiện cá tính ngỗ nghịch khi “cả gan” thêu vào mặt trong của bộ trang phục của vị vua tương lai nước Anh – thái tử Charles dòng chữ cực kỳ bậy bạ và dung tục: I’m a c*nt!. Ngay cả khi đã bước chân vào lãnh địa thiết kế, thái độ ngông nghênh và ngạo mạn càng có dịp “được mùa”, McQueen vểnh mặt lên trước thế giới lúc bộ sưu tập còn chưa được tung ra: "Hãy cho tôi thời gian, chắc chắn tôi sẽ tạo ra cho quý vị thấy một cuộc cách mạng thực sự!”. Nói là làm, đứa con hư của thời trang Anh đã biến điều gã tuyên bố trở thành sự thực trăm phần trăm.
Mặc dù được hoàng gia Anh cưng chiều nhưng McQueen vẫn thích chế nhạo phe quân chủ
Kẻ ngang tàng bậc nhất làng thời trang
Kể từ đó Alexander McQueen luôn khiến tín đồ thời trang và cả các nhà bình luận lão làng phải sôi sùng sục cùng tư duy “quái đản nhưng cực thông minh”. Từ những chiếc quần Bumster cạp trễ, bộ sưu tập mang cái tên nhạy cảm Highland Rape đầy sắc màu dị biệt, cho tới tới năm 96, chủ tịch Bernard Arnault của tập đoàn LVMH đưa Alexander McQueen đặt lên ghế thiết kế chính của thương hiệu Givenchy cổ điển để thay thế John Galliano – cũng là một tay bất trị của làng thời trang. Ngay sau “lễ tuyên thệ” nhậm chức, McQueen hiển nhiên thấy phong cách thích cường điệu hóa của mình chẳng có tý tư chất nào phù hợp với nét hào hoa phong nhã của nhà Givenchy, anh chàng cười hềnh hệc vào lối tư duy của người đã “bênh” mình lên, giễu cợt Bernard Arnault có một quyết định không chuẩn.
Hiển nhiên bộ sưu tập đầu tiên của “anh lính đánh thuê” McQueen cho nhà Givenchy là một sự thất bại vô cùng thảm hại, dường như chẳng chút quan tâm và cũng không kì vọng mấy, McQueen thản nhiên gọi nó “chắc chắn đấy là một đống rác rưởi”.
Ấy vậy lời chê bai cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới thể diện của chàng trai ngông, tới bộ sưu tập sau McQueen có chút ý nhị và e dè hơn nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tới 1998, tại show Number 13, McQueen lại trưng dụng sự cổ quái tài hoa của mình khiến dân tình há hốc mồm kinh ngạc khi anh đem cô người mẫu bị cụt 2 chân Aimee Mullin ngạo nghễ bước đi trên sàn diễn cùng cặp chân giả chạm trổ cầu kỳ. Khán giả không khỏi xúc động nghẹn ngào ngay trong khoảnh khắc Aimee Mullin tàn tật với ánh mắt kiên cường vươn mình nghị lực như loài hoa bất tử không hề thể bị gục ngã.
Không những thế, Mc Queen còn đưa người xem tới ngạc nghiên mới khi cho một loạt những con robot xịt bom sơn leo lên sân khấu bắn phá tanh bành những mảng màu có chủ ý lên bộ váy vải thô trắng tinh của kiều nữ Shalom Harlow đang đứng trên bàn xoay.
Kate Moss 3D
Shalom Harlow bị robot vẽ tranh lên váy
Aimee Mullins - nàng thơ tàn tật của McQueen
Trong thời gian này, McQueen vẫn phá bỏ rào ngăn cản sự cuồng loạn của mình khi liên tục đưa ra những show diễn đáng kinh ngạc và các thiết kế đẹp lộng lẫy tạo cảm giác gai người. Hầu hết những show diễn của anh đều nhuốm màu của cái chết, bạo lực, tình dục và cả tôn giáo… Hầu như mọi vấn đề nhạy cảm nhất được anh tận dụng không chút quan ngại. McQueen thường chọn địa điểm kì lạ như trạm xe bus cũ, xưởng phim bỏ hoang,… để khán giả khó có thể dự đoán được những điều gì sẽ xảy ra. Nghệ thuật trình diễn của McQueen có thể được coi là đỉnh cao về sáng tạo lúc bấy giờ với hình ảnh Kate Moss được trình chiếu bằng kĩ xảo 3D trên sân khấu, người mẫu lướt trên mặt nước như những ninja Nhật hay cô gái hao gầy quay cuồng trong lồng kính chứa đầy những cuộn mỡ kinh hoàng…
Về thiết kế, McQueen là người theo chủ nghĩa cực đoan khi cường điệu hóa tột độ những chuẩn mực của thời trang, Theo cách thô bạo, McQueen biến những đôi chân phải dài hơn, thân hình phải lênh khênh hơn trên những đôi giầy càng cua có thể cao tới 30cm khiến giới người mẫu khẳng khiu hoang mang sợ hãi. Bên cạnh đó, McQueen lại tôn thờ những tỉ lệ vàng ngày xưa khi ngấu nghiến thít chặt biến vòng eo của người mẫu trở nên cực “con kiến” và phù phép thân hình của các khách hàng trung thành trở thành trò dị hợm trên đường phố. Không sở hữu bộ dạng hoàn hảo như McQueen hướng tới, một loạt những quý bà lắm tiền vẫn chạy đua để có dấu ấn McQueen trên người khi loạng choạng đứng không nổi trên đôi giày càng cua cao vút và những bộ trang phục bó sát phô đường mỡ thừa lồi lõm.
McQueen chưa bao giờ bị coi là thảm họa mà lại là nhà tiên phong cho thời trang nổi loạn bởi chính sự bảo thủ bướng bỉnh mang cái tôi cá nhân đậm nét đến từ việc phá bỏ những thứ cần tiêu chuẩn hóa và tiêu chuẩn hóa những thứ cần phá bỏ, đây cũng chính là tư duy của Chanel và Yves Saint Laurent, chỉ khác về thời điểm. Bên cạnh đó, xúc cảm mãnh liệt và tâm huyết của McQueen trong từng bộ sưu tập và show trình diễn mới chính là điều thực sự chạm tới tim của từng khán giả.
Tác phẩm của McQueen
Những đôi giày càng cua trứ danh
McQueen chỉ phục vụ nhà Givenchy cho tới năm 2001, lí do rời bỏ nơi này vì cho rằng tại đây vẫn khiến sự sáng tạo của anh bị kìm hãm. Sau khi tách riêng, các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ việc đấu bò Tây Ban Nha, dòng thời trang bán lẻ giành cho cả 2 giới, nhãn hiệu nước hoa… đã khiến cho tên tuổi cá nhân của McQueen càng ngày càng nổi tiếng.
Năm 2009, Alexander McQueen lại gây được hiệu ứng vang dội làm nức lòng tín đồ khi đem tới bộ sưu tập Plato’s Atlantis. Đây là một hình thức kết hợp ngoạn mục sàn diễn thời trang với giải trí, được truyền trực tuyến trên Showstudio. Và buổi trình diễn hoành tráng “có 1 không 2” này đã khiến Showstudio.com bị đánh sập bởi lượng truy cập kỉ lục, một phần cũng nhờ “công” của tín đồ McQueen, Lady Gaga loan tin trên mạng xã hội.
Bộ sưu tập Plato’s Atlantis lấy ý tưởng táo bạo từ một lời sấm truyền trong sách Khải Huyền về sự tuyệt diệt của nhân loại: Khi những tảng băng khổng lồ tan chảy sẽ khiến con người thích nghi hóa bằng việc quay về khởi đầu là các loài thủy quái vì thủy tổ loài người đã tiến hóa từ sinh vật biển.
Những người mẫu tiến ra sàn diễn sáng lóa trên những đôi giày mô phỏng theo hình dáng càng cua hay những con tôm được đính đá lấp lánh cầu kỳ trong những bộ váy thiết kế tinh xảo chuẩn mực tới từng chi tiết cùng thứ họa tiết được in bằng kỹ thuật hiện đại nhất tạo ra ấn tượng thị giác mãnh liệt cho người xem.
Điểm khiến cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì sự tinh tế đặt trong thái độ luôn tỏ ra cố chấp của McQueen, theo sát từng milimet với chủ đề tiến hóa, Mc Queen đem tới những bộ váy phồng in họa tiết với sự chuyển màu linh động trên đó y chang việc tạo hóa đã ban sắc màu hoàn hảo cho vỏ của những loài thủy sinh vật. Siêu đẳng hơn, thiên tài nổi loạn còn chuyển sắc độ màu để tóm gọn sự thay đổi của chính trái đất từ cổ chí kim, từ mảng xanh lá ám nâu thanh bình của thiên nhiên thời cổ sinh cho tới màu xanh lơ hiện đại của kỷ nguyên kỹ thuật số rồi ám ảnh người xem với lênh láng xanh dương mênh mang của cơn đại hồng thủy trong lời sấm truyền đã cảnh báo. Điểm nhấn cuối của bộ sưu tập, những trang phục bóng mượt lấp loáng ánh màu lam như da của loài cá da trơn lướt trên sàn diễn như bơi trong biển lớn đã khiến tất cả người xem trực tiếp đứng bật dậy vỗ tay không ngớt.
Show diễn Plato’s Atlantis
Ngày 9/3/2010, sau khi McQueen qua đời, tại tuần lễ thời trang Paris, bộ sưu tập cuối cùng của anh được trình diễn trong một gian phòng xa hoa với nhiều chi tiết mạ vàng trên tường và nội thất. Tất cả các mẫu thiết kế đều được nhà thiết kế kỳ công tự cắt bằng tay, tràn ngập màu sắc ám ảnh của các thiên thần, nàng đồng trinh nữ, âm hưởng Á Đông... trong từng nếp vải bóng bẩy, óng ánh bắt mắt đến nao lòng. Đến khi từ biệt cõi đời, nhà thiết kế tài ba vẫn để lại cho người xem những tuyệt phẩm đẹp như thần thoại. Tất cả những mẫu này đều được các nhà sưu tập, giới tín đồ thời trang… xâm chiếm bằng hết dù giá cả của chúng thuộc mức xa xỉ, nhưng điều này có hề gì so với việc được sở hữu một di sản quý giá.
Bộ sưu tập cuối cùng của McQueen
Savage Beauty - nghệ thuật đỉnh cao của thời trang
Một trong những thiết kế mang phong cách Gothic nổi tiếng nhất của McQueen
Kẻ ngạo mạn cô độc có trái tim hiếu thảo
Isabella Blow - một trong những người có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời McQueen đã tự sát năm 2007, trước đó bà cũng ám chỉ nhiều điều hờn trách tới mối quan hệ rạn nứt vì danh tiếng của McQueen. McQueen bị sốc nặng, đến dự tang lễ của Blow trong tâm trạng bệ rạc và thất thần. Năm 2008, ông dành tặng cả một bộ sưu tập cho người bạn tri kỉ duy nhất của mình.
George, một nhà làm phim tài liệu vô danh gặp McQueen tại quán bar đồng tính năm 1999. Anh này lúc đó không biết McQueen là ai nhưng lại kết thúc bằng một đám cưới linh đình với nhà tạo mẫu tài ba nhất trong lịch sử nước Anh trên du thuyền của thái tử Gambia tại Ibiza dưới sự chứng kiến của cô phù dâu nổi tiếng – siêu mẫu Kate Moss. Tuy nhiên 1 năm sau, họ chia tay. George Forsyth, chồng cũ của McQueen, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Sunday Mirror đã tiết lộ nhiều điều bi thương xung quanh cuộc sống riêng tư của McQueen, trong đó có chỉ trích lối sống phù hoa giả tạo 2 mặt của giới thời trang, tất cả những người nổi tiếng đều đến với McQueen chỉ bởi tài năng và danh tiếng của anh. Và McQueen hiểu rõ điều đó, anh luôn biết mình là người cô độc nhất. Sau khi chia tay, McQueen sống độc thân nhưng vẫn có quan hệ tình ái với cựu sao nam phim khiêu dâm có bí danh Mr.Stag.
Trong một phỏng vấn năm 2004, McQueen tuyên bố điều bất hạnh lớn nhất đời mình là việc sẽ phải chứng kiến cái chết của mẹ và mẹ chính là điều vĩ đại đáng tự hào nhất mà anh có. Lời McQueen nói vận ngay vào đời anh, ngày 2/2/2010, mẹ anh qua đời. Với niềm xót thương vô hạn và áp lực cuộc sống đè nặng, McQueen đã tự kết liễu cuộc đời chỉ 1 ngày trước tang lễ của mẹ. Trong ngày cảnh sát tới khám nghiệm tử thi, không một gương mặt thân quen, người ta thấy chỉ duy nhất người đàn ông thảm thiết đổ gục nơi hiên nhà McQueen – đó chính là Mr.Stag.
U buồn và cô đơn, McQueen nổi loạn của thế giới thời trang thực sự không có cuộc sống sôi động như vẻ ngoài của anh vì chính anh đã đánh đổi cuộc đời hạnh phúc cho các tác phẩm của mình. Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn tự hỏi nhau tại sao bộ sưu tập cuối của anh, thánh thiện và thanh khiết tới vậy lại có thể nảy mầm từ tâm hồn bi thảm và kiệt quệ tận cùng, họ chỉ bàng hoàng chợt nhận ra rằng những kiệt tác thiết kế hoàn mỹ thường phải được đánh đổi, hy sinh bằng cái giá quá đắt.
McQueen và người mẹ kính yêu
Tranh mô tả Blow và Mc Queen
"Chồng cũ" của McQueen (ở giữa)
Mr.Stag thảm thiết khi chứng kiến cái chết của McQueen
Kate Moss lúc bấy giờ mới rơi nước mắt
Tạm biệt Alexander McQueen!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet