Trong thời kỳ đầu từ năm 2010 đến 2011, máy tính bảng là vật dụng công nghệ khá xa xỉ với nhiều người tiêu dùng. iPad thế hệ đầu tiên của Apple có giá không dưới 15 triệu đồng tại Việt Nam trong khi Galaxy Tab của Samsung cũng ở mức giá gần tương tự. Đây gần như là hai mẫu máy tính bảng duy nhất trên thị trường ở thời điểm đó. Sự thiếu hụt các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng ở phân khúc tầm trung và giá rẻ đã tạo cơ hội cho các mẫu máy tính bảng trung quốc xâm nhập thị trường.
Không giống như các hãng lớn HP, Dell hay Apple sản xuất tại Trung Quốc nhưng có các tiêu chuẩn sản xuất và chất lượng khắt khe, các máy tính bảng được gọi là "hàng Trung Quốc" đều của các thương hiệu ít tên tuổi hoặc thậm chí lấy tên gọi do chính các cửa hàng trong nước nhờ đặt hộ. Kiểu dáng sản phẩm cũng được nhái theo gần như y hệt iPad hay Galaxy Tab trong khi chất lượng lại ít được đảm bảo. Tuy nhiên, với mức giá khá rẻ từ khoảng gần 2 triệu đến 4 triệu đồng, dòng sản phẩm đã thu hút khá nhiều khách hàng.
Tầm giá dưới 5 triệu đồng từng bị thống trị bởi các máy tính bảng không tên tuổi từ Trung Quốc. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Để tìm mua các sản phẩm dạng này lúc đó cũng khá đơn giản. Trên các trang bán lẻ, rất nhiều chủ đề rao bán thiết bị tên gọi khá lạ như MID GLT-706, Kingcom Joypad 73, Teclast T720VE... với giá bán chỉ hơn 2 triệu đồng. Thậm chí còn có sản phẩm mang tên như iRobot, VietPad chỉ 1,5 đến 1,6 triệu đồng.
Anh Dũng, người từng buôn bán mặt hàng này trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội) cho biết thời điểm đó mỗi sản phẩm bán ra có mức lãi rất lớn và nguồn hàng cũng hứa bảo hành đổi mới với các sản phẩm lỗi bán ra.. Tuy nhiên, tỷ lệ này khá cao khi có lô hàng nhập về cứ 10 máy có tới 3 đến 4 máy khách hàng đem trả lại vì lỗi nguồn, lỗi chết cảm ứng vùng hay điểm ảnh trên màn hình. Các sản phẩm ở mức giá khoảng gần 4 triệu đồng thì ít hỏng hóc hơn nhưng lại khó bán.
Việc kinh doanh mặt hàng này bắt đầu lao dốc năm 2012 khi những chiếc Kindle Fire, Nook Tablet hay Galaxy Tab có thêm thế hệ nằm ở mức giá tầm trung. "Nhiều model nhập về có chất lượng không thua kém và giá thấp hơn nhiều nhưng việc không có thương hiệu đã khiến khách hàng ít mặn mà", anh Nguyễn Thức, chủ cửa hàng máy tính và linh kiện trên đường Trung Văn, Hà Nội chia sẻ.
Những thương hiệu như HP, Asus, Acer và Lenovo đều có sản phẩm ở mức giá rẻ. Ảnh: Tuấn Hưng. |
Dòng máy tính bảng Trung Quốc gần như thoái trào hoàn toàn vào đầu năm nay khi lần lượt Asus, Acer rồi Lenovo tung ra các mẫu tablet có mức giá trên dưới 3 triệu đồng. Đây là động thái chính khiến những chủ hàng như anh Dũng hay anh Thức quyết định chấm dứt việc nhập tablet trung quốc về bán.
Trên các trang web mua bán đồ công nghệ như Nhattao, Vozforum, 5giay... các topic bán máy tính bảng không tên tuổi cũng thưa thớt dần. Lượng quan tâm của người dùng theo đó cũng giảm mạnh. "Giá chỉ đắt hơn chút ít nhưng lại có thương hiệu tên tuổi như Acer, Asus... cũng như bảo hành nên tôi không còn quan tâm đến máy tính bảng của Trung Quốc", anh Thế Hùng (Kim Mã, Hà Nội), chia sẻ về quyết định mua hàng của mình.
Hiện nay với mức giá dưới 3 triệu đồng, người dùng hoàn toàn có những lựa chọn tốt như Acer Iconia B1, Lenovo A1000 hay Asus MemoPad thế hệ đầu tiên. Trong khi đó, mức giá dưới 5 triệu đồng cũng rất nhiều lựa chọn như Asus, MemoPad HD7, Galaxy Tab 2 7.0, Acer Iconia A1. Tất cả đều có bảo hành chính hãng tối thiểu một năm.
Các sản phẩm này đều chạy hệ điều hành Android phổ biến với kho ứng dụng rất phong phú. Ngoài ra, dù giá rẻ nhưng các model chính hãng cũng có cấu hình khá tốt với vi xử lý ít nhất là lõi kép, bộ nhớ RAM 1 GB, bộ nhớ trong từ 8 đến 16 GB và có kết nối Wi-Fi hoặc thậm chí có thể gọi điện như model Lenovo Idea Tab A100 (nhưng chỉ có kết nối mạng 2G).
Tuấn Hưng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet