Trước những ý kiến phản hồi và phê phán mạnh mẽ của báo chí và người dùng về nội dung phản cảm trên sóng Live Stream của Bigo Live, nhà cung cấp dịch vụ này đã tiến hành quản lý người dùng và kiểm soát nội dung chặt chẽ hơn. Bigo Live bắt đầu áp dụng biện pháp “đá văng” (kick-out) hay khóa tài khoản (banned) của những thành viên vi phạm nội quy.
Giới trẻ “lầy lội”
Qua kiểm tra thực tế cách đây 2 tuần, chúng tôi nhận ra sự điều chỉnh nhiều lần của quản trị mạng Bigo Live để hạn chế tới mức thấp nhất những vi phạm. Phải công nhận họ làm chặt chẽ và khá mạnh tay. Nhiều tài khoản bị khóa, thường là tạm thời, nếu tiếp tục vi phạm sẽ khóa tiếp. Để cảnh báo mọi người, Bigo Live đều cho xuất hiện trên tài khoản vi phạm thông báo lý do bị xử lý. Một hai ngày đầu họ chỉ “đá” tài khoản, kết thúc phiên phát hình vi phạm đó; sau này, họ thông báo cấm (banned) người vi phạm.
Điều đáng buồn là số thành viên bị xử phạt đông nhất vẫn là những bạn trẻ. Người dùng Bigo Live tại Việt Nam (cả người phát lẫn những khán giả - thông qua nội dung chat text) thiệt là “lầy lội” hơn ở nước khác. Trong những trường hợp xấu xí này, người phát thì giở đủ chiêu trò để thu hút người xem, tăng số lượng quà tặng và lên đẳng cấp (level), thậm chí công khai ra giá đạt được bao nhiêu người xem hay có được món quà tặng nào là “show” cho coi… “cái gì đó”. Còn khán giả thì nhiều người bình luận dung tục, kích động và gạ gẫm, rủ rê “offline”. Có thể nói các cô “host Việt” là những người đoạt hạng 1 về mức độ chịu phô diễn những khuôn mặt được làm đẹp kỹ lưỡng như lên sàn diễn, cũng như những bộ đồ ngủ quá ư gợi cảm.
Trong bản nội quy chính thức mà thành viên phải chấp nhận khi đăng ký gia nhập, Bigo Live có nêu rõ yêu cầu thành viên không được vi phạm luật pháp của nước sở tại, không vi phạm bản quyền tác giả. Tiếc là bản nội quy này dài dòng, lối hành văn pháp luật khó hiểu và bằng tiếng Anh nên hầu như chẳng mấy ai quan tâm.
Sau khi vấp phải phản ứng của báo chí, qua những thông báo xử lý các trường hợp “quá lầy”, Bigo Live cũng cụ thể hóa những quy định về nội dung của mình. Họ ghi rõ “các nội dung mang tính tình dục, bạo lực, những lời lẽ độc ác và các nội dung vi phạm pháp luật khác bị cấm một cách nghiêm khắc ở đây”. Có lẽ thấy vẫn chưa đủ đô, hiện nay, Bigo Live sử dụng thông báo dứt khoát hơn với lời kêu gọi “đừng vượt qua lằn ranh” (Don’t cross the line). Họ nêu cụ thể 4 nhóm hành vi bị cấm: khỏa thân hay tình dục công khai; gây hại, hút thuốc và sử dụng ma túy; bạo lực và đe dọa, spam và lừa đảo.
Cần ý thức người dùng
Cũng giống như các công cụ ứng dụng công nghệ khác, Live Stream tốt hay xấu, có ích hay gây hại là tùy ở cách người ta sử dụng nó. Nếu được sử dụng tốt, Live Stream là một dịch vụ có thể đem lại nhiều lợi ích cho mọi người. Cả thế giới được kéo về và trình diễn trong thời gian thực trước người dùng trên màn hình thiết bị di động. Bạn có thể biết được ở các nước khác người ta đang sống ra sao qua những buổi phát cảnh sinh hoạt hay phong cảnh bên ngoài.
Cuối tuần qua, tôi đã có dịp theo ké xe “ảo” của mấy bạn trẻ ở Virginia (Mỹ) làm một chuyến tắm biển ở bang Maryland kế bên. Các bạn đi tới đâu, nhìn thấy và nghe gì, ở đây tôi cũng như đang bên các bạn ấy.
Tối 18.7, chúng tôi tình cờ tham dự một buổi Live Stream của nhân vật khá nổi tiếng là Hùng Cửu Long, một doanh nhân có tham gia hoạt động showbiz. Ông Hùng ngồi trò chuyện với gần 600 khách online (con số này sau đó tăng lên nhiều), cho biết mình được bạn bè trong giới showbiz giới thiệu tính năng Live Stream để kết nối, tâm sự với người hâm mộ khắp nơi. Ông lưu ý rằng đây là một trong những công cụ rất hữu ích và mọi người cần có ý thức sử dụng nó một cách đúng đắn. Trong suốt buổi trò chuyện, ông Hùng đã trả lời các thắc mắc của người hâm mộ, tâm sự với họ những chuyện của mình, giải tỏa những hiểu lầm, hiểu sai của công chúng về ông... Đặc biệt, ông đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Người dùng bị nhà cung cấp khóa tài khoản vì vi phạm nội quy.
Có lẽ vấn đề hiện nay mà nhà cung cấp dịch vụ Bigo Live cần phải giải quyết là thủ tục pháp lý để có thể hoạt động chính thức ở Việt Nam. Thật ra, chuyện này tùy thuộc vào chiến lược và kế hoạch phát triển thị trường của Bigo Live vì ứng dụng của họ là một ứng dụng quốc tế trên mạng giống như Facebook, YouTube… mà bất cứ ai ở nước nào cũng có thể sử dụng.
Cái mà chúng tôi quan tâm nhất vẫn là việc kiểm soát nội dung phát trên Bigo Live. Bản thân nhà quản trị phải có quy định rõ ràng và biện pháp dứt khoát. Hiện nay, dường như Bigo Live chủ yếu dựa vào đội ngũ kiểm soát viên của mình rà soát trực tiếp các nội dung đang phát. Với số lượng thành viên ngày thêm đông, biện pháp này sẽ nhanh chóng không hiệu quả. Tốt nhất là Bigo Live có thêm tính năng cho khán giả có thể báo cáo (report) khi phát hiện nội dung nào vi phạm. Cũng phải nói là Bigo Live sẽ càng làm cho giới trẻ sống ảo hơn. Hy vọng họ vẫn còn có năng lực phân biệt thật, ảo. Nó cũng góp phần đặt ra cho những người có trách nhiệm làm sao để trang bị cho giới trẻ nền tảng văn hóa, kỹ năng sống để có thể sinh tồn giữa cuộc sống hiện đại.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet