Cuộc chia tay đầy lưu luyến của riccardo tisci và givenchy hôm 2/2 gây ra một cơn địa chấn trong làng thời trang Pháp. Sau 12 năm gắn bó, giám đốc sáng tạo của Givenchy, người từng xây dựng phong cách cho đế chế nhà Kardashian rời bỏ vị trí, đi tìm một giấc mơ khác. Trong khi đó, thương hiệu 64 tuổi vẫn chưa công bố người kế nhiệm.
Nhà thiết kế Riccardo Tisci. |
Bernard Arnault, giám đốc điều hành của LVMH (tập đoàn số một thế giới trong lĩnh vực đồ xa xỉ), phát biểu: "Những trang sử do Riccardo Tisci viết lên cùng với Givenchy là một điều không thể tin được. Để tiếp nối sự thành công ấy thật không hề dễ. Tôi xin chân thành cảm ơn anh ấy về những đóng góp tận tâm".
Tisci đã biến Givenchy trở thành một nhãn hiệu thành công bậc nhất. Nhà thiết kế Italy 42 tuổi được tôn vinh như một hình mẫu, khi kết nối hoàn hảo giữa phong cách trẻ trung, đầy nhiệt huyết của bản thân với những di sản của người đi trước. Tisci đã quyết chí tới cùng, cống hiến cho Givenchy những thành tựu khó đo đếm. Song "cuộc tình" hạnh phúc dài hơn một thập kỷ đã chấm dứt. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Riccardo Tisci lại ra đi?
Phong cách thiết kế của Tisci chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách gothic. |
Theo New York Times, Givenchy chẳng còn gì cho Riccardo Tisci chinh phục.
Đã có một thời gian, tên của nhà thiết kế được vinh danh như những di sản. Nhưng dần dà, chúng trở nên hiếm hoi trong các chiến dịch quảng cáo, thay vào đó là tên của hãng mốt. Điều này là một thách thức khiến cho những nhà thiết kế buộc phải lao vào chinh phục. Sau 12 năm, những sáng tạo của Riccardo Tisci đã giúp tên tuổi của anh được biết đến và nhớ tới ngang hàng với Givenchy. Sau khi vượt qua hết những cửa ải khó khăn, Givenchy chẳng còn lôi cuốn được Tisci nữa. Khi nhà thiết kế tài năng đã đạt được cái mà anh mong muốn - giúp Givenchy trở thành đế chế hùng mạnh, sự ra đi để tìm kiếm một khởi đầu mới, một thách thức mới là điều tất yếu.
"Tisci đã làm được tất cả những gì mà một nhà thiết kế có thể làm cho một thương hiệu, mở ra một thời kỳ đáng nể và tạo nên một thứ ngôn ngữ riêng cho nó", bà Linda Fargo - phó giám đốc thời trang công ty Bergdorf Goodman nhận xét.
Những thiết kế mang đậm dấu ấn của Riccardo Tisci dành cho Givenchy. |
François-Henri Pinault, giám đốc điều hành của tập đoàn Kering (tập đoàn Pháp sở hữu nhiều thương hiệu thời trang cao cấp), phân tích 10 năm là đủ cho bất cứ nhà thiết kế nào để tồn tại ở một thương hiệu, sau đó họ nên thay đổi công việc. Vì sự khắc nghiệt của làng mốt luôn vận động và đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Đây cũng là con số nhiệm kỳ lý tưởng cho một giám đốc điều hành.
Bên cạnh đó, Tisci cũng đưa ra lý do anh thực sự muốn nghỉ ngơi sau những ngày tháng miệt mài vắt kiệt tinh hoa cùng những áp lực to lớn ở nhà mốt Pháp. "Bây giờ, tôi chỉ ao ước có thể dành tất cả cho sở thích và đam mê của mình", anh nói.
Riccardo Tisci làm giám đốc sáng tạo của Givenchy từ năm 2005 khi nhãn hiệu này đang loay hoay chọn lựa giữa một loạt nhà thiết kế như John Galliano, Alexander McQueen và Julien Macdonald. Trong một cuộc phỏng vấn với The Financial Times năm 2011, Marco Gobbetti - nguyên giám đốc điều hành của Givenchy - cho biết: "Hồi ấy, Givenchy chẳng khác nào một đống hỗn độn, không có chút bản sắc nào cả".
Khi ấy, Tisci là một người đàn ông 30 tuổi, mang nhiều hoài bão, nhạy cảm với văn hóa Gothic. Người đàn ông Italy ấy vừa mới bắt đầu chặng đường đầu tiên của mình. Anh đem Gothic trộn với chất Pháp cổ điển và đầy cảm xúc, tạo nên một tấm áo mới cho Givenchy. New York Times bình luận dưới bàn tay của Tisci, cây thánh giá hay đầu lâu và cả những chiếc áo trắng bỗng trở thành kiệt tác.
So với những thương hiệu cùng tập đoàn LVMH như Louis Vuitton, Céline, Fendi... số nhân viên tại Givenchy nhiều hơn gấp ba lần kể từ khi Tisci gia nhập năm 2005. Nhà thiết kế đã khiến doanh số bán hàng tăng lên hơn 513 triệu USD mỗi năm. Hiện Givenchy có 72 cửa hàng trên toàn thế giới so với con số bảy cửa hàng năm 2005, cùng cửa hàng chính ở Rome được mở năm 2016 và một cửa hàng ở London sẽ khai trương vào năm tới. Năm ngoái, LVMH thông báo Givenchy đã lập kỷ lục về doanh thu, vượt qua cả những kỳ vọng đã đặt ra ở thị trường Mỹ, châu Âu lẫn châu Á.
Thiết kế couture đầu tiên Riccardo Tisci khi trở thành giám đốc sáng tạo hãng mốt năm 2005. Khi ấy, Vogue dùng cụm từ "nhà thiết kế chưa được biết tới" dành cho Riccardo Tisci khi phân tích về bộ sưu tập haute couture của anh. |
Một lý do cho sự ra đi của Tisci còn là tin đồn anh sẽ đầu quân cho Versace. Các cây bút thời trang bình luận đây có thể coi là sự trở về quê hương Italy, trở về với một thương hiệu không thể lay chuyển, phản ánh tính gợi dục và sức mạnh của phụ nữ Italy giống phong cách của anh. Tisci rất thân với Donatella - giám đốc sáng tạo nhà Versace. Năm 2005, anh gây bất ngờ khi sử dụng hình ảnh nữ thiết kế của thương hiệu đối thủ này để quảng bá cho một chiến dịch thời trang của Givenchy.
Việc một nhà thiết kế rời khỏi nhãn hiệu của mình là chuyện phổ biến từ lâu và đang dần được chấp nhận hơn là bị chỉ trích như trước. Từ 2015 trở lại đây, hàng loạt cuộc chia tay khiến làng mốt xáo trộn. Đó là sự ra đi của Raf Simons khỏi Dior, Hedi Slimane rời Saint Laurent, Alber Elbaz tạm biệt Lanvin, Alexander Wang kết thúc mối lương duyên với Balenciaga, Consuelo Castiglioni ra khỏi nhà Marni, Clare Waight Keller nói lời từ biệt với Chloé.
Sau Dior, Raf Simons tìm thấy niềm vui ở Calvin Klein. Còn Riccardo Tisci, làng mốt đang chờ đợi điểm đến của anh trong hành trình chinh phục những giấc mơ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet