Bao nhiêu năm qua, mặc cho bệnh nhân có tìm trăm phương, ngàn kế để "hành hạ" họ đi chăng nữa, họ vẫn ở đó, lặng lẽ, cần mẫn và từ tâm, đến nỗi chính bản thân họ cũng chẳng thể lý giải tại sao họ lại chịu đựng được qua chừng ấy năm... Những người mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là những y, bác sĩ đang ngày đêm túc trực ở bệnh viện Tâm thần TP. Đà Nẵng.
Đánh cược cuộc đời với những "trái bom nổ chậm"
Là một trong những người gắn bó với bệnh viện Tâm thần TP. Đà Nẵng ngay từ khi mới thành lập, đã nếm trải không ít đắng cay cùng với người mắc bệnh, bác sỹ Trương Văn Trình (Trưởng khoa Pháp y - Nghiện chất) bộc bạch: "Nghề y, đặc biệt là bác sĩ tâm thần là một nghề cực kỳ vất vả, đầy gian truân đối với ai lỡ theo nó". Về chuyên môn, nếu như các loại bệnh khác có thể thấy được, thì bệnh tâm thần lại không thấy được. Phương pháp duy nhất có thể áp dụng là theo dõi sát sao biểu hiện hành vi, triệu chứng của người bệnh để khám. Việc chẩn đoán bệnh phải kết hợp cả kỹ năng được học và kinh nghiệm bản thân thì khi điều trị mới có hiệu quả được.
Bác sĩ đang thay áo cho bệnh nhân Phan Huynh, người sống 16 năm ở viện Tâm thần.
Trên thực tế, công việc chăm sóc người bệnh tâm thần vô cùng vất vả. Người bị bệnh tâm thần được ví như những "trái bom nổ chậm" có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Hầu hết bệnh nhân ở đây đều ở dạng mãn tính, tính tình thường cộc cằn, nóng nảy, dễ xúc động nên chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ sẽ khiến người bệnh bộc phát, bệnh nhân trở nên cực kỳ manh động. Bởi thế, chuyện bác sĩ bị ăn đấm, một vài cái tát tai, điều dưỡng đang đút cơm thì bị người bệnh phun cơm, thức ăn vào mặt là chuyện thường ngày ở huyện...
Người bị bệnh tâm thần lại thường đi kèm với căn bệnh kinh niên - bệnh chửi. "Bệnh nhân cứ lên cơn lại... chửi. Những từ ngữ tục tĩu, khó nghe được người bệnh phun liên tiếp luôn một tràng. Có anh bác sĩ trẻ mới về bị chửi nóng mặt, giận quá chẳng nói chẳng rằng bỏ về luôn. Tôi phải tới tận nhà động viên miết mới chịu đi làm lại", bác sĩ Trình chia sẻ. Nghe chửi riết rồi cũng quen, với khi bình tâm, bệnh nhân cũng có tới xin lỗi, hứa không tái phạm. Anh em lại càng thấy thương người bệnh hơn. Mặc dù trong sâu thẳm trái tim mình, họ biết lời hứa kia cũng chỉ như mây gió mà thôi. Bởi ai biết khi lên cơn người bệnh sẽ làm những gì...
Tâm lý bất ổn nhưng người bệnh tâm thần cũng rất ranh ma, sẵn sàng "hành tẩu" giang hồ bất cứ khi nào có cơ hội. Rất nhiều trường hợp trong quá trình điều trị, bác sĩ qua theo dõi thấy "tâm bệnh" đã tạm ổn nên tạo điều kiện cho người bệnh lao động, học nghề sớm hoà nhập cuộc sống. Nhưng họ lại phụ tấm lòng bác sĩ, cứ thích trốn khỏi trung tâm đi... chơi. Báo hại đội ngũ y, bác sĩ phải "ăn bờ, ngủ bụi", rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm cho bằng được người bệnh đưa về.
"Đi tìm bệnh nhân tâm thần đôi khi còn khó hơn cả truy bắt đối tượng trốn nã. Bởi công an có thể dựa vào tâm lý tội phạm để truy tìm, chứ người bệnh tâm thần thì biết vin vào đâu mà tìm. Như trường hợp bệnh nhân Đinh Văn Sơn, tháng trước bỏ đi, chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày trời đi "mò kim đáy bể". Nghe thông tin đâu cũng hốt hoảng chạy đến tìm. Đến ngày thứ ba mới tìm được Sơn trốn trong... thùng rác", bác sĩ Hồ Nguyễn Chí Long chia sẻ.
Bên cạnh đó bệnh nhân tâm thần thường mang trong mình những định kiến xã hội sâu sắc, bởi vậy trong tâm thế của mình, họ luôn coi thường mạng sống, tìm mọi cách để chối bỏ quyền được sống của mình. Bởi thế bản thân người bác sĩ luôn phải chẩn đoán, tiên lượng mọi tình huống có thể xảy ra để can thiệp. Tuy nhiên, đôi khi khát khao sục sôi quá mãnh liệt, bác sĩ cũng không thể lường trước được. Đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện đã ngăn cản thành công rất nhiều vụ tự sát của người bệnh.
Bản thân bác sĩ Trình vẫn nhớ như in vụ bệnh nhân tên Nghiêm (quê ở Quảng Trị) từng tự sát bất thành mấy lần. Vào một đêm trời mưa, sấm chớp đùng đùng, Nghiêm đóng cửa khóa chốt phía trong, lại kéo thêm hai cái giường lại chèn cửa. Sau đó, Nghiêm mới xé màn nối lại làm dây treo cổ. Bác sĩ Trình chia sẻ: "Đang nằm ngủ ở phòng trực, nghe tiếng ken két văng vẳng đâu đó trong đêm khuya, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi liền bật dậy, cầm đèn pin chạy qua các phòng bệnh kiểm tra. Thấy bóng đen thấp thoáng trong phòng, tôi đẩy cửa vào lại không được, gọi Nghiêm cũng không trả lời".
Bác sĩ Trình chia sẻ thêm: "Ngay sau đó, tôi chạy đi tìm dụng cụ phá cửa. May mà vớ được cái búa do mấy ông công nhân làm nhà gần đó quên đem về, thế là tôi ba chân bốn cẳng cứ phang liên tục, phá được cái lỗ bé tí mình liền chui vào cũng vừa kịp túm cổ áo Nghiêm lôi xuống. Sau đó, cửa bị kẹt không ra được nữa, tìm cách chui qua cái lỗ lúc nãy cũng không tài nào chui lọt, tôi phải dỡ mái nhà mới thoát ra được".
Tâm sự đắng lòng của những "từ mẫu"
Bao nhiêu năm làm việc trong thế giới "nửa tỉnh, nửa mê", các lương y, bác sĩ tâm thần lặng lẽ vun đắp niềm vui sống cho bao mảnh đời bất hạnh, lặng lẽ nén tiếng khóc trước nỗi đau cả về thể xác lẫn tâm hồn của bệnh nhân. Thế nhưng khi nhắc về cuộc đời của chính bản mình, những y, bác sĩ ở đây đều đưa mắt nhìn nhau, ánh mắt họ dường như chất chứa bao nhiêu tâm sự. Phá tan bầu không khí im lặng, bác sĩ Trình mở lời: "Công việc chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tuy vất vả nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để giúp đỡ người bệnh. Tuy nhiên, đó không phải là điều chúng tôi trăn trở nhất mà điều khiến chúng tôi đau đầu nhất chính là những định kiến của xã hội về nghề này".
Người đời định kiến với người mắc bệnh tâm thần đã đành, ngay cả đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở bệnh viện tâm thần cũng bị chê bai, dè bỉu. Bác sĩ Long cho hay: "Tôi nhớ có lần đang ngồi nhậu với mấy người bạn, có người đùa rằng chỉ có những "người điên" mới có thể đem lại hạnh phúc cho nhau. Nói xong cậu bạn quay sang hỏi một câu làm tôi suýt chết nghẹn: "Mày làm việc ở bệnh viện tâm thần, suốt ngày cùng ăn, cùng ở với bọn người điên điên, khùng khùng ở đó, rứa có bị lây tí điên nào của tụi nó không đó?". Nghe cậu bạn hỏi vậy tôi chỉ còn biết tròn xoe mắt nhìn, rồi cười trừ chứ chẳng biết phải giải thích ra sao nữa. Mà không chỉ riêng tôi, rất nhiều y, bác sĩ không dám nhận mình làm việc tại bệnh viện tâm thần vì... sợ người đời, bạn bè cười chê".
Bên cạnh đó, việc tìm ra đội ngũ kế cận tiếp tục đồng hành với bệnh nhân tâm thần là một vấn đề hết sức nan giải. Tất cả những người ở đây đều là thế hệ bác sĩ đầu tiên và cũng là... duy nhất gắn bó với bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. Người được xem là trẻ nhất ở bệnh viện là bác sĩ Hồ Nguyễn Chí Long cũng đã trải qua bốn mấy mùa xuân, mọi người đều sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng từ trước đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng bất cứ một bác sĩ nào đến nộp đơn xin về công tác ở đây.
Lý giải về thực tế này, bác sĩ Trình cho biết: "Nghề y kén người, đã thế công việc chăm sóc, chữa bệnh cho người bị bệnh tâm thần không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn phải chấp nhận trực đêm, trực hôm nên ngay từ khi ở trường rất ít sinh viên y khoa chọn ngành Thần kinh để theo học. Số lượng bác sĩ chuyên khoa thần kinh tương đối hạn chế đã thế số bác sĩ tâm huyết với chuyên khoa này nhưng không chịu nổi sự khắc nghiệt của nghề mà phải bỏ dở giữa chừng cũng chẳng phải là hiếm. Vậy cho nên chuyên khoa thần kinh luôn trong tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet