lamborghini có tên đầy đủ là Automobili Lamborghini S.p.A. (ALSpA) do Ferruccio Lamborghini lập ra vào năm 1963, khi mà Ferrari ra đời được 16 năm.
Ferruccio Lamborghini sinh năm 1916, là một nhà triệu phú nhờ sản xuất máy kéo. Với tài khoản kếch xù, ông sở hữu rất nhiều những siêu xe của Mercedes, Jaguar hay Ferrari. Ban đầu, Feruccio dành tình yêu đặc biệt cho Ferrari.
350 GTV, siêu xe đầu tiên của Lamborghini. Ảnh: Sportcarwallpaper. |
Nhưng rồi một ngày Ferruccio phát hiện chiếc Ferrari của mình bị lỗi bộ phận ly hợp nhưng không thể sửa chữa. Ông tìm tới ông chủ của Ferrari là Enzo Ferrari để khiếu nại. Enzo nhún vai gạt đi và cho rằng xe của mình hoàn hảo bằng câu nói được trích dẫn không chính thức: "Thợ máy kéo thì không nên quan tâm tới siêu xe". Bị chế giễu, Ferruccio quyết tâm chứng tỏ cho Ferrari biết thế nào mới là siêu xe đích thực. Tinh thần đó vẫn còn sống mãi đến ngày nay, khi mà từ thiết kế tới tính năng vận hành, Lamborghini đều đi ngược Ferrari.
Năm 1963, với tiềm lực tài chính vững mạnh, nhà máy được xây dựng tại Sant'Agata gần Bologna với diện tích 90 nghìn mét vuông chỉ trong 8 tháng. Đội ngũ kỹ sư đầu tiên là những người cũ của Ferrari. Họ lập tức cho ra đời khối động cơ V12, trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công.
Chiếc xe đầu tiên mang tên 350 GTV, sử dụng khung sườn, thân xe của Scaglione-Touring với công suất 350 mã lực. Ngay sau đó các phiên bản tiếp theo ra đời là 450 GT và 450 GT 4 chỗ kiểu 2 +2.
Cả ba mẫu xe góp phần đưa Lamborghini thành tên tuổi trong làng xe hơi thế giới. Nhưng hãng xe bò tót chỉ thực sự nổi lên khi Countach ra đời năm 1973. Thực sự là chiếc xe "độc nhất" khi đó, bởi Countach không chia sẻ chung bất cứ điểm nào từ thiết kế đến động cơ với siêu xe cùng thời. Thế hệ tiếp theo ra mắt tại Genava Auto Show 1975 với khối động cơ 4 lít, cửa mở kiểu hắt lên, thiết kế vuông vức, mạnh mẽ.
Countach làm chấn động làng xe hơi thế giới nhưng Lamborghini vẫn vướng vào vấn đề tài chính. Năm 1974, Feruccio phải bán 51% cổ phần cho Georges-Henri Rossetti (Thụy Sĩ). Khủng hoàng dầu mỏ buộc Feruccio bán nốt số cổ phần còn lại cho một công ty Thụy Sĩ khác là Rene Leimer.
Biệt đội Lamborghini. Ảnh: L4P. |
Không lâu sau khi chuyển quyền sở hữu, Lamborghini tuyên bố phá sản. Nhưng may mắn cho "bò tót" khi người sở hữu đội đua Walter Wolf xuất hiện kịp thời. Sau một loạt những cuộc thử nghiệm, chiếc 400S ra đời, là phiên bản phát triển của Countach. Tuy nhiên Wolf không thể nhận quyền mua lại Lamborghini khi người nhanh tay hơn là chính phủ Italy vào tháng 2/1980 và có ý trả về cho Ferruccio nhưng ông từ chối.
Lamborghini lại về tay anh em nhà Mimram cũng từ Thụy Sĩ, phát triển những mẫu xe LP500S và QuattroValvole. Năm 1987, Chrysler mua. Nhưng cũng không lâu lại bán đi vì lối kinh doanh nhỏ lẻ, cá nhân hóa của Lamborghini không phù hợp với một công ty khổng lồ Mỹ như Chrysler.
Lamborghini tiếp tục rơi vào tay các ông chủ đến từ Indonesia với chiếc Diablo VT. Nhưng rồi, khủng hoảng tài chính những năm 1990 tại châu Á khiến một lần nữa đổi chủ. Cuối cùng, năm 1998 Audi AG trở thành chủ sở hữu Lamborghini cho tới tận ngày nay, mở ra thời hoàng kim mới.
Dưới thời Audi, Lamborghini tung ra một loạt tên tuổi lớn Gallardo, Murcielago, Aventador, xuất phát từ tên những chú bò tót nổi tiếng. Sở dĩ logo của hãng là bò tót vì người sáng lập Ferruccio rất thích đấu với những chú bò mạnh mẽ, hiếu chiến đến từ Tây Ban Nha.
Mẫu xe gần nhất của Lamborghini là Aventador, siêu phẩm sở hữu động cơ 6,5 lít V12 cho công suất 700 mã lực, tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ sau 2,9 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Ngoài ra, trong thời gian tới Lamborghini sẽ chính thức ra mắt Gallardo Squadra Corse LP570-4, và người kế nhiệm Gallardo, có thể dưới cái tên Cabrera.
>>Ảnh đẹp tổng hợp Lamborghini Aventador
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet