Túi xách được xem là nơi "đựng cả thế giới" và là vật dụng phụ nữ không thể thiếu mỗi khi bước ra đường. Hàng năm, các nhà mốt lớn tung ra những mẫu túi mới khiến chị em chao đảo.
Thương hiệu là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giá bán sản phẩm. Theo thống kê tháng 8 của các chuyên gia Mỹ, một số hãng như Fendi, Dior, Louis Vuitton, Dolce & Gabbana, Gucci bán túi xách với giá khởi điểm từ 330 USD (hơn 7 triệu đồng) đến hơn 400 USD (gần 9 triệu đồng). Trong khi số khác như Prada, Saint Laurent, Miu Miu, Valentino, Hermes có giá khởi điểm cao hơn nhiều, dao động từ 770 USD (hơn 17 triệu đồng) đến hơn 1.700 USD (khoảng 38 triệu đồng). Những hãng như Michael Kors, Coach có sản phẩm giá thấp nhất từ hơn 100 USD (2,5 triệu đồng) đến 250 USD (khoảng 5 triệu đồng).
Song để sở hữu những món phụ kiện đắt đỏ này không phải điều đơn giản. Những tem giá từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn đô khiến không ít người rụt tay trước khi định ôm lấy chiếc túi mình yêu thích. Chưa kể, việc mua những chiếc túi "giá trên trời" bị xem là khoản đầu tư nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, với các dân chơi thời trang lâu năm, họ có vài bí quyết để sở hữu món đồ sành điệu với khoản tiền chi trả thấp hơn giá niêm yết nhiều lần.
Chọn quốc gia có mức chênh lệch tỷ giá tiền tệ hời nhất để mua đồ và không quên làm thủ tục hoàn thuế
Sở dĩ châu Âu là nơi shopping lý tưởng của các tín đồ thời trang bởi đa phần thương hiệu lớn đều nằm ở đây và khách hàng được hoàn thuế với hầu hết mặt hàng. Thông thường, "thượng đế" được trả từ 10-12% trị giá sản phẩm.
Những chiếc túi hiệu giá hàng nghìn đô có thể được tiếp cận với giá "dễ thở" hơn nếu được tìm trên đúng kênh bán hàng thích hợp. Ảnh: Thefashionspot. |
Với một số thương hiệu cao cấp, việc nắm rõ chênh lệch tỷ giá tại các địa điểm có thể giúp khách hàng sở hữu sản phẩm với giá hời nhất. Chẳng hạn, một chiếc túi cao cấp cùng thương hiệu có giá bán 1.000 EUR (khoảng 25,2 triệu đồng) tại Paris (Pháp) trong khi ở Singapore là 2.000 SGD (khoảng 32 triệu đồng). Nếu mua ở Pháp, ngoài khoản chênh lệch, người mua được trả 10% tiền hoàn thuế (khoảng 2,5 triệu đồng) so với 7% (1,7 triệu đồng) ở Singapore.
Hoặc cùng tại thị trường châu Âu, một chiếc túi của thương hiệu Anh Mulberry bán ở London với giá 800 bảng (hơn 27 triệu đồng) trong khi nếu mua ở Paris, các thượng đế chỉ phải bỏ ra 985 EUR (24,9 triệu đồng), chưa bao gồm tiền hoàn thuế 10-12%. Khách hàng cũng sẽ được hoàn thuế 12% trực tiếp tại địa điểm mua túi thay vì phải chờ ra sân bay làm thủ tục.
Tìm kiếm trên những trang bán hàng trực tuyến
Các website bán hàng uy tín thường có nguồn nhập đảm bảo chất lượng. Vào mỗi thời điểm trong năm, nhà phân phối hoặc thương hiệu lại có đợt giảm giá nhất định dành riêng cho mỗi kênh bán hàng này. Để biết được đợt giảm giá nhanh nhất, các khách hàng nên đăng ký nhận email thông báo tại các chuỗi bán lẻ hoặc website.
The Outnet, TJMaxx, Overstock, Bluefly, LuxeDH... có những đợt giảm giá cho hàng hiệu lên tới 50%. Ví dụ, một chiếc túi xách in hoa của Valentino có giá bán lẻ 3.090 USD (gần 70 triệu đồng) được rao trên một website với mức chỉ 1.545 USD (khoảng 35 triệu đồng). Hoặc mẫu túi đeo vai giả da bóng màu đỏ của hãng này được rao trên một website khác là 575 USD (khoảng 12,8 triệu đồng), thấp hơn gần một nửa với giá gốc 1.050 USD (khoảng 23,3 triệu đồng).
Một số trang web bán hàng hiệu hấp dẫn khách hàng với những món giảm giá tới 50%. |
Bên cạnh đó, các khách hàng có cơ hội mua sản phẩm với giá thấp hơn bình thường trong lần đầu đăng ký làm thành viên của các website hoặc mua đồ qua ứng dụng điện thoại, thông thường từ 5-20%.
Kat Collings, biên tập viên của WhoWhatWear, cho biết ngay cả khi không giảm giá theo đợt, một số website bán hàng ở châu Âu như Farfetch, Luisaviaroma hay MatchesFashion thi thoảng bán đồ có giá thấp hơn bình thường. Điều này xảy ra khi nơi sản xuất và người mua ở cùng một nước, do sản phẩm phải chịu thuế thấp hơn so với các mẫu nhập khẩu khác.
Các mối quan hệ như bạn bè, người thân ở quốc gia khác nhau có thể là địa chỉ gửi đồ tin cậy để những người yêu thời trang sở hữu được món đồ yêu thích.
Chờ mùa giảm giá tại cửa hàng
Chuỗi cửa hàng riêng của mỗi hãng mốt đều có thời điểm giảm giá nhất định trong năm. Thông thường, mùa "sale" của túi xách thương hiệu lớn rơi vào giữa năm, tầm từ tháng 5-7. Đây là thời điểm thích hợp cho những chuyến du lịch kèm shopping của các tín đồ thời trang.
Nếu là khách hàng thường xuyên, bạn sẽ nhận được những lời mời tới dự các chương trình khuyến mại của riêng từng hãng với giá có thể thấp hơn tới 70%. Nhưng trong đa số trường hợp, nếu muốn mua đồ hiệu giá rẻ, các "tín đồ" không có cách nào khác ngoài việc chú ý biển hiệu treo bên ngoài mỗi cửa hàng, dao động từ 20-50%, có lúc thanh lý là 70%. Lợi thế của việc mua sắm tại đây là khách hàng được hưởng chế độ chăm sóc tận tình. Ngoài được tư vấn lựa chọn phù hợp, họ còn được hỗ trợ sửa hoặc thậm chí thay đồ mới khi sản phẩm lỗi, hỏng.
Nếu không muốn mua trực tiếp từ nhà mốt, "thượng đế" có thể chọn những nhà phân phối như Nordstrom, Neiman Marcus hay Saks 5th Avenue. Để có được những chiếc túi xách hiệu giá rẻ, khách hàng phải học được kỹ năng nhận biết đồ "pre-sale". Thông thường, một tuần trước ngày bán giảm giá, các cửa hàng sẽ gắn mác "pre-sale in progress" cho một số sản phẩm được chọn. Nếu nhìn thấy mác này, khách hàng nên hỏi lại nhân viên trong cửa hàng về việc liệu nó có được giảm giá trong chương trình sắp diễn ra không. Nếu có, hãy đặt mua trước. Điều này sẽ giúp người yêu thời trang tránh được cảnh phải bon chen giữa đám đông "hung hãn" sau đó.
Mua túi đã qua sử dụng
Để tiết kiệm chi phí, một số người chọn cách mua đồ hiệu đã qua sử dụng ("secondhand" hay "preowned"). Những mẫu túi như vậy thường được bán trên các trang đồ cũ với mức giá thấp hơn từ 50-70%, tùy thuộc vào độ mới của sản phẩm. Ví dụ một chiếc túi Saint Laurent Trois Clous rút tua cỡ vừa "sencond-hand" đang được giảm giá 30% trên The Real Real từ 2.145 USD (khoảng 48 triệu đồng) còn 1.501 USD (khoảng 33 triệu đồng). Sản phẩm được mô tả là gần như mới, chỉ có một vài vết xước rất nhỏ ở phần kim loại đính trên túi. Nếu bỏ tiền mua một mẫu túi mới tinh, các khách hàng sẽ phải chi một khoản xấp xỉ 3.550 USD (khoảng 79 triệu đồng).
Túi hiệu có màu sắc chạy theo xu hướng từng mùa thường được bán giảm giá thường xuyên hơn nhiều so với những tông cổ điển như trắng và đen.
Điều quan trọng nhất khi mua những chiếc túi đã qua sử dụng hoặc vintage là chất da. Ảnh: Blogspot. |
Đối với một số chợ thương mại điện tử không mang tính cam kết như eBay hay Bonanzle, các "thượng đế" phải đối mặt với rủi ro mua phải hàng nhái. Lúc này, điều quan trọng nhất là người mua phải tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc điểm nhận dạng của túi xách để phân biệt đồ thật, giả. Việc tham khảo ý kiến từ người có kinh nghiệm về đồ hiệu cũng giúp phát hiện điểm không ổn ở sản phẩm nhanh hơn. Vất vả chọn lọc nhưng đổi lại, người yêu thời trang lại có cơ hội mua được những món đồ hiếm, đã "cháy hàng" ngoài các cửa hiệu hoặc ngưng sản xuất.
Nếu không an tâm về chất lượng đồ bán qua mạng, cách dễ dàng nhất để người yêu thời trang có được đồ hiệu cũ với giá tốt là qua đấu giá hoặc tới trực tiếp các cửa hàng đồ vintage.
Eva Yoko Gault, một chuyên gia của Hermes, cho biết túi xách dùng rồi được bán lại của hãng này thường có giá chỉ bằng một nửa so với đồ trưng bày tại các cửa hàng. Ngoài tham gia trực tiếp vào các buổi đấu giá, cô khuyên các "thượng đế" có thể tìm mua đồ vintage đảm bảo chất lượng ở các cửa hàng ở Pháp như Luxe &Vintage, Galerie Montpensier, Royal 41 Galerie hoặc Collector Square.
Đối với đồ cũ hoặc vintage, da sần là sự lựa chọn tốt nhất. Eva Yoko Gault cho biết: "Đó là loại da bền nhất và không làm lộ các vết trầy xước. Đừng buồn nếu mua phải những chiếc túi có khóa hay thanh kim loại bị sờn màu. Nó là điều tất yếu phải xảy ra. Ngay cả đến những chiếc túi Hermes xịn còn bị sờn màu khóa cơ mà".
Nhật Mai
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet