(HOCHOIMOINGAY.com) – Tết là lễ hội ẩm thực tại gia. Món nào cũng có, thức nào cũng sang, đĩa nào cũng đầy. Làm sao để ăn Tết ngon mà không….ngán?
Học văn hóa ẩm thực Tết, gọi nôm na là cách ăn Tết, là điều cần thiết, không chỉ với con trẻ mà còn với cả người lớn.
Tại sao ngán?
Nhiều người thắc mắc, tại sao ăn thả ga thì dễ ngán và sợ thực phẩm. Thậm chí còn gây bệnh cấp tính như tiêu chảy. Đó là vì các lý do sau:
Ăn nhiều, tiêu hóa không xuể. Hệ tiêu hóa chỉ có một khả năng nhất định, có thể tiêu hóa được một lượng thực phẩm trong một thời gian. Ăn quá nhiều, sẽ làm hệ tiêu hóa bị quá tải. Chẳng hạn như bữa trưa mùng 1, bạn ăn chừng 150 g thịt, nửa cái bánh chưng hoặc bánh tét, làm trọn cái đùi gà, thêm một khoanh giò hoặc chả quế, làm vơi cả một góc đĩa xôi thì coi như bạn sẽ ngán. Vì trong 4 – 6 giờ, hệ tiêu hóa không thể “xử lý” hết chừng ấy khối lượng đạm, béo và tinh bột do chúng không có dịch tiêu hóa đủ dẫn đến thức ăn dư thừa trong ruột và ức chế trung tâm ăn uống trên não dẫn tới ngán ăn.
Ăn quá lớn, vị giác bị trơ lỳ. Ngọt, béo, mặn, đắng, chua, cay tạo ra mùi vị cho thực phẩm và nó được tiếp nhận bởi các gai vị giác nằm ở lưỡi. Lưỡi sẽ bị trơ lỳ và không còn bị kích thích bởi mùi vị nữa nếu bạn ăn quá nhiều, quá đậm đặc. Trong nghệ thuật chế biến, nếu bạn nấu nướng toàn món béo vào một bữa thì độ béo sẽ bị thừa, bạn sẽ ngấy cho dù lúc đó bạn chưa no. Trong nghệ thuật thưởng thức, bạn chỉ ăn một vài món cố định như xào và rang, bạn sẽ dễ bị thừa vị mặn. Quá ngọt, quá cay, quá mặn hoặc quá béo sẽ đưa bạn đến ngán ăn.
Ăn lung tung, không đúng trình tự. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ việc tống thức ăn vào miệng, nhai là xong. Mà để tạo ra một cảm giác hoàn hảo, bạn cần tạo ra một sự nhận cảm chu trình nhận ra mùi vị thức ăn. Nếu dọn mâm ra, bạn lao ngay vào mâm và “chiến” tất cả các thực phẩm cùng một lúc, bạn sẽ không thể nào thấy được vị chính của món. Mặc dù bữa ăn người Việt không phân định rạch ròi từng lớp thực phẩm như bữa ăn người phương Tây, nhưng bên trong đó vẫn ẩn chứa quy tắc riêng: món ăn nào cần ăn trước, món ăn nào cần ăn sau. ví dụ như ngay đầu tiên bạn đã ăn bánh chưng thì hỏng, bạn sẽ ngán đến tận cuối bữa.
Làm thế nào để ăn Tết mà không cảm thấy ngán cũng cần bí quyết (Ảnh: Internet)
Ăn bất cẩn, dẫn đến tiêu chảy. Thực phẩm Tết đa dạng, món sống, món chín đan xen. Nếu ăn ẩu, ăn vội, ăn không quy củ, bạn sẽ bị lâm trận vào rối loạn tiêu hóa. Nhẹ thì bị đau bụng, nặng thì bị tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi và chán ngán, lúc đó thì không còn thiết Tết với nhất gì nữa.
Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn thưởng ngoạn tết rất ngon và hài hòa
Thứ nhất, chỉ nên vừa đủ. Khi nào là đủ? Khi bạn cảm thấy bụng đủ chặt là ổn. Khi bạn cảm thấy còn ăn được nhưng vẫn nên dừng lại, vẫn hơi thòm thèm là đủ. Một bữa ăn Tết , bạn chỉ nên ăn chừng 1/6 cái bánh chưng hoặc 1/6 đĩa xôi, nếu bạn thích ăn một bát cơm thì không nên ăn tiếp một bát miến. Mỗi thứ chỉ một nửa là đủ cho chất bột. Nếu trên mâm cỗ tết có chừng 4 – 5 món, bạn chỉ nên ăn mỗi món 1 – 2 lần. Nếu trên mâm cỗ tết có chừng 2 – 3 món, bạn sẽ ăn mỗi món chừng 2 – 3 lần, tương đương với 2- 3 thìa. Nhưng nhớ là phải có cả rau củ quả thì bữa ăn sẽ bớt ngán và thanh hơn.
Thứ hai, ăn đúng thứ tự. Khi mới bắt đầu vào bữa ăn, nên nhấm một chút rượu vang, ăn một số món nhẹ. Thích ăn nóng thì ăn súp, thích ăn nguội thì ăn giò thái mỏng hoặc salad. Sau đó mới là món chính. Món chính cần ăn nóng, đậm đà, đủ vị như cơm, gà chiên, thịt đông, các món xào, bánh chưng. Sau món chính làm món tráng miệng. Khi kết thúc, đừng nên ăn quá chua hoặc quá cay hoặc quá béo, vì dư vị bữa ăn sẽ tồn lưu rất lâu và rất khó chịu. Bạn chỉ nên ăn nhẹ dành cho các món trung hòa hoặc hơi thiên về ngọt.
Thứ ba, kết hợp đúng thực phẩm. Do lượng thực phẩm và món ăn trong Tết rất nhiều nên sẽ có những món ăn không hợp nhau. Nếu kết hợp bất cẩn, bạn có thể bị tiêu chảy. Hãy kết hợp theo công thức: béo đi với chua (bánh chưng đi với dưa hành, thịt mỡ đi với dưa bẹ), đạm đi với cay (thịt gà chấm với muối tiêu), lạnh đi với ấm nóng (canh thịt đi với chút gừng) bạn sẽ thấy hết ngán. Cũng cần lưu ý những thứ hàn, lạnh, nguội, làm tăng nhu động ruột và tăng tiết dịch tiêu hóa không nên đi liền với nhau.
Thứ tư, ăn nổi bật vị giác. Tức là khi ăn uống, hãy chú ý đến vị của món ăn. Bạn hãy ăn từ các món ăn nhẹ, đến các món ăn mạnh, từ các món ăn thanh đến các món ăn đậm. Đừng làm theo chiều ngược lại, vị giác của bạn bị xóa nhòa. Chẳng hạn: ăn salad rồi mới ăn đến món xào, ăn bánh chưng rồi mới đến ăn cơm nóng, ăn giò chả thái rồi mới ăn đến thịt luộc, hấp hay chiên. Như thế, sẽ bảo toàn được đầy đủ vị cho món ăn.
Thứ năm, ăn hài hòa. Ăn đủ nhóm thực phẩm, đừng chỉ ăn mỗi thịt cá, cần ăn cả rau củ trong bữa ăn. Đây là những thực phẩm là trung hòa. Bạn không nên chế biến rau củ quả dưới dạng xào. Vì nó đã làm mất đi tính thanh đạm của rau củ. Để chống ngán, bạn có thể chế ra dưới nhiều dạng khác như luộc (su su luộc, bắp cải luộc, ngọn bí luộc, su hào luộc), muối (dưa bẹ muối, dưa hành muối), nộm (bắp cải nộm, dưa chuột góp), tái (hành tái, cải cúc tái, cải thảo tái), sống (cà chua sống, dưa chuột sống, rau thơm sống).
Theo Eva
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet