Đây là hàng được sản xuất từ các loại dầu nguyên liệu phức tạp, kể cả dầu thải từ các nhà máy chế biến thực phẩm, sau đó dùng hóa chất để xử lý khử mùi, tạo màu, các loại mỡ bẩn ôi thối… Đáng lo ngại là loại dầu, mỡ này tiềm ẩn rất nhiều chất độc có thể gây ung thư.
Dầu ăn trôi nổi bán tràn lan
Rất nhiều các nhà hàng quán ăn hiện nay sử dụng loại dầu ăn trôi nổi không nhãn mác, bởi những loại dầu này thường giá rẻ hơn các loại dầu ăn có nhãn mác rất nhiều. Vậy loại dầu ăn bán trôi nổi tại các chợ hiện nay từ đâu ra? Câu trả lời là có rất nhiều nguồn. Mỡ, dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng, khách sạn… bị cháy đen, bốc mùi được một số cơ sở thu mua, lọc cặn và bán lại cho các cơ sở chế biến thực phẩm dùng để chiên, rán các sản phẩm như: quẩy, ngô, bánh…
Trưởng phòng kinh doanh của một công ty dầu ăn cho biết: Người ta còn nhập cả nguồn dầu cải giá rẻ từ Trung Quốc, trong đó có cả dầu cải đã qua sử dụng được các nhà máy ở nước này thải ra… Nguồn nguyên liệu này sẽ được xử lý bằng nhiều loại hóa chất khử mùi, tạo màu… để cho ra loại dầu vàng ươm mà nếu nhìn thoáng qua chẳng thua gì dầu ăn của các hãng dầu sản xuất công nghiệp. Các cơ sở này thường xuyên thay đổi địa chỉ sản xuất hoặc đăng ký một nơi nhưng lại sản xuất ở một địa chỉ khác để qua mặt cơ quan chức năng.
Các loại mỡ bẩn ôi thối được xử lý thành dầu mỡ
Bên cạnh đó hiện nay mỗi ngày các nhà máy chế biến thực phẩm, sản xuất bánh snack, mì gói, gà rán, mít sấy… thải một lượng lớn dầu ăn đã sử dụng. Doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để tiêu hủy loại dầu thải này để không ảnh hưởng đến môi trường, thông qua một số công ty chuyên đi tiêu hủy. Tuy nhiên, đường đi để tiêu hủy những loại dầu này thực tế không ai kiểm soát được và cũng không loại trừ khả năng loại dầu thải này được phù phép thành dầu ăn và tái sử dụng.
Đáng sợ mỡ nước
Công an TP Hà Nội đã từng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển mỡ nước không rõ nguồn gốc tại một cơ sở ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội chuyên mua dầu, mỡ bẩn để tái sử dụng chế biến thực phẩm. Theo lời ông Ngô Văn Dũng (SN 1980), trú tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, gia đình ông thường thu mua mỡ, dầu ăn “bẩn” của các nhà hàng, quán ăn, khách sạn trên địa bàn Hà Nội với giá khoảng 4.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, số mỡ trên được đổ vào bể chứa, lọc cặn qua lớp lưới vải để lấy mỡ trong - mỡ loại 1. Số mỡ này sẽ được dồn vào chiếc thùng sắt lớn và các thùng phuy, sau đó chiết dần ra can nhựa để bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm.
Gần đây, cơ quan chức năng Hà Nội cũng phát hiện khoảng 3 tấn mỡ bẩn đang chở trên xe tải ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Lái xe khai nhận nguồn hàng này lấy từ huyện Thường Tín. Tiếp đó, ngày 12-9, tổ công tác liên ngành kiểm tra kho hàng của một công ty TNHH trên địa bàn huyện Đông Anh phát hiện mỡ bò, mỡ lợn thứ thì đông đặc, thứ thì ở dạng lỏng được đựng trong các bao tải chất đống trong kho.
Cũng do giá dầu ăn tăng cao nên hiện tượng sử dụng mỡ động vật, chủ yếu là mỡ lợn để chế biến thức ăn đang phổ biến trở lại. Tại các chợ bán khá nhiều mỡ nước. Loại mỡ này được đóng trong can nhựa với giá từ 15.000-20.000 đồng/lít. Nguyên liệu chế biến mỡ nước là nguồn mỡ lợn được thu gom tại các chợ đầu mối, các lò giết mổ, các quầy thịt ở các chợ cuối ngày, trong đó không loại trừ lợn chết, lợn bị dịch bệnh. Số mỡ này hầu hết đều có màu nhợt nhạt, thâm tím, bốc mùi khó chịu, ruồi bâu dày đặc. Theo một tiểu thương, do mỡ đã để cả ngày không được bảo quản, hơn nữa trong số mỡ đang chờ người đến nhận có cả mỡ của ngày hôm qua để lại nên việc bốc mùi là điều không tránh khỏi.
Thông thường, mỡ lợn khi nấu chảy thành nước chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị cô đặc nên các cơ sở chế biến thường sử dụng hóa chất chống kết đông và một số chất phụ gia khác để bảo quản. Nguồn phụ gia trôi nổi này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây hại khó lường. Ngoài ra, theo cơ quan thú y, do nguồn mỡ thu mua từ nhiều nguồn, nhất là từ các lò giết mổ, chợ chiều nên nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, chất bẩn là rất cao. Đây cũng là nguồn lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm...
Nguy cơ gây ung thư
Dầu thực vật về nguyên tắc chỉ sử dụng một lần, không được tái sử dụng. Thế nhưng trong thực tế, tình trạng dầu ăn thải loại của một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm được tuồn ra thị trường, sau đó người mua đem tái chế, tinh lọc bằng các phương pháp, có cả việc cho hóa chất độc hại vào để xử lý rồi bán ra thị trường.
Loại dầu này rất độc bởi về mặt hóa học, dầu ăn khi đã đun ở nhiệt độ cao sẽ chuyển từ dạng cit (có lợi cho sức khỏe) sang dạng trans (không có lợi). Nhiều cấu trúc dạng trans kết hợp lại sẽ dễ tạo ra chất gây ung thư. Người ta còn pha chế cả các loại dầu nguyên liệu vốn không được dùng trong thực phẩm như dầu lanh, dầu cọ… (thường chỉ dùng trong công nghiệp sản xuất sơn) có giá thành rẻ hơn nhiều so với dầu thực vật. Khi pha những loại dầu này vào dầu ăn sẽ làm hạn chế sự đổi màu của dầu khi sử dụng. Loại này rất có hại đối với sức khỏe con người.
BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: Dầu ăn là thực phẩm dễ bị ôxy hóa các axít không no, nếu đun ở nhiệt độ cao nhiều lần, khi xâm nhập cơ thể sẽ gây tổn thương các tế bào, dễ tạo thành những khối u, gây ung thư. Khi chúng ta ăn phải các thực phẩm cháy, vỡ vụn là đưa vào cơ thể các chất phosphor, lưu huỳnh, sẽ rất độc hại.
Dầu ăn từ nước cống
Theo báo cáo của TS. Hà Đông Bình, chuyên gia về chất độc thực phẩm tại ĐH Bách khoa Vũ Hán, Trung Quốc trên tờ China Youth Daily, khoảng 1/10 món ăn tại các nhà hàng được nấu bằng những loại dầu bẩn. Loại dầu ăn này thường được tái chế từ dầu đã qua chế biến, thải ra từ các nhà nhà hàng. Nguy hiểm hơn, chúng có thể được vớt lên từ những bể phốt nước thải gần khách sạn, nhà hàng. Chất thải này được đưa đến các xưởng hoạt động không giấy phép ở ngoại ô.
Tại đây, chúng được đun nóng và lọc nhiều lần để trở thành dầu ăn thông thường và được đưa trở lại nhà hàng, khách sạn với giá cực rẻ. Nhìn bề ngoài, chúng không khác dầu ăn thường. Nhưng chúng chứa chất độc hại có thể gây ung thư được gọi là aflatoxin. Aflatoxin được sinh ra từ dầu ăn ôi thiu, và không bị phân hủy trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao. Loại chất độc này có độc tố gấp nhiều lần thạch tín trắng.
Tại Việt Nam chưa phát hiện dầu ăn tinh chế từ nước cống như Trung Quốc. Song cũng là lời cảnh báo với các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn cấm loại dầu bẩn, dầu thải của Trung Quốc nhập vào Việt Nam gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet