Có mặt ở thị trường trong nước mới chỉ hơn 2 tháng và đều dưới dạng hàng xách tay cũng như chỉ do các cửa hàng trong nước đảm nhận bảo hành, nhưng kindle fire đang là một trong những sản phẩm công nghệ bán tốt nhất hiện tại. Mẫu máy này khi mới xuất hiện có giá bán khoảng 5,6 triệu đồng và đến nay chỉ giảm khoảng 200.000 đồng. Giá bán ở thị trường Mỹ của máy là 200 USD tương đương khoảng 4,4 triệu đồng chưa bao gồm thuế ở nước sở tại và chi phí mang về.
Các topic về mua bán Kindle Fire được cập nhập hàng ngày. |
Gõ từ khóa Kindle Fire trên các trang mua bán đồ công nghệ như Muare hay Tinhte đều thu được hàng trăm kết quả với các cửa hàng xách tay cũng như cá nhân bán lẻ.
Ưu điểm lớn nhất về giá rẻ đã thuyết phục được nhiều người dùng thậm chí vốn chưa từng quan tâm đến máy tính bảng. Chị Thu Nga, nhân viên văn phòng trên đường Thái Hà (Hà Nội), cho biết, với chị khái niệm máy tính bảng trước đây gắn liền với iPad, nhưng giá cả chục triệu đồng nên chị ít khi để tâm. "Từ khi thấy anh đồng nghiệp mua được Kindle Fire giá rẻ nên cũng mua một chiếc về đọc báo và cập nhập mạng xã hội cho vui", chị Nga tâm sự.
Ngoài những người chỉ có các nhu cầu đơn giản như chị Nga, sinh viên - những người thích công nghệ nhưng "hầu bao" hạn chế - cũng rất hào hứng với Kindle Fire. Với tầm giá 5,5 đến 6 triệu đồng, máy này không phải cạnh tranh với nhiều đối thủ sừng sỏ như iPad hay Samsung Galaxy Tab nên việc hợp túi tiền đã khiến nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ không ngần ngại sắm cho mình một chiếc. "Dù Kindle Fire có vài nhược điểm như không 3G, không camera nhưng tên tuổi lớn như Amazon dễ tin tưởng hơn nhiều mẫu máy tính bảng của Trung Quốc", Anh Duy, sinh viên Đại học Xây Dựng (Hà Nội) giải thích cho lựa chọn của mình.
Với những người mới dùng, Kindle Fire có giao diện menu mặc định rất đơn giản và dễ dàng truy cập vào các phần mềm, ứng dụng hay cài đặt hơn nhiều so với hệ điều hành Android thông thường. Tuy nhiên, không giống các mẫu máy tính bảng chạy Android đơn thuần khác như Galaxy Tab, Asus Transformer hay Motorola Xoom, Kindle Fire dù chạy hệ điều hành của Google nhưng lại tùy biến khá nhiều cũng như hạn chế tính năng như không thể truy cập Android Market, không thể tự do cài đặt thêm phần mềm ngoài. Trong khi đó, việc mua phần mềm, sách hay phim, nhạc từ Amazon lại không phổ biến tại Việt Nam.
Cài đặt phần mềm cho Kindle Fire khá phức tạp. Ảnh: Androidcentral. |
"Root máy" hay còn gọi là cách bẻ khóa để chiếm quyền điều khiển cao nhất trên máy giúp người dùng cài đặt phần mềm ngoài, cài đặt "chợ" Market, Launcher hay các tùy biến khác luôn được những người dùng tìm cách thực hiện khi sở hữu một mẫu máy Android. |
Với Kindle Fire, việc "root" máy trở nên khó khăn hơn. Một phần do máy mới ra mắt nên các cách thực hiện không nhiều cũng như hạn chế về phím cứng, không có khe cắm thẻ nhớ và các yếu tố khác khiến rủi ro "chết" máy trong khi thực hiện cao hơn (việc root với các máy có phím cứng, thẻ nhớ chạy Android thường dễ dàng và an toàn hơn).
Amazon gần đây liên tục cập nhập phần mềm cho mẫu máy tính bảng của mình và mỗi lần nâng cấp đều khiến máy phải thực hiện bẻ khóa lại.
Anh Nguyễn Anh Văn, chủ một cửa hàng bán đồ công nghệ xách tay ở Hà Nội, chia sẻ, việc bán Kindle Fire còn dễ hơn nếu không có việc "root" máy. Hầu hết các khách hàng đều tự root máy, nên khi xảy ra sự cố và không thể khởi động lại, cửa hàng rất khó phân biệt lỗi do tự "root" hay lỗi phần mềm từ nhà sản xuất. Do đó, việc bảo hành của cửa hàng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài Kindle Fire, trong phân khúc tầm giá từ 4 đến hơn 6 triệu đồng còn có một số sản phẩm đáng chú ý khác như Nook tablet khoảng hơn 6 triệu đồng, Lenovo A1 khoảng 4,5 triệu đồng và FPT Tablet là 5 triệu đồng. Phân khúc giá rẻ đang có nhiều tiềm năng do không phải đối đầu với các tên tuổi lớn trên thị trường máy tính bảng như Samsung hay Apple.
Tuấn Lê
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet