Là chi tiết duy nhất tương tác với mặt đường, “giày” của xế hộp tác động trực tiếp tới khả năng vận hành an toàn. Ta-lông (hoa lốp) mòn làm giảm độ bám đường từ đó làm cho bánh xe dễ trượt, xe văng ngang khi đi trên đường ướt. Còn trong các tình huống nổ lốp, xe gần như mất lái hoàn toàn, tai nạn xảy ra thường để lại hậu quả bi thương.
Nhãn hàng lốp xe Bridgestone Việt Nam khuyến cáo đừng bao giờ quên kiểm tra lốp xe hàng ngày trước mỗi chuyến đi. Việc kiểm tra này vô cùng nhanh chóng, đơn giản và bạn hoàn toàn có thể tự mình thực hiện, kiểm tra lốp xe không chỉ tiết kiệm tiền bạc, thời gian mà quan trọng hơn là bác tài và người cùng tham gia giao thông sẽ luôn an toàn trên mọi chặng đường.
|
Kiểm tra hông lốp
Quan sát từ bên ngoài, lốp xe có thể chia làm hai khu vực: hoa lốp và hai bên hông lốp. Hoa lốp có nhiều rãnh là khu vực tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, nên chúng được gia cường bằng loại cao su chịu mòn, nhiều lớp sợi bố thép và nilon bên trong. Trong khi đó hai bên hông lốp, số lớp vải bố ít hơn. Chính bởi sự khác biệt này mà công tác kiểm tra nên được bắt đầu từ hai bên hông lốp. Kiểm tra hông lốp xem có vết rạn nứt hoặc vết lồi lõm bất thường nào hay không bởi vì các vết nứt, vết phồng, vết cắt biểu thị rằng nguy cơ nổ lốp tăng. Nhiệt độ cao, điều kiện vận hành khắc nghiệt trong thời gian dài hoặc chướng ngại vật trên đường chính là ngòi nổ kích hoạt “quả bom khí”.
Kiểm tra hoa lốp
Lốp mòn liên tục do bị chà xát xuống đường khi xe lăn bánh. Nếu sử dụng thường xuyên, trung bình khoảng 19.000 - 24.000 km mỗi năm, hoa lốp mòn trước khi lớp cao su tổng hợp bị thoái hóa. Tốc độ hao mòn gia tăng nếu không duy trì áp suất hơi chuẩn theo chỉ định của nhà sản xuất. Lốp mòn nhiều ở giữa nếu áp suất quá cao, ngược lại nếu áp suất thấp sẽ làm hai mép của hoa lốp mòn nhanh hơn. Khi ta-lông mòn tới vạch chỉ thị mòn trong rãnh là lúc cần thay lốp để đảm bảo an toàn.
Không chỉ quan tâm đến độ mòn, quá trình kiểm tra cũng nên kết hợp với việc loại bỏ các dị vật bám lên lốp như đá, đinh,.. có thể gây thủng lốp. Ngoài ra, các hạt sỏi nhỏ bám trên lốp làm tăng độ ồn. Đa phần xe ngày này đều sử dụng lốp không xăm, một số (kể cả xe máy) còn bổ sung loại keo tự vá với tính năng lấp đầy khe hở nhỏ do đinh cắm vào.
Trong khoảng thời gian ngắn lớp keo này có thể thực hiện chức năng bao kín tốt. Nhưng nếu vẫn để đinh găm, quá trình làm việc khe hở rộng thêm đồng thời nước, bùn đất theo đó xâm nhập vào trong lốp làm chức năng tự vá của keo dần mất đi.
Bảo Sơn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet