Bên cạnh vai trò bá chủ thị trường xe máy, honda thường bị cho là quá tập trung vào mảng này mà quên đi lĩnh vực xe hơi. Xe máy là xương sống, là ngành kinh doanh truyền thống nhưng điều đó không đồng nghĩa hãng này bỏ ngỏ mảng xe hơi mà đang có những tham vọng không hề nhỏ.
Trong cuộc họp báo ra mắt chiếc Accord mới, Tổng giám đốc Minoru Kato khẳng định luôn coi ôtô là mục tiêu chiến lược khi được hỏi liệu Honda Việt Nam có đang bỏ ngỏ mảng kinh doanh này hay không.
Trên thực tế, Honda bước chân vào lĩnh vực xe hơi khá muộn, năm 2006 mới xuất xưởng sản phẩm đầu tiên Civic. Nhờ nghiên cứu thị trường tốt, xây dựng giá hợp lý mà Civic thành công ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong 2 năm, doanh số chạm ngưỡng 10.000, một kỷ lục trong phân khúc sedan hạng trung tại Việt Nam.
Honda không coi bán hàng là số một, mà đặt cao vấn đề dịch vụ và chất lượng. Hãng xe Nhật là thành viên đầu tiên của vama đưa ra chính sách không bán xe làm taxi. Chính sách này được Honda áp dụng trên toàn cầu, nhưng với một thị trường mới, nhiều cạnh tranh như Việt Nam thì đây rõ ràng cách hy sinh sản lượng, tập trung cho chất lượng.
Ở một thị trường nhiều biến động, đủ các thành phần từ lắp ráp tới phân phối, Honda luôn giữ một thái độ cẩn trọng, với bất cứ sản phẩm nào. Sau thời gian thành công với Civic là CR-V, mẫu xe crossover đầu tiên trong phân khúc đạt các giá trị an toàn mà ít xe nào ở Việt Nam có. Đó là hội tụ đầy đủ các công nghệ an toàn hàng đầu, như chống bó cứng phanh, phân bổ lực phanh điện tử, hỗ trợ phanh khẩn cấp và đặc biệt là cân bằng điện tử VSA. Giống Civic, CR-V cũng thành công ngay từ khi ra mắt năm 2008.
Mới đây nhất là sự thành công của chiếc City, dòng xe cỡ nhỏ với những tính năng và thiết kế mới lạ cho một phân khúc luôn ở chiếu dưới, chỉ dành cho người mới mua. Sự tiếp cận của City với khách hãng cùng có nhiều khác biệt. Honda tổ chức hàng loạt các buổi ra mắt ở các đại lý, cho khách hàng tiếp cận và hiểu biết về xe trước khi tung ra giới truyền thông. Cách thức này tạo sự gắn bó và cảm thấy được tôn trong của người mua, điều mà họ ít thấy ở các hãng xe Nhật khác. Trong suốt các năm 2009-2012 Honda luônJ.D Power chấm điểm nhất và nhì về chất lượng bán hàng và dịch vụ.
Nhờ các nỗ lực không mệt mỏi và luôn tuân thủ quy tắc kinh doanh, năm 2013 Honda đạt kết quả 4.600 xe bán ra, đứng thứ ba trong VAMA nếu xét riêng về xe con (không kể tải và bus), tăng trưởng 254%, chiếm 6% thị phần, một kết quả không nhiều hãng có được.
Trong 2014, Honda đặt ra mục tiêu tăng trưởng 9% so với 2013 và xây dựng kế hoạch đưa các đời xe mới vào thị trường, người tiêu dùng có lý do để chờ đợi bởi chưa có dòng xe nào của Honda lắp ráp ở Việt Nam mà không thành công.
Hãng này cũng đã đưa nền tảng công nghệ đột phá mang tên Earth Dreams vào Việt Nam, đầu tiên là trên chiếc Accord nhập khẩu. Tiếp theo sau sẽ là các dòng xe khác. Đó có thể coi là lời cam kết trong việc mang tới khách hàng các giá trị cao nhất và bảo vệ môi trường.
Có thể thấy các mục tiêu mà Honda Việt Nam không hoàn toàn nhằm vào chuyện doanh số, mà tập trung vào các yếu tố làm nên khác biệt, như chất lượng và công nghệ mới. Tiếp đến là những cố gắng mở rộng đại lý, nâng cao dịch vụ và hậu mãi.
Vì thế, có thể thấy tham vọng của Honda không phải là câu chuyện ngắn hạn, mà mang tính dài hơi. Đạt doanh số mục tiêu thì dễ, nhưng đạt được sự hài lòng liên tục mới khó. Giống như cuộc đua xe đạp đường trường, Honda có thể không có những con số tăng trưởng khủng theo từng năm, nhưng rất có thể là người cán đích đầu tiên.
Mai Thương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet