Ban đầu, Liễu cũng chỉ định theo bạn cho vui. Nhưng Vasse, vốn tốt nghiệp trường đào tạo thời trang Paris lại hướng dẫn chị theo bài bản chuyên nghiệp. Gặp thầy giỏi, lại tận tâm, Liễu "lên tay" nhanh. "Về may, tôi không phải là người khéo tay, nhưng đã bắt tay vào, yêu nghề lúc nào không biết", Liễu nói.
Một thiết kế của Hélène Liễu. |
Sau khi Hélène Vasse trở về Paris, Liễu lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Bấy giờ là lúc một mình chị phải chống đỡ để cái tên Hélène - Liễu mới nhen nhúm trong làng thời trang Việt Nam không bị quên lãng. Liễu lao vào công việc. Thời gian đuổi theo sau lưng chị, để rồi mười hai tháng sau, chị có buổi trình diễn thời trang mới tại Sài Gòn Times Club năm 1995. Tám năm trôi qua, giờ đây Liễu đã dày dạn kinh nghiệm, sáng tạo nhiều, còn phong cách lãng mạn, đầy chất thơ vẫn bám riết từng mẫu thời trang của chị, qua những bộ sưu tập có tên gọi Giấc mơ nàng tiên cá, Qua cầu gió bay, Nỗi nhớ mùa đông, Như cánh vạc bay...
Năm ngoái, chị đi hội chợ thời trang quốc tế ở Monaco. Ở đó chị gặp công chúa Stephanie. Bà ghé vào gian hàng của chị ba lần cùng với người thợ may riêng lâu năm, mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt. Công chúa và người thợ may đã bị cuốn hút bởi những mẫu thiết kế Đông - Tây của Liễu. Bà mua liền bốn bộ, đặt may thêm một bộ và vừa qua, còn gửi hình cùng lời cảm ơn cho chị. Liễu hớn hở: "Mình đang có những khách hàng tuyệt vời". Hiện giờ chị vẽ mẫu, may và mang hàng sang bán lẻ, bán sỉ cho các cửa hiệu thời trang cao cấp ở Pháp, Thụy Sĩ. Chị nói trước sau gì cũng sẽ mở cửa hàng thời trang riêng ở Paris nhưng phải đợi một thời gian nữa khi khách hàng nhiều lên và ổn định.
Liễu đi liên tục sang châu Âu, về Việt Nam, lang thang ở các tỉnh, thành phố Bắc, Trung, Nam tìm nguồn cảm hứng cho những mẫu mã của chị. Ở trong nước, Liễu mày mò tìm nguyên liệu cho những ý tưởng, những pha trộn trong thiết kế. Những bộ sưu tập pha trộn phong cách mảnh mai, cổ xưa của Việt Nam với đường nét cứng cáp của những áo vét, những đầm ngắn của phụ nữ châu Âu. Toát lên ở mỗi mẫu áo quần của Liễu là một cá tính. Áo vét hở lưng với hai chiếc nút trễ; áo ngắn hở vai với những cánh hoa to bản; cái yếm "sexy" và chiếc khăn che ngực kín đáo...
Liễu sống được bằng nghề thiết kế thời trang, dù có vất vả. Chị vẫn chưa từ bỏ mộng văn chương, cho dù mỗi lần nghĩ về nó, Liễu canh cánh một ước mơ viết lách. Rồi chị lại tự nhủ, đâu phải cái gì con người muốn là được, cuộc đời có những ngả rẽ, chấp nhận những ngả rẽ đó, biết đâu lại hạnh phúc, thành công. Sau từng ấy năm, chị có khách hàng riêng, có một đội ngũ thợ may trẻ, có những cuộc triển lãm và vẽ mẫu. "Quan trọng nhất trong nghề này là cảm hứng sáng tác và chất liệu vải để biến những ý tưởng thành hiện thực. Ở Việt Nam chưa có đủ các chất liệu vải cho người tạo mẫu thử nghiệm, nên tìm nguyên liệu cũng là một công việc không dễ". Chị nhận xét, lớp trẻ Việt Nam trong nghề thiết kế thời trang bây giờ tiếp thu nhanh, học hỏi nhiều, có phong cách riêng, biết mang cái gu của trang phục trong nước hòa nhập với xu hướng bên ngoài. Họ nhạy bén với cái mới và biết sàng lọc những cái mới để đặt vào đó sự sáng tạo cá nhân.
(Theo Kinh Tế Sài Gòn)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet