Sao dám chê bai, kê toa “thuốc đắng”, cho “Chính sách nền công nghiệp ôtô Việt Nam?”. Những người chê bai chính sách cho nền công nghiệp ôtô này chắc là chỉ thích suốt đời… cưỡi voi? Đất nước ta đổi mới đến nay hơn 26 năm rồi, trở thành thành viên của WTO, thừa nhận nền kinh tế thị trường (có định hướng). Nếu vậy, nên chăng chúng ta hãy tập thói quen tư duy thấu đáo trước khi hành động, để cho “cái đầu lạnh” dẫn dắt “trái tim nóng” một chút?
1. Tại sao cứ phải “mần” ôtô mới được?
Người Việt rất dễ bị tình cảm chi phối. Thiếu gì lý do để Việt Nam sản xuất ôtô. Nào là công nghiệp xe hơi quy tụ rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật của các ngành khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng khác, từ cơ khí chế tạo máy, hóa chất, điện tử, tin học, xã hội học, thiết kế mẫu… Khi chúng ta chế tạo đại trà thành công ôtô, thì những ngành công nghiệp khác như máy nông nghiệp, đóng tàu, sản xuất thiết bị bay, thiết bị du hành không gian, cũng dựa vào đó mà phát triển. Với lại, rất nhiều nước phát triển đều có nền công nghiệp ôtô hiện đại, chúng ta chẳng lẽ không dám làm như họ? Bla, bla, bla…
2. Sản xuất ôtô để sử dụng nội địa, hay để xuất khẩu?
Có lẽ bất kỳ người Việt Nam nào, dù là lạc quan nhất (và nếu đồng thời sống ở các đô thị lớn) đều thấy rằng hạ tầng cho ôtô các loại quá tải từ lâu. Ôtô hay rồi! Trời đang mưa, mình ngồi khóc trong chiếc kia pride (Hà Quốc sản xuất năm 2002) đậu ven đường chờ nước rút cũng còn hay hơn bội phần mấy anh chàng quần là áo kẻng lội bì bõm đến bụng, đẩy mấy “con” SH hay Vespa chết máy! Ước gì chỉ mỗi một mình mình có ôtô, và Nhà nước phải làm sao để đừng tăng thêm số lượng ôtô thêm phí nữa thì hay biết mấy !?
Hay là sản xuất ôtô để xuất khẩu sang Mỹ. Gạo với Thanh Long mà mình còn xuất được, ôtô là cái gì? Đến đây, nếu muốn hiểu rõ ngọn ngành, hãy vuốt lại tóc tai, quần áo cho thẳng thớm, đốt ba nén nhang, vái “Ricardo tiên sinh” ba vái, ông ấy cho biết thế nào là lợi thế so sánh, và cho một quẻ tương lai.
Ảnh minh họa. |
Nếu có ai đó còn ước mơ Việt Nam có ôtô rẻ mà đẹp cho thiếu niên Việt Nam lái đến trường hay đi "quán net", cho bà nội trợ đi “làm móng” thì cũng nên nghĩ đến việc “giải bài tập về nhà" làm sao có được hệ thống đường giao thông, cầu cống, bãi đậu xe trước đã. Nghĩa là, có nên chăng Việt Nam sẽ phát triển công nghiệp ôtô cho thị trường nội địa, thay vì chọn hướng ưu tiên cho một nền giao thông công cộng hiện đại và hiệu quả, kết hợp với một "Nền" chế tạo xe đạp tiên tiến cho người dân?
Chậm phát triển Công nghiệp ôtô có khi lại hay, lại là “sành điệu”. Các quốc gia “lạc hậu” như Thụy Sỹ, Hà Lan chỉ thích xe đạp địa hình, mà ghét cái bọn xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính?
3. Sản xuất như thế nào?
Trình độ công nghệ của Việt Nam hiện ngay cả cải vỏ nhôm bộ chế hòa khí vẫn chưa sản xuất được, nói gì đến những chi tiết phức tạp như trục khuỷu đòi hỏi các công đoạn phức tạp như rèn phôi, tiện, phay, nhiệt luyện (thấm, tôi để làm cứng bề mặt) mài thô, mài tinh, rồi ram. Để xây dựng và phát triển "Nền công nghiệp ôtô” trong thời buổi hiện tại, chỉ có ba cách.
Cách 1: Ôtô chỉ là giấc mơ
Nói nhiều những vẫn chưa bắt đầu hoặc chưa biết bắt đầu như thế nào. Cách này mang lại giấc mơ không trọn vẹn, khi thức tỉnh nhận thấy mình chưa sai vì hầu như chưa làm gì cả.
Cách 2: Công nghiệp "cơ bắp" lắp xe cho người ta
Vừa từng bước xây dựng và phát triển một nền công nghiệp phụ trợ, hay thậm chí “phụ trợ của phụ trợ” (sản xuất chi tiết, phụ tùng, phụ kiện… cho các nhà sản xuất có uy tín) rồi tăng dần “tỷ lệ nội địa hóa” lên.
Nhiều khi do đất chật, người đông (mà trình độ lao động cứ thấp lè tè hoài), mình cứ nghe theo “bác” Ricardo, cứ “chuyên trị” mấy món “phụ trợ” này, đừng cò “mần” nguyên cả chiếc ôtô làm chi, mà lại cũng có tiền ăn. Nếu thừa tiền thì mua ôtô ngoại mà đi!? Nhất nghệ tinh mà lị! Phải không?
Cách 3: Tập trung tài lực
Mua hẳn bản quyền, công nghệ/nhà máy (thậm chí nhãn hiệu) của một nhà sản xuất “trung bình khá” nào đó (Fiat, hay Renault... gì đó thì sao nhỉ?), giống như Trung Quốc đã làm với hãng xe Volvo hay hãng máy tính IBM. Sở hữu cả thương hiệu, công nghệ lẫn nguồn nhân lực trình độ cao. Rồi chịu khó vừa làm, vừa học cả chuyên môn, học cả chiến lược mua sắm (thu mua) phụ kiện, chi tiết, linh kiện lẫn cách điều hành. Đây là cách "qua mặt đối thủ trai làng bằng tài lực" của công tử nhà giàu "tán gái". Cũng hiệu quả ra phết, nếu bác nhà giàu lại thực sự say mê “người đẹp”, có tâm với “em nó” và chịu chi đúng mức.
Gần đây rộ lên thông tin "nhà giàu" Trung Quốc đã và đang mua nhiều cánh đồng nho làm nên thương hiệu (kèm bí quyết) của rất nhiều nhãn hiệu rượu vang Pháp truyền thống. Thế biết đâu lại chẳng phải hay hơn mình cứ lọ mọ gầy dựng thương hiệu “Vang Đà Lạt”, đường xa diệu vợi, hay sao? Bằng cách đó, Trung Quốc đang thay thế người Nhật dần dần mua để làm chủ cả thế giới sao?
Theo cách thứ ba này chắc chỉ có nhà đầu tư tư nhân mà có tâm huyết mới làm được. Sau sự chia tay của những "ông bầu” thể thao, “ông trùm” bất động sản, rồi “nữ hoàng” chứng khoán rất cần có những nhóm “ba ông thợ may” như nhóm người Nhật đã khởi tạo ra thương hiệu Honda năm nào.
4. Sản xuất bao nhiêu ôtô?
Khi nào trả lời xong cả ba câu hỏi nói trên, ta sẽ lại “8” tiếp, nhé.
C h e e r s,
Nguyễn Thanh Tuân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet