Thông tin trên được người phát ngôn Tony Cervone tuyên bố ngày 22/11. Ban lãnh đạo GM xem xét tất cả các tình huống có thể xảy ra trong thời điểm đặc biệt khó khăn này. "Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng phá sản là giải pháp có thể thành hiện thực", Cervone nói.
Những tuyên bố kiểu trấn an nhân công và nhà đầu tư của GM đã lặp lại nhiều lần. Nhưng đây là dấu hiệu rõ ràng hơn về sự sụp đổ của nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới. Từ cam kết "không xem xét phá sản" đến tình huống "có thể phá sản" là những bằng chứng cho thấy GM đã gần như bất lực.
Giám đốc điều hành Rick Wagoner (ngoài cùng bên phải) đang cố gắng đưa con thuyền General Motors vượt qua dông tố. Ảnh: AP. |
"Tín hiệu này thực sự làm tăng mức độ khẩn cấp của vấn đề. Nếu không nhận được khoản tiền vay, GM hoàn toàn có thể lựa chọn một tình huống gây bất ngờ", David Cole, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu xe hơi ở Ann Arbor phân tích.
Nhận định của David Cole như là lời thúc giục quốc hội Mỹ thông qua khoản vay 25 tỷ USD mà "Big Three" (gồm GM, Ford và Chrysler) đang cầu khẩn. Trong mắt các chuyên gia, GM không còn khả năng tự cứu mình.
Tại quốc hội cuối tuần trước, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành General Motors, Rick Wagoner phân trần giữa lúc ông và các đồng nghiệp ở Ford, Chrysler ngồi giải trình thì phá sản chưa bao giờ là lựa chọn của GM.
GM và Chrysler cho rằng sẽ phải hoạt động trong tình trạng lượng tiền mặt cạn kiệt vào cuối năm. Một khoản vay sẽ giúp vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Cả hai khẳng định phá sản không phải lựa chọn tốt bởi khách hàng chẳng ai muốn mua xe từ một nhà sản xuất không còn khả năng hoạt động.
Vì thế họ kết luận phá sản không phải là giải pháp để tái cấu trúc. Nhưng nó sẽ là hậu quả tất yếu nếu công ty bị xiết nợ.
Đáp lại, những người đứng đầu quốc hội Mỹ không tin chắc Detroit (thủ phủ công nghiệp ôtô Mỹ, nơi đặt trụ sở của GM, Ford và Chrysler) cần bao nhiêu và sẽ sử dụng số tiền đó ra sao. Vì thế, cả ba ông lớn phải trình kế hoạch kinh doanh chi tiết trước khi được bỏ phiếu thông qua vào ngày 2/12.
Trước khi nhận được cứu trợ, Ford và GM đang cố gắng cầm cự bằng cách cắt giảm nhân công từ Thái Lan tới Mỹ. Ford nhanh tay bán được 20% cổ phẩn ở hãng đang kinh doanh tốt là Mazda. GM cũng bán tất 3,02% cổ phần ở Suzuki nhằm có thêm vài trăm triệu USD tiền mặt.
Thế nhưng, với 1 tỷ USD mỗi tháng chi trả cho các hoạt động, khoản tiền trên chẳng thấm vào đâu. Do đó, lãnh đạo cả ba vẫn đi lại như con thoi để trông chờ vào sự thông cảm.
Nguyễn Nghĩa (theo Detroit Free News)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet