Sáng ngày 26/3, thi thể bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đã được tìm thấy trong tình trạng không mặc quần áo trên cánh đồng Abiko, Chiba, Nhật Bản. Đây là cánh đồng ở khu vực vắng vẻ nên ít xe cộ qua lại và cách nhà của bé Linh hơn 10km. Bé Nhật Linh được báo cáo mất tích từ ngày 24/3.
Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, camera an ninh đã ghi lại được hình ảnh có một ôtô che biển số xuất hiện trên cung đường bé Linh thường đi học và có vẻ đã theo dõi bé suốt khoảng một tháng.
Sự việc hiện đang gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Cuộc trò chuyện với một số mẹ Việt ở Nhật để biết thêm về tình hình hiện tại cũng như tâm lý, phản ứng của cộng đồng phụ huynh Việt ở Nhật về chủ đề làm thế nào để bảo vệ con khỏi những mối nguy bên ngoài xã hội.
Ở Nhật, có một quy tắc ngầm là trẻ con không được đeo trang sức để trở nên nổi trội, dễ gây chú ý khi ra đường
Chị Đào Bích Ngọc, hiện đang sống cùng chồng và con trai nhỏ tại tỉnh Miyagi chia sẻ: thủ đoạn hiện nay của những tên tội phạm biến thái ở Nhật ngày càng tinh vi, chúng có thể đầu tư một khoảng thời gian dài để theo dõi một đứa trẻ khi chúng tìm thấy một sự đặc biệt nào đó trên đứa trẻ đó.
“Xã hội Nhật thông thường mà ai có cái gì khác khác với những người còn lại sẽ bị chú ý luôn tức khắc. Ví dụ như trẻ con ở Nhật thông thường không được đeo trang sức hay vòng vèo, khuyên tai khi còn là trẻ con. Đó chẳng phải là cái quy định được viết ra văn bản mà nó như là một cái quy định ngầm.
Tất nhiên khi mình làm đẹp cho con mình, mình nghĩ không có vấn đề gì hết nhưng trong mắt của người Nhật sẽ là có vấn đề”.
Chị Bích Ngọc và gia đình đã sống rất lâu ở Nhật Bản.
Chị Bích Ngọc khuyên cha mẹ nên chú ý một số vấn đề sau:
- Đừng để con mình là miếng mồi béo bở cho cái bọn biến thái như cho con đeo trang sức, phụ kiện cũng như quần áo quá đặc biệt mà khi nhìn vào sẽ thấy nổi bật ngay tức khắc.
- Trang bị cho chính bản thân mình và con cái kiến thức phòng vệ bản thân: như không được tiếp chuyện với người lạ, không được nhận bất cứ đồ nào từ người khác cho mà không có sự đồng ý từ bố mẹ, không được leo lên xe người lạ. Nếu có vấn đề gì thì phải chạy ngay.
- Thống nhất với con cái về con đường đi đến trường hàng ngày hoặc đường đến nhà bạn chơi. Nói rõ với con về sự nguy hiểm nếu con không nghe lời.
- Bình thường ở Nhật thì trẻ con tiểu học ít dùng điện thoại di động nhưng vẫn có những gia đình cần liên lạc với con cái nên vẫn có bé dùng.
- Tham khảo các loại thiết bị báo động khi có chuyện gì xảy ra. Cái đó sẽ luôn đeo vào cặp, có chuyện gì xảy ra nó sẽ hú rất to.
- Chỉ dẫn cho con nhớ đồn cảnh sát hay những chỗ có nhiều người để khi cần việc gì là chạy vào đó tìm sự trợ giúp.
- Dành thời gian để nói chuyện và hỏi han con nhiều hơn. Hãy hỏi con xem ngày đi học có gì đặc biệt không, hoặc nếu có nghi vấn gì là đề phòng được luôn. Ví dụ như mẹ ơi con đi học cứ có xe ô tô đi sau con, là cái này mình phải chú ý ngay tức khắc hoặc luôn nhận đồ bánh kẹo từ người không quen biết...
Trẻ em Nhật từ lớp 1 trở lên vẫn tự đi học nhưng là đi theo nhóm
Cùng quan điểm với chị Bích Ngọc, chị Bích Nguyệt (Setagaya, Tokyo) cũng cho biết “Ở Nhật, bắt cóc trẻ con vì mục đích tống tiền thì ít mà để thỏa mãn cho những nhu cầu bệnh hoạn thì nhiều.
99% thủ phạm là những người sống gần mình, có vẻ ngoài, tính cách bình thường như bao người khác, thậm chí còn hòa đồng, hay cười, hay chào hỏi, dễ thương... với hàng xóm xung quanh. Nhật Bản là một đất nước an toàn nhưng hàng năm vẫn có những vụ án đau lòng. Cho dù con đã 10 hay 11, 12 tuổi nhưng nếu hung thủ ra tay quá nhanh, quá mạnh thì trẻ cũng không thể phản ứng kịp".
Chị Bích Nguyệt (Setagaya, Tokyo) và con gái.
Chị Nguyệt cho rằng, không có nơi nào an toàn tuyệt đối cho trẻ và ngoài bố mẹ ra. Từ kinh nghiệm của mình, chị khuyến cáo một số điều phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho con, bao gồm:
1. Không để trẻ đi học một mình. Bên Nhật trẻ tự đi học nhưng phần nhiều là đi theo nhóm, hai, ba bạn và trên đoạn đường đi luôn có thành viên của hội phụ huynh đứng dọc đường, đứng ở các ngã tư để hỗ trợ.
2. Không để trẻ đi một mình ở những đoạn đường vắng, những chỗ ít người qua lại, những chỗ khuất tầm mắt quan sát của những người xung quanh. Bởi cho dù bé có mang các thiết bị chống tội phạm thế nhưng trên những quãng đường vắng vẻ nếu kẻ ấu dâm ra tay quá nhanh thì bé cũng không thể trở tay và cũng không có ai đến giúp được cả. Và ngay cả khi bé đã 10,11,12 tuổi thì việc phản ứng đôi khi cũng là không thể.
3. Một biện pháp cần thiết nữa là cha mẹ nên trang bị thiết bị định vị GPS cho trẻ để trẻ luôn nằm trong tầm quan sát của mình.
4. Nhắc trẻ khi đi bộ phải đi vào mép của đường đi bộ, không được đi quá gần làn chạy của ô tô. khi có ô tô từ sau chạy tới, thì cách tốt nhất là chạy ngược lại hướng dạy của ô tô, có như thế ô tô sẽ không đuổi kịp.
Không có chỗ nào, quốc gia nào là an toàn tuyệt đối cho trẻ
Giữa khi cả xã hội đang rất hoang mang, đúc kết lại về tình hình cộng đồng mẹ Việt ở Nhật, chị Đinh Thị Thu Hằng (Hiroshima, Nhật Bản) cho biết, ở Nhật hiện tại, cha mẹ vẫn để cho các bé lớp 1 trở lên tự đi học.
“Xã hội nào cũng thế, cũng luôn ẩn chứa những mặt trái. Ai ở Nhật rồi mới thấy, sự im lặng khép kín, sự nguyên tắc đôi lúc đáng sợ. Sự tôn trọng tự do cá nhân khiến sự dị biệt và vô hình gây những tấm bình phong cho những cá nhân quái đản theo hướng tiêu cực".
Chị Đinh Thị Thu Hằng (Hiroshima, Nhật Bản)
Chị Thu Hằng đưa ra lời khuyên, dù ở bất kỳ đâu cũng luôn tồn tại hiểm nguy, do đó, cha mẹ cần đừng rời mắt đến con dù chỉ trong phút chốc nhưng cùng đừng giữ con khư khư trong tay để bao bọc bảo vệ.
"Thương con và yêu con, muốn để con học cách một mình hãy trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất có thể.
Dẫu rằng đôi khi cả sự trang bị kỹ lưỡng về kiến thức lẫn thiết bị hỗ trợ vẫn không thể giúp con thoát được sự mạnh bạo, có kế hoạch và tính toán của kẻ xấu, bởi mọi việc chỉ diễn ra trong tích tắc, bởi sức các con chống cự không bằng những kẻ xấu với sự chủ động sẵn có. Nhưng đấy là điều cần thiết nhất chúng ta có thể làm để ngăn chặn và bảo vệ con.
Trong mọi trường hợp hãy cân nhắc đến việc phải xa con, giao con cho người khác (kể cả ông bà, chú bác...) là yếu tố sau cùng. Không ai chịu trách nhiệm cho con mình bằng chính mình - bố mẹ chúng”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet