Thị trường xe hơi Thái Lan đang dần suy thoái khi tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến Ranger. Nhu cầu mẫu xe bán tải này phát triển giúp ford tăng thêm thị phần ở Thái Lan, nơi pick-up là dòng xe được ưa chuộng nhất, vượt lên cả sedan và SUV quen thuộc ở nhiều nước khác.
Năm 2014, ranger là mẫu bán tải bán chạy nhất tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Philippines và New Zealand đồng thời giành danh hiệu xe bán tải tốt nhất ở hầu hết các thị trường châu Á Thái Bình Dương. Như mọi năm, Ford chọn Bangkok Motor Show 2015, triển lãm thể hiện hình ảnh cho cả nền công nghiệp của khu vực Đông Nam Á, làm nơi giới thiệu sản phẩm mới. Đầu tiên là chiếc Ranger, với những thay đổi nổi bật.
ford ranger mới. |
Trở thành con bài chiến lược của Ford ở các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Philippines... Ranger từng bước thay đổi hình ảnh để phù hợp với gu thẩm mỹ của những thị trường mới. Phiên bản Ranger 2016 gọn gàng, đô thị và thời trang.
Khác biệt lớn nhất nằm ở phần đầu trước, nơi có lưới tản nhiệt thiết kế lại hình lục giác, thanh ngang đơn nằm chính giữa, cả khung mạ crôm thu hút. Đèn pha phát triển theo chiều ngang vuông vắn, tạo hình cơ bắp cản trước, hốc đèn sương mù và nắp ca-pô nhiều đường gân.
Nội thất nâng cấp theo xu hướng tiện nghi, tiến gần tới phong cách trên các xe sedan và SUV sử dụng hàng ngày. Cabin cho cảm giác rộng rãi với cách tạo hình các chi tiết theo chiều ngang. Cụm đồng hồ TFT mới, màn hình cảm ứng trung tâm 8 inch.
Tiện nghi cho người lái gồm trợ lực điện EPAS với lực hỗ trợ tùy theo góc lái, tốc độ, lực ly tâm. Vật liệu mới giảm tiếng ồn. Hệ thống Sync 2 mới nhất của Ford, phục vụ đến từng khẩu lệnh thiết thực như "tôi đói" (I am hungry). Ranger có thêm ổ cắm sạc 240V cho laptop cũng như các thiết bị điện tử khác.
Bên dưới nắp ca-pô, Ford cung cấp 4 phiên bản động cơ, trong đó bản cao nhất vẫn là loại diesel TDCi 3,2 lít Duratorq, 5 xi-lanh, công suất 197 mã lực, mô-men xoắn cực đại 470 Nm.
Các phiên bản khác bao gồm diesel TDCi 2,2 lít Duratorq 4 xi-lanh công suất 158 mã lực, mô-men xoắn cực đại 400 Nm và phiên bản tiết kiệm cũng với động cơ này nhưng sức mạnh chỉ 129 mã lực. Cuối cùng là bản máy xăng Duratec dung tích 2,5 lít, công suất 164 mã lực, mô-men xoắn cực đại 225 Nm.
Để tiết kiệm nhiên liệu, Ford tích hợp công nghệ start-stop đồng thời chỉnh tỷ số truyền cuối cao hơn. Xe hỗ trợ người lái với nút chuyển cầu điện, khoá vi sai điện tử, cho sức kéo 3.500 kg và sức tải 1.175 kg, hệ thống treo tinh chỉnh.
Cuối cùng là loạt các công nghệ an toàn trở thành thương hiệu của Ranger, bao gồm cân bằng điện tử, kiểm soát hành trình chủ động, cảnh báo lệch làn, cảnh báo va chạm, cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước và sau, cảnh báo áp suất lốp, cảnh báo buồn ngủ, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, xuống dốc, phanh khẩn cấp. Ngoài ra còn có một tính năng khác là hỗ trợ khẩn cấp kết nối với các dịch vụ cấp cứu địa phương khi xảy ra va chạm nghiêm trọng, sẽ tích hợp tùy thị trường.
Ford Ranger phiên bản mới xuất hiện lần đầu tiên tại Bangkok, sẽ bán ra ở Việt Nam cũng như toàn cầu vào cuối năm nay. Ranger khi về Việt Nam là xe nhập khẩu trực tiếp từ nhà máy tại Thái Lan.
Đức Huy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet