Phân khúc mà focus góp mặt là nơi cạnh tranh khốc liệt nhất của thị trường ôtô Việt Nam, bằng những cái tên đình đám như Toyota Altis, Honda Civic và Kia Forte. Sự dung hòa giữa số lượng bán hàng và doanh thu khiến các nhà sản xuất coi đây là nơi không thể đánh mất. Ford có thể bỏ ngỏ mảnh đất Mondeo chứ không thể bỏ Focus. Honda Việt Nam cũng khôn ngoan khi chọn Civic làm sản phẩm chủ lực chứ không phải Accord hay Fit.
Trong cuộc chiến không khoan nhượng, Focus thế hệ cũ gặp nhiều trở ngại. Civic và Altis được hỗ trợ bởi sự ưa chuộng đặc biệt của khách hàng Việt cho xe Nhật. Kia Forte biết rõ xuất xứ Hàn Quốc của mình nên định vị ở mức giá thấp hơn hẳn một phân khúc. Focus bị bủa vây khắp phía.
Ở thế hệ mới, Ford Việt Nam chọn con đường mà bản thân Ford toàn cầu đang áp dụng. Đó là cải tiến toàn bộ Focus theo hướng thiết kế thể thao, tập trung tính năng lái, độ an toàn, những thứ mà xe Nhật thường dè dặt, thậm chí cực đoan tới mức bảo thủ.
Trong chiến lược OneFord, Focus có thiết kế mang tính toàn cầu. Khách hàng Việt Nam sẽ không phải buồn vì xe Mỹ đẹp hơn hay ngược lại. Ngoại hình Focus mang thông điệp thể thao với hốc gió mở rộng, đèn pha tích hợp dải LED bóng bẩy hơn. Bản sedan kéo dài mui xuống phía sau như dòng coupe 4 cửa trong khi đuôi bản hatchback thừa hưởng những nét hợp lý của Fiesta.
Nếu Altis mang chất Á đông, Civic ảnh hưởng lớn từ Mỹ thì Focus lại như sự pha trộn nhiều phong cách. Một chút cơ bắp Mỹ trong thiết kế hốc gió, chút Á đông ở những đường cong trên mui và nét châu Âu ở đèn pha và phần đuôi bản hatchback. Rất khó để nói Focus có hợp mắt người Việt Nam hay không.
Nội thất là cuộc cách mạng của Ford với triết lý "thiết kế tài xế trước khi thiết kế xe". Ford mô phỏng khách hàng điển hình, rồi dựa trên thói quen xây dựng nội thất. Nhờ đó Focus mới tập trung nhiều hơn vào người lái. Cách bố trí nút bấm quen thuộc như máy tính, mặt đồng hồ...
Cụm đồng hồ Focus chứa hàng tá thông tin. Ngoài chế độ "động viên" tài xế lái đúng cách còn có hình mô phỏng chi tiết tới từng vị trí cửa chưa đóng hoặc đèn pha bật hay không. Kính chắn gió có chức năng tán xạ đèn xe đối diện nên hạn chế chói khi bị pha. Nội thất có màu đỏ ấm khi về đêm và cách bố trí đèn đọc sách xung quanh xe, không ở giữa trần như các dòng xe khác.
Bấm nút khởi động, Focus hatchback rung nhẹ. Cách âm ở trạng thái cầm chừng khá tốt, gần như không có tiếng động cơ lọt vào ca-bin. Ghế chỉnh cơ hoàn toàn. Điều hòa tự động hai vùng độc lập. Dàn CD nối với 9 loa và có thêm ổ cắm USB. Thú vị nhất về giải trí trên Focus là hệ thống điều khiển giọng nói, cho phép lựa chọn bài hát, chọn album bằng khẩu lệnh tiếng Anh. Ngoài ra SYNC còn cho phép gọi điện khi kết nối điện thoại với xe bằng bluetooth.
Tính năng lái của Focus vẫn là điểm mạnh so với các đối thủ đến từ châu Á. Vô-lăng thể thao với độ chính xác tốt hơn. Chân ga và phanh có độ đàn hồi và tạo cảm giác thật. Động cơ trên Focus chưa phải là Ecoboost nhưng nâng cấp lên dòng phun nhiên liệu trực tiếp Duratec 2 lít Ti-VCT GDI, công suất 170 mã lực, mô-men xoắn cực đại 200 Nm.
Phiên bản hatchback 5 cửa mang phong cách thể thao với ghế ngồi ôm lưng, tầm nhìn thoáng. Phản ứng chân ga nhạy trong khi hộp số ly hợp kép PowerShift chuyển cấp nhẹ nhàng và chỉ nhìn đồng hồ vòng tua mới phát hiện ra. Với một mẫu xe hạng trung, chế độ thể thao Sport không tạo nên nhiều mới lạ, xe sang số chậm hơn một chút, tạo cảm giác bốc nhưng chưa đủ cho những ai thích tốc độ. Ngoài ra chế độ bán tự động sử dụng hai nút bấm "+, -" trên cần số mà không phải gạt lên-xuống như hầu hết các xe nên gần như chỉ dùng khi đi đèo dốc.
Focus mang tới cho người lái trải nghiệm điều khiển hành trình Cruise Control đầu tiên trong các xe cùng phân khúc lắp ráp tại Việt Nam. Đi đến 80 km/h rồi bấm nút On và nhả chân ga, xe sẽ tự nuôi ga để duy trì tốc độ 80 km/h lúc lên hay xuống dốc. Chạm nhẹ phanh, Cruise Control đưa về chế độ chờ và nhấn nút "reset" để kích hoạt lại. Cách đây 5 năm, điều khiển hành trình gần như vô dụng ở Việt Nam, nhưng với những cao tốc mới như Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình cơ hội thử nghiệm đã nhiều hơn.
An toàn cũng là điều mà Ford nhắc tới nhiều nhất cho Focus. Hãng này tích hợp hệ thống hỗ trợ lùi tự động đầu tiên cho xe lắp ráp. Với chức năng Auto Parking kích hoạt, người cầm lái chạy xe với tốc độ dưới 20 km/h qua một khoảng trống giữa hai xe đủ để Focus "lọt thỏm" với khoảng cách trước và sau xe khoảng 0,5 m. Người lái buông tay khỏi vô-lăng và chỉ thao tác trên chân ga và chân phanh, việc đánh lái sẽ tự động hoàn toàn do Focus điều khiển, một chức năng được đánh giá tiện lợi cho những tay lái "non" khi đỗ xe trong phố.
Tiếp đến là công nghệ tự động phanh. Ở tốc độ dưới 30km/h trong phố và không can thiệp chân phanh, kích hoạt chức năng Active City Stop, Focus tự phanh "dúi" người về phía trước khi khoảng cách với xe phía trước dưới 50 cm. Đồng hồ điện tử trung tâm báo lực phanh trên cả bốn bánh đạt 100% và yêu cầu người cầm lái đạp phanh. Lúc này, khi được can thiệp từ người cầm lái, hệ thống tự động ngắt và nạp lại bộ nhớ cho lần kế tiếp.
Ở các bản cao cấp, trang bị an toàn gồm chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử ESP, sáu túi khí. Với quan điểm thiên về độ an toàn như vậy, Focus xác định mức giá từ 689 triệu đồng tới 849 triệu đồng. Bản cao cấp nhất là sedan 2.0 Titanium. Mức giá này trải khá rộng để khách hàng có nhiều lựa chọn. Thậm chí Focus Titanium có giá còn nhỉnh hơn Altis 2.0 và chỉ thấp hơn bản Altis 2.0RS.
>> Chi tiết Focus hatchback 2.0
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet