Tôi thường đến bệnh viện đông y gần nhà để xông mặt bằng lá thuốc. Ở đó tôi gặp một số chị em đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, chủ yếu là nâng mũi.
Có chị nói rất vui: "Chị vừa đi sửa mũi về, va vào cánh cửa buồng tắm. Thế là chị nghĩ, ối dời ơi, hỏng mất mũi rồi. Nhưng hóa ra không sao. Đấy, phẫu thuật cấu trúc đắt tiền nên tốt thế đấy!"
Thời nay chị em nói về phẫu thuật thẩm mỹ, về việc sửa đi sửa lại các bộ phận trên khuôn mặt mình một cách thản nhiên như thể cơ thể chúng ta là một cái máy có thể tháo ra lắp vào dễ dàng.
Mà chưa cần nói đến phẫu thuật thẫm mỹ, phụ nữ thời nay, với tất cả những vướng bận về son phấn và thời trang, hình như hơi quá mau lẹ trong việc chán ghét cơ thể mình.
Tôi có một cô bạn xinh xắn và giản dị. Bạn tôi không bao giờ trang điểm. Thế nhưng thay vì ở thế chủ động vì luôn sống với bộ mặt tự nhiên như của đứa trẻ khi lọt lòng mẹ, bạn tôi lại bị đẩy vào thế bị động, tự ti vì thường ra đường với khuôn “mặt mộc”.
Thời nay chị em nói về phẫu thuật thẩm mỹ, về việc sửa đi sửa lại các bộ phận trên khuôn mặt mình một cách thản nhiên như thể cơ thể chúng ta là một cái máy có thể tháo ra lắp vào dễ dàng. (Ảnh minh họa)
“Mặt mộc”! Ngôn ngữ bây giờ rất dí dỏm, sáng tạo. Mặt tôi bây giờ không còn là mặt tôi nữa mà là “mặt mộc”. Và các cô gái quen dùng son phấn mỗi khi nói về lựa chọn đi đâu với khuôn “mặt mộc” là như thể đang nói về một quyết định lớn lao. Như thể sống đơn giản, gần với cơ thể mình, gần với tự nhiên giờ đây trở thành một thành tựu. Nếu vậy thì thực sự con người đã xa rời bản thể của mình, cuộc sống đã trở nên quá nhân tạo, quá giả dối rồi.
Cái đẹp dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ
Tuy nhiên nói một cách công bằng, những gì nhân tạo không hẳn là giả dối. Trong trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ, chị em có thể tự tin về sắc đẹp dao kéo đều là nhờ những thành tựu đáng nể của khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ thực sự đã phát triển rất mạnh để thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của con người.
Khoa học công nghệ ngày nay còn có thể làm hơn phẫu thuật thẩm mỹ nhiều. Ví dụ, giữa tháng 9 vừa rồi, truyền thông trong và ngoài nước đưa tin về một thí nghiệm thành công trên chuột mở ra viễn cảnh một ngày nào đó, đàn ông có thể đẻ con mà không cần trứng của phụ nữ.
Thí nghiệm này khiến cho một trang báo hứng khởi giật tít là các nhà khoa học làm phụ nữ trở nên thừa thãi! Tuy có đề cập đến việc thí nghiệm này có thể gây tranh cãi, bài báo không phân tích những phản biện liên quan đến câu hỏi liệu khoa học nên can thiệp đến đâu vào tự nhiên.
Thế mà trước đó không lâu, trong một bài báo khác đưa tin về một khám phá tương tự nhưng mở ra viễn cảnh ngược lại, tức là phụ nữ có thể sinh con mà không cần đàn ông, thì tờ báo này lại dùng một dòng tít thể hiện sự hoài nghi về khám phá của các nhà khoa học và trích dẫn nhiều ý kiến phản đối sự can thiệp thái quá của khoa học vào cơ thể con người.
Nói như vậy là để khuyến cáo các độc giả nữ nên cảnh giác khi tiếp nhận thông tin: Những ứng dụng có thể ảnh hưởng đến danh tính phụ nữ có thể được dễ dàng chấp nhận hơn những gì có khả năng gây tổn hại đến vai trò của đàn ông.
Sự bất cân đối, không hoàn hảo mới là cái gốc của tự nhiên
Quay trở lại vấn đề sắc đẹp, nguyên nhân chính khiến phụ nữ phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng son phấn hay xe xua quần áo là mặc cảm mình chưa đủ đẹp, mình xấu. Thực sự tự nhiên có phân định xấu đẹp không? Hay tất cả chỉ là những giá trị nhất thời mà xã hội con người dựng lên?
Nhiều năm sau tôi gặp lại cô bạn nhỏ giờ đã trở thành một người phụ nữ xinh đẹp, tự tin. Câu chuyện giữa hai chúng tôi tình cờ dẫn đến một câu nói của bạn tôi. (Ảnh minh họa)
Quả thật, trong quan điểm thẩm mỹ của con người về cái đẹp, ta thường thấy một tiêu chí là sự hài hòa cân đối và đây đúng là một đặc tính phổ biến của tự nhiên.
Ví dụ, khuôn mặt người có hai mắt, hai tai chia đều hai bên. Đấy là sự cân đối. Tuy nhiên tự nhiên cũng rất sâu sắc. Nếu nó có một quy luật về sự cân đối để loài người dựa vào đó mà xây dựng nền nghệ thuật và thẩm mỹ của mình, thì nó cũng có một quy luật lớn hơn, cơ bản hơn bao trùm sự cân đối. Đó chính là quy luật về sự không cân đối.
Louis Pasteur, nhà bác học tài năng đã tìm ra vắc-xin phòng dại và được biết đến như là “cha đẻ của ngành vi sinh vật học”, là người đầu tiên đề xuất rằng vũ trụ không cân đối. Ông đưa ra kết luận này sau khi phát hiện ra cấu trúc bất đối xứng của phân tử tinh thể trong lĩnh vực hóa học.
Hiện nay khoa học cũng chưa giải thích được tại sao vũ trụ không cân đối. Tại sao có nhiều vật chất hơn phản-vật chất? Tại sao tất cả các sinh vật trên Trái đất đều sử dụng L-axit amin (axit amin “thuận tay trái”), chứ không phải axit amin “thuận tay phải”?
Cơ thể người nhìn bề ngoài thì cân đối nhưng bên trong thì ngược lại. Các cơ quan đầu não đều được sắp xếp một cách bất cân đối: Tim, dạ dày, lá lách và tuyến tụy nằm bên trái; túi mật và phần lớn của gan nằm bên phải. Hay như phổi trái của chúng ta có hai thùy, trong khi phổi phải có ba.
Trực giác và kinh nghiệm sống cũng có thể dạy chúng ta rằng cuộc sống này làm gì có cái gì hoàn toàn cân đối hay hoàn hảo? Và như vậy thì tại sao chúng ta phải giãy giụa, cố gắng ngoi lên, cố gắng thay đổi mà nhiều khi là trong vô vọng cái không cân đối, không hoàn hảo, cái “xấu” mà cũng chính là cái gốc của chúng ta?
Trả lại sự trong sáng cho tuổi thơ
Hồi cấp 1 tôi có một cô bạn thân. Chúng tôi cùng đi học thêm, cùng đọc truyện tranh, cùng xem phim và thảo luận về trường lớp, phim ảnh. Một lần, trong giờ giải lao, cô bạn tôi hỏi thầy giáo chủ nhiệm một cách hồn nhiên, ngẫu hứng: “Thầy ơi, trong lớp mình bạn gái nào xinh nhất hả thầy?” Thầy chủ nhiệm trả lời rất người lớn và rộng lượng: “Thầy thấy lớp mình bạn gái nào cũng xinh!” Bạn tôi hỏi tiếp: “Kể cả cái Linh hả thầy?”
Khi nghe bạn gái mình ám chỉ rằng mình xấu, cô bé 10 tuổi là tôi lúc đó đã nghĩ gì? Cô bạn tôi không bao giờ biết được rằng câu nói đó đã làm tổn thương tôi như thế nào. Trước đó, tôi chưa bao giờ nghĩ mình xinh hay xấu, chưa bao giờ ý thức về khuôn mặt của mình. Tôi khỏe mạnh và vui vẻ. Vậy thôi.
Nhiều năm sau tôi gặp lại cô bạn nhỏ giờ đã trở thành một người phụ nữ xinh đẹp, tự tin. Câu chuyện giữa hai chúng tôi tình cờ dẫn đến một câu nói của bạn tôi. Bạn tôi nói: “Không hiểu sao ngày xưa tớ nghĩ mình xấu.” Khi nghe bạn tôi nói câu đó, mọi chuyện chợt hiện ra rõ ràng trước mắt tôi và cô bé trong tôi đã thực sự tha thứ cho cô bạn của nó.
Tôi tha thứ vì bây giờ tôi đã hiểu: Bạn tôi cũng chỉ là nạn nhân. Bản năng tự nhiên, nếu có, không quan trọng bằng ảnh hưởng của xã hội con người. Con gái từ bao đời nay đã phải sinh ra và lớn lên cùng những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhân tạo, khắt khe, hời hợt. Những tiêu chuẩn này được truyền đạt qua phim ảnh, sách báo, ca dao tục ngữ hay những lời nhận xét của người này người khác. Những tiểu chuẩn này được dùng để giới hạn phụ nữ, và phụ nữ nhiều khi không biết lại dùng chúng để đánh giá, ganh đua và làm tổn thương nhau.
Bây giờ có lẽ đã quá muộn và cũng không cần thiết để phụ nữ phải thay đổi. Ai thích phẫu thuật thẩm mỹ hay dùng son phấn thì hoàn toàn có quyền làm như vậy. Chỉ có điều chúng ta có thể ý thức về những ẩn ý đằng sau ngôn ngữ. Khi tôi không đánh son thì không phải là tôi đang để “mặt mộc” mà chỉ đơn giản là vì bạn đang “trang điểm” mà thôi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet