Tuy không có sự hiện diện của các nhà thiết kế danh tiếng, nhưng show “Thời trang Việt Nam theo dòng lịch sử” đã thuyết phục khán giả bằng chính sự sáng tạo từ những người trẻ tuổi.
Với chất liệu tơ tằm truyền thống, những gam màu lạnh và sắc màu thiên nhiên vốn có từ thuở trái đất còn sơ khai, các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Rừng xưa của nhà thiết kế trẻ Nguyễn Anh Tú đã mở màn cho đêm trình diễn ấn tượng. Đơn giản, gần gũi như chính cuộc sống người dân Lạc Việt, Rừng xưa lấy ý tưởng từ những chiếc lá cây, với đường cắt mạnh mẽ. Qua đó, con người khoe ra cùng đất trời vẻ đẹp hoang sơ vốn có.
Ngay sau Rừng xưa, sức mạnh Rồng thiêng với những thiết kế chủ yếu từ lông và da, sự kết hợp đồng bộ giữa dây da, áo lông thú đã thể hiện quyền uy lẫm liệt của loài Rồng - hình ảnh ông tổ Lạc Long Quân oai phong, tráng kiện. Người mẫu Vân Anh, một trong số model trình diễn bộ sưu tập Rồng thiêng, nói: “Tôi có cảm giác thật đặc biệt khi được biểu diễn trên đất Tổ, trong trang phục giống như người xưa. Tôi vui mừng khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả”.
14 mẫu thiết kế Tiên nữ lại mang tới một hình ảnh quyến rũ, nhẹ nhàng. Khát vọng vươn tới vẻ đẹp thuần Việt, mong manh mình hạc xương mai của mẹ Âu Cơ được nhà thiết kế trẻ Thu Hoài thể hiện qua những cánh voan mỏng màu sắc gợi cảm, lộng lẫy. Tại phần vai, thay vì để hở, Thu Hoài đắp lên đó chất liệu voan trong suốt, bồng bềnh bên cạnh những cánh hoa nở rộ trong nắng, tạo nên hình ảnh người thiếu nữ đẹp như trong tranh vẽ.
Ấn tượng nhất trong buổi trình diễn phải kể tới bộ sưu tập Thuở hồng hoang của Nguyễn Hương Lan. Nét diễn ngây thơ của những em bé càng làm tăng thêm ý tưởng mà Hương Lan muốn đưa vào các mẫu thiết kế. Với những phụ kiện từ thiên nhiên như dây thừng, dây chão và lá cọ, Hương Lan muốn tái hiện hình ảnh của người Việt thời kỳ hỗn mang. Thuở hồng hoang nhấn mạnh vẻ hoang dã, nét hoang sơ và cơ hội được phô bày sự quyến rũ không qua trau chuốt của người dân Việt cổ. Hình ảnh lá cọ là lời gửi gắm tình cảm của nhà tạo mẫu trẻ này với mảnh đất vua Hùng. “Lá cọ là biểu tượng của vùng đất thiêng. Tôi muốn lồng trang phục của mình vào với thiên nhiên gần gũi, đó cũng là tấm lòng của tôi đối với mảnh đất Việt Trì - cái nôi của văn hóa Việt Nam”, chị tâm sự.
6 nhà thiết kế trẻ đã chung sức để làm ra 18 mẫu thiết kế, với cách cảm nhận khác biệt nhưng cùng chung một ý tưởng trong bộ trang phục Người Việt cổ. Từ những sợi dây thừng thô sơ, những cành lau trắng muốt và hàng chục tấm vải chồng lên nhau trong cùng một trang phục, Người Việt cổ thực sự là những ý tưởng táo bạo. “Tôi muốn tạo nên những thiết kế đơn giản, có thể che giấu khuyết điểm mà vẫn tạo được nét đẹp độc đáo. Ý tưởng khiến tôi thực hiện trang phục chủ đề Người Việt cổ chính là vẻ đẹp của chim công”, Nguyễn Kim Thanh - chủ nhân của 4 mẫu thiết kế - cho biết. Chính vì vậy, trong các thiết kế này, điểm nhấn mà Kim Thanh chọn chính là những sợi lông công sặc sỡ sắc màu.
Cát biển với sắc xanh của biển cả, nâu của đất, đỏ tía của bình minh, tím của hoàng hôn… những màu sắc thiên nhiên hoang dã đã vẽ nên một bức tranh nên thơ. Điểm nhấn trong trang phục là hoa trên ngực áo, trên gấu váy và nét cắt táo bạo… tái hiện nét trẻ trung, năng động, hồn nhiên trong từng suy nghĩ của người dân Việt xưa.
Bộ sưu tập Lửa rừng với gam màu chủ đạo rực đỏ như một thách thức với rừng xanh, chốn nương náu yên bình của con người thuở sơ khai. Đen như màu sắc của đêm, xanh như lá cây rừng, đỏ như lửa thiêng… ba màu sắc tưởng như đối nghịch nhưng lại hòa quyện uyển chuyển, mang lại cảm giác chế ngự rừng xanh, biến rừng xanh trở thành người bạn trong cuộc sống con người.
Lê Bảo
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet