Thức ăn chiên nướng vỉa hè chỉ dùng dầu ăn giá rẻ, còn tái sử dụng nhiều lần
Bất cứ hàng quán vỉa hè này cũng dùng cách này để tiết kiệm mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Do sử dụng số lượng lớn dầu ăn hàng ngày nên nhiều chủ quán chọn cách mua sỉ dầu ăn từ các chợ cho rẻ. Những bọc dầu ăn trong túi nilon, can thùng không rõ xuất xứ, nhãn mác được bày bán nhiều ngoài chợ với mức giá rẻ bằng nửa, thậm chí chỉ một phần ba loại thông thường.
Tại Hà Nội, không riêng ở chợ Đồng Xuân, khách hàng không khó để tìm mua các loại mỡ động vật hoặc dầu ăn không nhãn mác tại các chợ truyền thống như Mỹ Đình, Nghĩa Tân, Thành Công... Mặt hàng này được bán với giá từ 80.000 đồng một can 5 lít. Tức là khoảng 17.000 đồng 1 lít dầu ăn, bằng 1 nửa so với dầu ăn có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng trong siêu thị.
Các loại dầu ăn trôi nổi, không nhãn mác, thậm chí là bọc trong túi nilon được bày bán nhiều tại các chợ ở Hà Nội, TP HCM. Ảnh: Thi Hà. |
Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, tiểu thương ở đây đều cho biết nhập hàng từ các hãng dầu ăn lớn. Tuy nhiên, khi nhìn xuống can sản phẩm này lại ghi nguồn gốc từ một Công ty TNHH dầu thực vật ở quận 8.
Tiểu thương ở đây còn "tư vấn" thêm, nếu mua dầu sử dụng vào mục đích bán hàng, chiên bánh, bột thì loại dầu này là hợp lý nhất vì không hao, giá lại rẻ, chỉ có 24.000 đồng một lít nếu mua lẻ, còn nếu mua với số lượng lớn có thể bớt vài nghìn đồng.
“Các cơ sở bánh bao chiên, hành phi, thậm chí nhà hàng quán ăn cũng ra đây để mua sản phẩm này nên khách hàng cứ yên tâm về chất lượng”, một tiểu thương trấn an.
Để qua mắt lực lượng chức năng, nhiều tiểu thương còn cho vào những chai dầu ăn của các hãng lớn để bán cho khách. Giá cả các sản phẩm này dao động quanh mức 22.000-26.000 đồng một lít, rẻ hơn so với sản phẩm chính hãng bán tại đại lý hay siêu thị 4.000-8.000 đồng.
Dùng dầu ăn không rõ nguồn gốc đã nguy hại, dùng dầu thừa chiên đi chiên lại còn nguy hiểm cho sức khỏe người dùng như thế nào. Lỗi này không chỉ các quán ăn mắc phải mà nhiều bà nội trợ cũng tận dụng dầu thừa để qua đêm để sử dụng lại hoặc dùng dầu thừa để chế biến các món ăn khác như canh, đồ xào…
Qua tìm hiểu, để tái sử dụng dầu ăn người bán hàng dùng vải thô để lọc các cặn bẩn do chiên, rán. Cho dù có lọc kỹ đến đâu cũng không thể hết các mùi cháy, khét, các hóa chất độc hại hòa tan trong dầu thừa…
Tác hại của dầu ăn thừa chiên đi chiên lại
Dầu ăn chiên lại chứa nhiều chất gây ung thư |
Thực phẩm chiên làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa - chất béo transfat. Quá trình chiên kĩ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phẩm phụ gọi là acrylamide. Acrylamide là một khối u chứa chất độc thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não, mà cả đối với hệ thống sinh sản.
Các loại thực phẩm carbohydrate cao như khoai tây dễ dàng sản xuất acrylamide trong quá trình chiên rán. Điều này là lý do tại sao khoai tây chiên, đặc biệt là khoai tây chiên kiểu Pháp bị coi là món ăn nằm trong danh mục các thực phẩm dễ gây ung thư…
Hơn nữa, các đồ ăn như thịt chiên, cá chiên, nem chua chiên như ở Việt Nam khi tiếp xúc với dầu ăn nhiệt độ cao phát sinh các chất cháy khét dễ gây ung thư. Các chất này hòa dầu ăn và tiếp tục bị đun đi đun lại với đồ ăn mới, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn ăn, uống ở những hàng quán có uy tín và chất lượng. Tránh tình trạng hám rẻ ăn bừa, gây nguy hại đáng tiếc cho sức khỏe.
Cũng theo lời khuyên của chuyên gia, thức ăn chế biến bằng chiên, rán nên chọn loại chất béo chịu được nhiệt độ cao như mỡ động vật, dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu lạc. Cần làm nóng mỡ, dầu ăn một cách từ từ, khi đủ độ nóng mới cho thực phẩm vào. Nên tẩm bột bao bọc thực phẩm trước khi chiên. Làm ráo dầu, mỡ chiên trên thực phẩm trước khi ăn. Đối với các khối thịt to, có thể luộc, hấp hay bỏ vào lò vi sóng làm cho chín sơ trước khi chiên.
Hải Huyền (TH)
Phó Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Lê Văn Nhân: Dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần thường chứa rất nhiều chất độc do dầu bị đun sôi ở nhiệt độ cao. Đó chính là thủ phạm gây ra ung thư, kích ứng niêm mạc, rối loạn nội tiết, tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra dầu tái sử dụng còn làm thay đổi mùi và vị thức ăn, tạo mùi khét và vị hơi đắng. Chính vì vậy để tránh những tình trạng trên người sử dụng nên chọn những loại dầu ăn có nhiệt độ sôi (điểm bốc khói) cao như dầu nành, dầu hướng dương, dầu ô-lê-in, dầu gạo hay loại dầu phối của các loại dầu trên để giữ hương vị thơm ngon của thức ăn và bảo vệ sức khỏe.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet