Mới đây, trên mạng xã hội, một tài khoản tên T.Đ.N đăng tải một bài viết tựa đề: Vợ tôi mỗi khi đón con, kèm theo đó là loạt ảnh của cô vợ trẻ ăn vận cực kì điệu đà, nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Bài viết có nội dung cụ thể như sau:
"Vợ mình thuộc tuýp người rất biết yêu bản thân. Và mình cũng hạnh phúc vì có một cô vợ luôn lạc quan, chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình chu toàn. Mặc đẹp với nàng là đam mê, nên đi đón con cũng phải xinh như công chúa ạ".
Được biết, cô vợ trong clip tên là Hà Phạm, quê Tuyên Quang, hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp.
Dưới phần bình luận, một số người phụ nữ nhận xét về việc cô vợ trong bài viết trên có thời gian để ăn diện, chăm chút cho bản thân là do điều kiện kinh tế khá giả, không cần "đầu bù tóc rối" lo chuyện nội trợ, cơm nước.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, lối suy nghĩ trên khá tiêu cực. Vì phần lớn phụ nữ khi sinh ra, họ chẳng cần ai phải dạy dỗ đã có trong mình bản năng làm đẹp một cách tự nhiên và thuần thục. Giống như một bông hoa, không đợi đến khi có người ngắm mới bừng nở. Theo tháp nhu cầu của Maslow, một người phụ nữ chân chính hiểu được việc làm đẹp là thuộc về nhu cầu cơ bản thứ 5 của cuộc sống. Họ tôn trọng bản thân mình bất kỳ khi nào có thể, dù chẳng cần ai đó phải chiêm ngưỡng.
Đoạn clip cô vợ trẻ diện trang phục điệu đà đi đón con nhanh chóng thu hút 2 triệu lượt xem trên Tiktok.
"Cô ấy có điều kiện, có thời gian thì cô ấy trang điểm, mặc váy này giầy kia. Còn chúng ta không có điều kiện như vậy cũng đâu có nghĩa là chúng ta xuề xoà và không xinh đẹp? Thiếu gì các chị giàu xụ ra đó mà vẫn xuề xoà. Mặc gọn gàng, sạch sẽ đã là một nét đẹp. Các chị đi đón con bỏ ra 1 phút thay bộ đồ cho lịch sự, cột cái tóc, thoa ít son cũng chỉ 3 giây. Do bản thân lười biếng, đừng đổ thừa không có tiền, không có thời gian", một tài khoản tên B.U.D bình luận.
Ngày nay, ngoài mối quan hệ xã giao, làm ăn thì mặc đẹp là một nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp. Việc bạn biết cách phối quần áo, làm tóc, trang điểm mang lại nhiều thuận lợi hơn bạn nghĩ. "Một bông hồng đẹp cô độc ở giữa rừng sẽ héo tàn trong thinh lặng, nhưng nếu được tưới tắm và ngắm nhìn, thì nó chắc chắn sẽ bung nở lâu hơn và muôn phần lộng lẫy. Có gì sai khi phụ nữ vẫn mỗi sáng bước ra đường, mặc những bộ váy đẹp nhất, diện những mùi hương tình tứ nhất?", tác giả Bình Trần miêu tả về bản năng làm đẹp của phái nữ.
Dưới phần bình luận, nhiều chị em còn hỏi thăm địa chỉ mua đồ của Hà Phạm.
Trước đó có rất nhiều trường hợp từng bị phàn nàn vì mặc đồ ngủ ra đường. Thậm chí, cũng có không ít phụ nữ bị chê luộm thuộm khi diện đồ ngủ đi đón con. Chị Hồng Hà chia sẻ: "Cùng là phụ nữ, nhưng tôi thấy nhiều cô gái mặc pijama và quần đùi ren mỏng ra đường, tôi cũng thấy khá sốc. Tôi biết ăn mặc là tùy vào sở thích của mỗi người nhưng ở nơi công cộng, mình cũng nên cân nhắc".
Hình ảnh một người phụ nữ mặc đồ ngủ đi đón con bị chê lôi thôi.
NTK Sương Nguyễn chỉ ra lỗi mặc khiến các chị em "mất nhiều hơn được", chủ yếu là do chọn sai chất liệu. "Có một chiếc đầm bằng chất liệu satin, hai dây yêu kiều được các nhà thiết kế đặt cho cái tên là 'sleep dress'. Vì có chữ 'sleep' nên quý cô nhầm lẫn là 'ngủ', mới có chuyện mặc luôn 'đồ ngủ' ra đường. Nhưng các chị em lại chưa phân biệt được chất liệu satin khác phi bóng. Satin sang trọng bao nhiêu thì phi bóng lại bình dân bấy nhiêu. 'Đồ ngủ' thua chị kém em khi từ nhà ra phố với diện mạo nhàu nhĩ mà nhiều người nghĩ là cho tiện, cho mát cùng với mái tóc được túm đuôi gà... như vậy phụ nữ đã thua trắng dưới mọi ánh nhìn", cô nói.
Về phía PSG. TS Trần Thành Nam chia sẻ, ông đã từng đọc một tờ báo về nhận xét của một nhà thiết kế nước ngoài rằng, họ ngạc nhiên khi sang Việt Nam và thấy phụ nữ mặc đồ ngủ ra đường quá nhiều.
"Họ không phân biệt được đâu là đồ ở chốn không gian công cộng, đồ ra chợ, đồ tiện lợi khi ra đường... Đâu đó vẫn còn những người xuề xòa, tâm lý dễ dãi trong văn hóa ứng xử, văn hóa mặc trên quan điểm cá nhân của riêng mình. Phụ nữ mặc đồ ngủ ra đường, cũng như đàn ông thanh niên cởi trần chạy xe máy ngoài đường, tất nhiên sẽ có một gam màu không đẹp. Đó là thiếu ý thức tôn trọng không gian đô thị", ông Trần Thành Nam cho hay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet