(HOCHOIMOINGAY.com) – Có đến 15-30% số người tìm kiếm đồng hồ trên internet là tìm hàng nhái. Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ mỗi năm tiêu tốn hàng tỉ đô-la trong nỗ lực công khai việc tịch thu và tiêu hủy đồng hồ giả. Vậy việc sản xuất đồng hồ giả nghiêm trọng tới cỡ nào và liệu rằng chúng có thể thay thế được đồng hồ thật?
Bản chất của việc làm nháiCác hãng đồng hồ xa xỉ đóng vai trò rất lớn trong việc thu giữ đồ giả bởi họ luôn phối hợp chặt chẽ với quan chức hải quan ở các thị trường lớn. Dù vậy vẫn có rất nhiều đồ giả lọt qua tầm kiểm soát của họ và được bày bán tràn lan trên các cửa hàng, khu chợ đồ nhái.
Điều đó cũng dễ hiểu bởi khi các nhãn hàng đổ tiền vào quảng bá cho sản phẩm của họ trên toàn thế giới, nhiều người sẽ biết đến và quan tâm tới mặt hàng của họ hơn, tỉ lệ thuận với mong muốn có được sản phẩm đó. Khi đó ngành công nghiệp hàng nhái ra đời để đáp ứng nhu cầu các mặt hàng ngoài tầm với của nhiều người. Đó là phương thức đã tồn tại cả ngàn năm với mặt hàng đầu tiên bị làm nhái là “tiền”. Và cũng như vậy, đồng hồ giả tồn tại để đáp ứng mong muốn của những người không có khả năng dùng hàng “xịn” nhưng cũng muốn mang trên mình những biểu tượng cao cấp đó.
Đi dọc những tuyến phố được gọi là “quận hàng giả” của những thành phố lớn như New York, Hong Kong hay Tokyo bạn có thể tìm thấy vô vàn thể loại được làm nhái: Từ chiếc kính râm đến những mặt hàng xa xỉ nổi tiếng đang được mua bán tấp nập. Có nhiều người lo lắng rằng họ có thể mua phải hàng giả thậm chí cả ở những cửa hàng hợp pháp hay được ủy quyền. Tuy nhiên khả năng đó rất hy hữu. Bởi khi bạn tạt vào một tiệm tạp hóa bên đường mua một chiếc đồng hồ với giá 200 USD thì có nghĩa bạn đã biết chúng là hàng giả. Nhưng nếu bạn đến một cửa hàng sang trọng mua chiếc đồng hồ với giá gấp 2-3 lần trở lên, bạn sẽ biết đó là đồ thật.
Góc nhìn của ngành công nghiệp đồng hồVài năm trước một tập đoàn đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ mang tên Fondation de la Haute Horlogerie (FHH) đã bắt đầu chiến dịch quảng cáo với thông điệp “Đồng hồ giả chỉ dành cho những kẻ giả dối” (Fake Watches Are For Fake People). Thông điệp này cho thấy những nỗ lực nghiêm túc của họ thông qua thương hiệu để gây áp lực mua hàng thật đối với người tiêu dùng.
Giám đốc điều hành một thương hiệu nổi tiếng của Thụy Sĩ đã đo thành công hàng năm của tập đoàn bằng cách chỉ ra một số lượng lớn đồng hồ nhái thương hiệu của họ bị tịch thu ở biên giới Thụy Sĩ. Càng nhiều đồng hồ giả được làm, thương hiệu đó càng phổ biến. Đó quả là một cách tiếp cận hài hước đối với vấn đề này bởi tại sao họ lại không lo lắng hơn về điều đó?
Tại sao hàng giả lại trái luật?Sự thật là nhiều người không hiểu tại sao đồng hồ nhái nói riêng hay hàng nhái nói chung lại là phạm pháp. Quay trở lại với chiến dịch quảng cáo của FHH “Đồng hồ giả chỉ dành cho những con người giả dối”. Khẩu hiệu này thực sự đã khơi ra được vấn đề sai trái cốt lõi trong việc làm đồng hồ giả. Bạn sẽ không muốn mình là người mua hàng thiếu khôn ngoan khi mua đồng hồ giả bởi chất lượng của chúng thường rất kém và chưa kể đó là đồ phạm pháp.
Điều ngạc nhiên ở đây là những nghệ nhân làm đồng hồ không hề đăng ký bản quyền những thiết kế của họ. Bạn có thể bảo vệ được những thiết kế dưới dạng bản quyền nhưng những thứ đang “hoạt động” thì cần phải bảo vệ bởi luật sáng chế. Hoặc là bằng sáng chế giờ đây đang bị lãng quên, hoặc là có quá nhiều sự sao chép giữa các thương hiệu khiến không thứ gì giờ đây được gọi là “nguyên bản” nữa. Vì vậy thực chất những gì đồng hồ giả đang làm là copy một cách bất hợp pháp tên thương hiệu và logo cùng những yếu tố khác của công ty mà người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra được là của thương hiệu nào.
Số lượng những chi tiết mà bất kỳ chiếc đồng hồ nào cũng có thể được làm nhái lại một cách hợp pháp là cực kỳ nhiều. Vì thế ngay cả những nhãn hiệu nổi tiếng nhất cuối cùng cũng không tránh khỏi việc trông “na ná” thiết kế của nhãn hiệu khác.
Sự phổ biến của đồng hồ nháiRất nhiều khách hàng không am hiểu về đồng hồ thường có nỗi lo sợ chung là họ sẽ mua phải đồng hồ nhái mà không biết. Vậy liệu bạn có dễ dàng mua phải một chiếc đồng hồ nhái không khi mà bạn chưa xác định được loại đồng hồ bạn muốn? Điều đầu tiên phải thừa nhận là có một lượng website khổng lồ trên mạng bán đồng hồ giả. Đa số chúng đều ở châu Á và họ đều nói rất rõ rằng họ bán đồ giả. Tại sao họ lại có thể cởi mở đến vậy với công việc bán đồ giả? Bởi họ đang chào mua hàng với những người có cùng chí hướng với họ.
Thật không khó để bạn có thể tìm thấy những chiếc đồng hồ giả trên mạng. Càng ngày càng nhiều những trang công cụ tìm kiếm bị ép phải tháo gỡ hay giảm những trang web chào mời hàng giả dưới sức ép của những nhà phân phối chính thống. Nhưng họ vẫn còn rất nhiều cách để chào bán hàng hóa của họ, chẳng hạn như gửi những thư spam đến hòm thư của khách hàng. Và điều đáng lo ngại hơn cả giờ đây lại không phải là tỷ lệ hàng giả trên thị trường mà là những người tiêu dùng sẽ vô tình mua phải hàng giả mà không hề biết.
eBay từng là thiên đường của những cuộc mua bán đồng hồ giả nhưng giờ điều đó đã không còn nữa. Vẫn có thể có những trường hợp hàng nhái được “ngụy trang” thành hàng thật trên phiên đấu giá, nhưng chắc chắn giờ chúng đã không còn phổ biến như trước nữa. Như đã nói ở trên, trường hợp bạn tìm thấy đồng hồ giả ở các cửa hang bán lẻ hợp pháp là cực kỳ hy hữu. Mà cơ hội gần như duy nhất của bạn để mua một chiếc đồng hồ giả ngày nay là thông qua giao dịch với một số người bán tư nhân nói rằng “không biết liệu chiếc đồng hồ đó là giả hay thật”. Điều đó thường có nghĩa đó chính là đồ giả. Và đồ giả chủ yếu là ở trên tay những người biết họ đang đeo đồ giả.
Chất lượngCó lẽ câu chuyện về đồng hồ giả sẽ chỉ dừng lại ở việc nó hợp pháp hay không, nhưng điều tệ nhất đối với chúng lại là câu chuyện về chất lượng bởi có lẽ câu trả lời bạn có thể tìm thấy ở mọi nơi trên toàn cầu. Chẳng hạn như bạn muốn một chiếc Ferrari 200,000 USD nhưng bạn không đủ tiền (hầu như ai cũng vậy). Bạn mê phong cách của chúng, các thông số “quyến rũ chết người” và bộ máy thì chạy êm ru cực kỳ ngọt ngào. Rồi có người muốn chào bán “một chiếc Ferrari nhái cũng tốt như cái thật” với giá 20,000USD. Giờ thì bạn bắt đầu tính toán. 20,000USD là một con số không nhỏ, nhưng so với cái giá ngất ngưởng của chiếc Ferrari thật thì bạn cảm giác như bạn được lời rất lớn trong thương vụ này để có dip được khoe mọi người rằng bạn có một chiếc Ferrari tốt như chiếc thật.
Sau khi bạn có chiếc “Fauxrrari” thì điều đầu tiên bạn chú ý đó là nó có bộ máy bé tí xíu thường hay nhả khói đen và chết máy thường xuyên. Tiếp theo là lớp sơn bắt đầu bong tróc sau 1 tuần. Rồi đến nội thất trong cũng như ngoài, bạn phát hiện ra rằng chất lượng của chúng quá tệ kể cả so với 1 chiếc xe giá 20,000 USD thường. Chẳng bao lâu bạn sẽ nhận thấy chiếc xe giả của bạn là một thảm họa và nó chẳng khác nào một đống sắt vụn giờ đây với bạn. Đó sẽ là cảm giác của những người mua đồng hồ giả sau khi họ quyết định mua chúng.
Đối với người sành đồng hồ, không khó để họ có thể phát hiện ngay lập tức chiếc nào là giả, chiếc nào là thật. Trong trường hợp bề ngoài của chúng quá giống nhau, chỉ cần liếc mắt nhìn bộ máy bên trong là bạn có thể quyết định được. Những chiếc đồng hồ giả thậm chí còn không phải là một bản sao hoàn chỉnh của đồng hồ chính hãng. Những hãng hay được làm nhái nhất thường là những nhãn hàng phổ biến và lớn như Rolex, Breitling, Patek Philippe và Cartier với tên và logo của hãng được in lên những chiếc đồng hồ kinh khủng của họ.
Có thể bạn sẽ lè lưỡi với giá cắt cổ của những chiếc đồng hồ thật , nhưng câu “tiền nào của nấy” trong trường hợp này quả không sai. Số tiền bạn bỏ ra sẽ đảm bảo rằng bạn có những thành phần tốt nhất cho chiếc đồng hồ mà bạn đeo trên tay như: Kim loại, bộ máy, kim, dây đai và dây đeo, một điểm mà đồng hồ nhái không thể với tới được với đồng hồ thật.
Một chiếc đồng hồ giả có giá 100 – 1000 USD sẽ có chất lượng tệ hơn cả những đồng hồ thường có giá tương đương. Chúng được sản xuất công nghiệp bằng máy móc, một kỹ thuật mà giới đồng hồ đã lâu không còn sử dụng.
Hàng nhái và HomageCó một phiên bản hợp pháp của đồng hồ nhái có tên gọi “homage”. Homage là loại đồng hồ được làm giống hết mức có thể so với những chiếc đồng hồ kinh điển nhưng tên hãng và logo cũ không được dùng lại mà thay vào đó là tên của nhà sản xuất “homage”. Một số nhà sưu tập rất yêu thích chúng, số còn lại thì e dè bởi họ cảm thấy chúng quá gần với khái niệm “hàng nhái”. Tuy nhiên chúng hoàn toàn hợp pháp.
Những hãng đồng hồ phổ biến có dòng “homage” là Rolex, Panerai. Còn những kiểu đồng hồ lặn vintage, quân đội hay hàng không đều là những dòng thường được “homage”. Điểm cộng cho những chiếc đồng hồ homage này là chất lượng của chúng cao hơn hẳn so với đồ nhái. Đó là bởi vì họ không cố gắng để sản xuất ra những chiếc đồng hồ chi phí thấp mà họ đang cố gắng làm sống dậy những chiếc đồng hồ thời trước quá khó để tìm lại hoặc chúng không còn được sản xuất nữa.
Chợ “xám” (Grey Market)Gọi là chợ “xám” bởi chúng đứng ở giữa chợ “trắng” (hàng thật) và chợ “đen” (hàng nhái). Người ta vẫn hay nhầm tưởng rằng chợ “xám” bán đồ giả nhưng không phải vậy. Chợ “xám” bán những chiếc đồng hồ chính hãng được bán bên ngoài các cửa tiệm chính hãng hay được ủy quyền. Chúng có thể là hàng đã dùng rồi hay được bán lại từ một người buôn khác. Chợ đồng hồ “xám” không nhất thiết phải trong tình trạng mới nguyên (nhưng đa phần là vậy), bạn cũng sẽ không có sổ bảo hành nhưng chúng không phải đồ giả. Vì thế chợ “xám” hoàn toàn không liên quan gì đến thị trường đồ giả.
Thật hay giả, chiếc nào phù hợp với bạn?Nếu sau tất cả những gì bạn đã biết về đồng hồ giả: phạm pháp, chất lượng cực tồi và làm giảm giá trị của bạn khi đeo nó mà bạn vẫn muốn có thì đó là quyết định của bạn. Bởi bạn chỉ có thể đánh lừa được những người kém hiểu biết, không có một chút kiến thức nào về đồng hồ. Chẳng phải bạn đang muốn chứng tỏ cho mọi người thấy ngược lại điều mà bạn muốn: Bạn luôn dùng hàng thật?
Vì vậy hãy mua một chiếc đồng hồ thật tốt phù hợp với túi tiền của bạn bởi trải nghiệm chúng sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều so với chiếc đồng hồ giả mà bạn biết là nó sẽ sớm ra đi.
mentoday.net theo Trí Thức Trẻ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet