Bước vào tuổi dậy thì, một trong những rắc rối các bé gặp phải chính là tình trạng nổi mụn. Tuy nhiên, các bé, hay nói cụ thể hơn là các bé gái vẫn còn khá bỡ ngỡ, chưa ý thức được việc chăm sóc, đối phó với “mụn dậy thì”. Lúc này, các mẹ sẽ là người kế bên, cùng con “chiến đấu” trước sự tấn công dồn dập của “mụn dậy thì”.
Vậy cụ thể các mẹ cần chuẩn bị gì cho con gái nhỏ trước “mụn dậy thì”? Để tìm câu trả lời, hãy tham khảo ngay những thông tin dưới đây được cung cấp bởi Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Bích Diệp - Trưởng phòng Công tác xã hội - Bác sĩ khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Trước tiên, bắt đầu từ độ tuổi nào các bạn mới lớn phải đối mặt với mụn dậy thì? Nguyên nhân gây ra tình trạng mụn dậy thì là gì?
Theo ThS-BS Đặng Bích Diệp - Bệnh viện Da liễu Trung ương, độ tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 12 đến 20 tuổi. Mụn dậy thì thường bắt đầu vào độ tuổi này. Ước tính tỷ lệ phổ biến của mụn trứng cá ở thanh thiếu niên nằm trong khoảng từ 80 – 85%.
Về nguyên nhân chính dẫn tới xuất hiện mụn ở tuổi dậy thì, bác sĩ giải đáp: “Ở giai đoạn này, sự thay đổi đột ngột (thể chất, tâm sinh lý…) của cơ thể và sự hoạt động mạnh mẽ của hormone giới tính dẫn tới chất bã nhờn tiết ra quá mức, gặp bụi bẩn và vi khuẩn propionibacterium acnes (một loại vi khuẩn gây mụn thường trú trên da) sẽ gây bít tắc lỗ chân lông và sinh nhân mụn.”
Nếu cha mẹ bị mụn trứng cá, khả năng cao là con cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, di truyền và thay đổi hormone không phải là nguyên nhân duy nhất gây mụn mà hơn nữa còn từ môi trường sống và thói quen sinh hoạt. Chẳng hạn như:
- Chăm sóc da không đúng cách: rửa mặt quá nhiều lần, lạm dụng hoặc sử dụng sản phẩm có chứa dầu khoáng, mỹ phẩm kém chất lượng chứa corticoid,...
- Người dùng thuốc chống động kinh, thuốc thận, thuốc ngừa thai hoặc do hội chứng buồng trứng đa nang cũng dễ bị mụn.
- Stress, căng thẳng do học hành, thi cử; ăn nhiều đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, đồ ngọt, uống nhiều trà sữa;
- Môi trường ô nhiễm, khói bụi, nguồn nước không đảm bảo,…
- Các thói quen xấu như sờ, nặn mụn, không vệ sinh khăn mặt, chăn gối, thức khuya... cũng gây ra tình trạng nổi mụn trứng cá.
Sai lầm trong việc chăm sóc da mụn tuổi dậy thì mà các bạn nữ mới lớn hay mắc phải?
Theo ThS-BS Đặng Bích Diệp, các bạn nữ mới lớn thường mắc phải không ít sai lầm trong việc chăm sóc da mụn. Trong đó nhất định phải kể tới là:
- Dùng sữa rửa mặt không phù hợp và không đúng cách: Ở tuổi dậy thì, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, làm da đổ nhiều dầu, tạo cảm giác dính, nhớp nháp. Vì vậy mà các bạn nghĩ nên rửa mặt nhiều lần trong ngày. Điều đó làm làn da mất đi lớp dầu, độ ẩm tự nhiên, từ đó da trở nên nhạy cảm, kích ứng và dễ nổi mụn hơn. Bởi vậy bác sĩ khuyến cáo các bạn chỉ nên rửa mặt 2 lần/ngày (sáng, tối). Nếu cần làm sạch giữa ngày, các bạn có thể rửa mặt với nước sạch bình thường.
- Bôi nhiều loại kem dưỡng da: Hiện tại trên các phương tiện truyền thông có không ít thông tin hướng dẫn chăm sóc, dưỡng da gồm nhiều bước. Tuy nhiên, ở tuổi dậy thì, da các bạn còn khỏe và giàu dưỡng chất, do đó việc chăm sóc, thoa kem dưỡng nhiều là không cần thiết, thậm chí có thể dễ gây bít tắc nang lông và hình thành mụn.
- Thói quen sờ tay lên mặt, nặn mụn: Khi có mụn các bạn hay có thói quen sờ tay lên mặt, tự nặn mụn. Hành động này làm da càng tệ hơn, dễ tạo mụn mủ, sẹo lõm, vết thâm.
- Lựa chọn sai sản phẩm trị mụn: Cảm giác lo lắng, stress khi lần đầu gặp tình trạng mụn trứng cá làm một số bạn có xu hướng muốn tự tìm kiếm các thông tin trên mạng với các lời quảng cáo hiệu quả thần tốc. Các sản phẩm này có thể là kem trộn có chứa corticod. Sau sử dụng thời gian ngắn, mụn có thể giảm nhanh. Tuy nhiên, sau đó mụn sẽ tái phát trở lại, thậm chí nặng hơn, da dễ bị kích ứng, nhạy cảm, hơn nữa còn có nguy cơ để lại sẹo.
Qua đây mới thấy, các bạn nữ mới lớn có thể mắc phải không ít sai lầm trong việc chăm sóc, điều trị mụn dậy thì. Để giúp con cải thiện làn da, các mẹ đừng quên định hướng và nhắc nhở con gái nhỏ về những điều nên và không nên làm khi đối mặt với “mụn dậy thì”.
Bên cạnh trang bị cho con các sản phẩm trị mụn, các mẹ có thể làm gì để đồng hành cùng con gái nhỏ trong việc hạn chế tình trạng mụn?
Theo ThS-BS Đặng Bích Diệp, để đồng hành cùng con trong việc kiểm soát “mụn dậy thì”, bên cạnh việc trang bị cho con các sản phẩm trị mụn, các mẹ hãy tranh thủ cơ hội để chia sẻ với con về chế độ ăn của chúng. Hãy giúp con bạn đặt ra một số giới hạn và mục tiêu nhất định. Chẳng hạn như không quá một bữa thức ăn nhanh mỗi tuần, cắt giảm nước ngọt, thay vào đó là tăng cường ăn rau xanh và hoa quả,... Ngay cả khi không có gì đảm bảo rằng chuyện đó có thể giúp cải thiện làn da của con, việc ăn uống lành mạnh chắc chắn sẽ giúp con cảm thấy khá hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cùng với đó, các mẹ cũng nên cùng con tìm kiếm những lời khuyên hiện tại về việc sử dụng mỹ phẩm. Bởi ở lứa tuổi của con, quan trọng nhất là làm sạch da đúng cách, dưỡng ẩm phù hợp và chống nắng. Hãy giúp con bạn hiểu được việc cân bằng tạp khuẩn trên da đóng vai trò quan trọng như thế nào, và chọn lựa những dược mỹ phẩm thích hợp để làm sạch mụn mà không gây kích ứng da.
Ngoài ra, các mẹ đừng quên giúp con giải tỏa stress. Bởi stress có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến làn da, làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng. Do vậy đừng nên xem nhẹ tác động lâu dài của nó. Động viên con tập thể dục, tập yoga, tham gia các hoạt động tập thể,... để giúp con bình tâm, lạc quan, vui vẻ, tránh những lo âu quá mức là những gì các mẹ nên làm khi con gái cưng đang ở độ tuổi dậy thì.
Khi nào phụ huynh nên đưa con tới gặp bác sĩ về tình trạng mụn dậy thì?
Nếu sau khi đã tự điều trị tại nhà bằng các sản phẩm skincare dành cho da mụn mà không cải thiện sau 3 tháng, hoặc nếu con bạn bị mụn trứng cá vừa hoặc nặng, hãy đưa con tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh các di chứng như vết thâm, sẹo lõm, sẹo lồi về sau.
Phụ huynh cần lưu ý gì khi có dự định đưa con đi điều trị mụn tại các cơ sở y tế?
Theo bác sĩ Diệp, trứng cá là bệnh thường gặp ở lứa tuổi dậy thì, không điều trị gì bệnh cũng có thể tự thoái lui theo thời gian. Tuy nhiên, nếu để bệnh tự thoái lui, các tổn thương mụn viêm có thể lâu khỏi, dễ gây sẹo hơn so với việc điều trị đúng, kịp thời.
Khi tới thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ có thể sẽ cần kê cho con một số loại thuốc trong quá trình điều trị. Không có một loại thuốc hay sự kết hợp các thuốc nào là phù hợp nhất. Bác sĩ có thể chỉ định một vài loại thuốc khác nhau cho đến khi tìm được thuốc phù hợp nhất với trường hợp bệnh nhân cụ thể. Thuốc điều trị mụn mới dùng có thể gây kích ứng da, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Diệp, quá trình điều trị tấn công và duy trì có thể kéo dài nhiều tháng. Vì vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con để con yên tâm hợp tác trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa mà các mẹ nên lưu ý là lựa chọn những cơ sở điều trị mụn có uy tín với các bác sĩ có chuyên môn, tay nghề để con có được một kết quả điều trị tốt nhất. Hiện nay, trên thị trường tồn tại không ít cơ sở làm đẹp kém chất lượng, hoạt động khi không có chuyên môn, kinh nghiệm. Việc thực hiện trị mụn tại các cơ sở này có thể làm tình trạng mụn chẳng những không thuyên giảm mà còn ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet