- Từng là sinh viên Đại học kiến trúc, điều gì khiến anh rẽ sang thiết kế thời trang?
- Tôi là sinh viên khoa Mỹ thuật công nghiệp - Đại học Kiến trúc TP HCM. Thật sự tôi đã muốn thi vào khoa Thời trang Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhưng thi không đỗ nên học ngành đồ họa của Đại học Kiến trúc, mặc dù không thích lắm. Rẽ sang thiết kế thời trang là tôi muốn nắm bắt cơ hội.
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí. Ảnh: Thời Trang Trẻ. |
- Khi quyết định, anh đã nhìn thấy cơ hội gì, khi trong tay anh không hề có cả chuyên môn lẫn tiền bạc?
- Tôi thích thời trang từ ngày bé. Giữa hai ngành đồ họa và thiết kế thời trang cũng không có gì quá cách biệt. Tôi nhìn thấy con đường thăng tiến được rút ngắn nếu bắt đầu với thời trang.
- Kiến thức ngành đồ họa giúp gì cho công việc thiết kế thời trang?
- Ngành đồ họa giúp tôi có một cái nhìn tổng thể khá tốt, áp dụng hiệu quả vào thiết kế thời trang.
- Bất cứ người nào làm công việc sáng tạo cũng phải luôn tìm cách để vượt lên chính mình. Anh làm thế nào để những bộ sưu tập sau không là bản sao của bộ trước?
- Cảm xúc dù thế nào đi nữa thì cũng khó lặp lại một cách giống nhau.
- Anh nghĩ gì về thời trang Việt Nam hiện nay?
- Thời trang Việt Nam đang là một bàn tiệc với nhiều loại thức ăn.
- Khi một ca sĩ đặt hàng một bộ trang phục, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?
- Ca sĩ đó là ca sĩ nào. Sau đó, tôi sẽ gạch ra những đầu dòng tiếp theo như đó là ca sĩ mới hay đã có tên tuổi, họ thường hát dòng nhạc nào, phong cách trước đây là gì và hiện tại có muốn thay đổi hay không.
- Đã bao giờ anh gặp sự cố - thiết kế xong nhưng ca sĩ không ưng?
- Chuyện đó dĩ nhiên là có nhưng không thường xuyên.
- Giá một bộ trang phục cho ca sĩ của anh có khi lên tới 3.000 USD. Dựa vào đâu mà anh phát giá cao vậy?
- Đó là sự thật. Tuy nhiên, 3.000 USD không phải là giá ảo. Ví dụ, đối với bộ trang phục của Hồ Quỳnh Hương, tôi phải sử dụng 100% hạt pha lê của Italy và lông vũ nhập ngoại. Và cũng cần phải nói một điều là những bộ trang phục như thế không phải thường xuyên.
- Có một nghịch lý là những người kiếm được nhiều tiền lại cũng là những người không có thời gian để tiêu tiền. Anh thì sao?
- Tôi vẫn đang ngoài vòng nghịch lý đó. Để nổi bật thì phải biết cách tồn tại hơn mức tồn tại. Ai cũng phải lao động để sống nhưng mỗi người có một cách thức, mức độ lao động khác nhau. Tồn tại hơn mức tồn tại nghĩa là phải lao động miệt mài hơn, cật lực hơn bình thường.
- Rất nhiều nhà thiết kế Hà Nội có tài nhưng không thể phát triển thành thương hiệu mạnh. Theo anh, cần có những yếu tố gì?
- Phải có môi trường làm việc. Môi trường tạo điều kiện cho mình cọ xát, từ đó mới rút ra được những kinh nghiệm, đúc kết cho bản thân trong việc xây dựng thương hiệu. Hà Nội đúng là có nhiều người tài năng nhưng lại không có được môi trường hoạt động nghệ thuật dày đặc như TP HCM. Tất nhiên, môi trường cũng chỉ là một yếu tố, nhưng là yếu tố quan trọng.
- Giả sử chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp, anh nghĩ mình sẽ thành công đến mức độ nào?
- Dù có lập nghiệp tại Hà Nội hay quê hương mình, tôi cũng cố gắng tồn tại một cách nổi bật. Vấn đề là bản thân có xác định được tiêu chí và lý tưởng sống. Nếu xác định được thì ngay trong tổ dân phố, trong thôn xóm, mình vẫn có thể nổi bật.
(Theo Thời Trang Trẻ)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet