“Công nghiệp ô tô Việt Nam trong quá trình phát triển vẫn còn nhiều non trẻ. Nó cũng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có chính sách thuế phí đóng vai trò quan trọng – hoặc khuyến khích hoặc kìm hãm sự phát triển. Hiện này, ngành ô tô muốn phát triển nhưng đang bị kìm hãm”, ông Đỗ Hữu Hào – Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam nói.
Chưa có tiếng nói chung
Công Nghiệp ô tô VN đang bị kìm hãm
Nhận định thuế và phí có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp và thị trường ô tô, ông Michael Berhrens – Chủ tịch kiêm TGĐ Mercedes-Benz Việt Nam cho rằng, các chính sách về thuế, phí của chúng ta luôn biến động từng năm cũng là yếu tố làm thị trường ô tô giảm sút trong thời gian qua. Vậy nên, Việt Nam cần có chính sách minh bạch hơn về các loại thế và phí để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Cùng quan điểm đó, ông Trần Tấn Trung - đại diện nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam cũng cho rằng, chính sách thuế ô tô mỗi năm thay đổi 3 lần thì không thể tạo ra một ngành công nghiệp ô tô ổn định và phát triển.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên - TGĐ Vinaxuki, nhiều bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính chưa có quan niệm cần phát triển ngành công nghiệp ô tô. Ông Huyên đưa ra ví dụ: “Nhà nước có chính sách ưu đãi những DN tham gia nội địa hóa sản phẩm nhưng Vinaxuki không được hưởng chế độ ưu đãi nào dù đầu tư nhiều máy móc, thiết bị để nội địa hóa ô tô đến 56 – 58%”. Ông Huyên bức xúc: “Chiến lược phát triển được Bộ Công thương đưa ra thì đúng nhưng Bộ Tài chính lại đưa ra các loại thuế, phí để kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô”. Ông Huyên cũng đưa ra nhiều bất cập trong việc đánh thuế và phí đối với ô tô như: phí đường, phí đỗ xe của các loại xe có dung tích 4.0 và 1.0 như nhau là không hợp lý, đánh thuế và phí phải phân biệt giữa công suất xe, mức thuế phải phù hợp với tỷ lệ nội địa hóa của xe...
Ông Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến công nghiệp ô tô, trong đó thuế và phí tác động rất lớn. Sau 15 năm các DN ô tô nước ngoài vào Việt Nam, thuế luôn luôn thay đổi nhưng không phù hợp với quá trình phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Theo ông Hào, hầu hết các liên doanh ô tô khi vào Việt Nam khi Việt Nam chưa gia nhập WTO. Đến khi Việt Nam gia nhập WTO thì không bắt buộc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với DN, tuy nhiên Bộ Tài chính phải có chính sách thuế và phí khuyến khích nội địa hóa sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Nên áp dụng “phí lưu hành trong thành phố”
Theo ông Andreas Klingler - TGĐ Porsche Việt Nam, Việt Nam đã từng có một loạt các biện pháp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, dù có nhiều sự trông đợi và ưu đãi nhưng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã không thành công. Thực tế, trong khi toàn bộ thị trường ô tô thế giới đang tăng gần 30% và chỉ riêng thị trường châu Á thậm chí tăng đến 40% nhưng thị trường ô tô Việt Nam lại liên tục suy giảm từ năm 2010 đến nay. “Điều này là đáng báo động và không thể hiện sự phát triển “lành mạnh” của nền công nghiệp ô tô trong một thị trường đang nổi lên”- ông Andreas Klingler nhận định.
Đưa ra hai lý do chính để giải thích cho hiện tượng trên, ông Andreas Klingler cho rằng, lý do đầu tiên là giá ô tô ở Việt Nam rất đắt. “Việt Nam là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới nếu bạn muốn sở hữu một chiếc xe hơi và đồng thời cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua theo đầu người. Cho dù có những cam kết với WTO về việc giảm dần thuế nhập khẩu và nhiều loại thuế khác nhưng trên thực tế thuế và phí liên quan đến ô tô đang tăng, vì vậy các loại xe hơi vẫn đắt lên theo năm” - ông Andreas Klingler cho biết.
Nguyên nhân thứ hai khiến ngành công nghiệp và thị trường ô tô chưa phát triển được là do cơ sở hạ tầng được cải thiện chậm. Việt Nam có dân số gần 90 triệu dân và một lượng bãi đỗ xe theo ước đoán chỉ dành cho 750 nghìn ô tô, nghĩa là chỉ 8 xe cho 1.000 người. Hiến kế để có thể dung hòa giữa sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, đồng thời giảm tắc nghẽn giao thông, ông Andreas Klingler cho rằng, ở thời điểm hiện tại Việt Nam có thể kiểm soát sự tắc nghẽn trong thành phố bằng cách áp dụng “phí lưu hành trong thành phố” đối với ô tô cần vào trung tâm thành phố. Nhờ đó Việt Nam có thể có khoản thu cần thiết để cải thiện nhanh cơ sở hạ tầng và vẫn thu hút được đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.
Thuế và phí khiến khách hàng luôn phải băn khoăn khi “tậu” ô tô.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet