Sau 11 năm duy trì phiên bản cũ, cuối cùng hilux mới cũng xuất hiện. Hàng loạt thay đổi quan trọng khiến chiếc bán tải cỡ trung của Toyota trở nên hợp thời hơn. Nổi bật nhất là việc cho ra mắt phiên bản động cơ mới mã GD có dung tích xi-lanh nhỏ hơn, 2.4 và 2.8 nhưng cho công suất cao hơn, sức kéo tốt hơn và mô-men xoắn đạt tối đa ở ngưỡng sớm hơn…
Nhưng đó là câu chuyện của Hilux tại thái lan .
Còn tại Việt Nam, tháng 10/2015, Toyota Việt Nam giới thiệu Hilux mới với động cơ dầu cũ 2.5 và 3.0 nghiên cứu từ những năm 1990 và ra mắt lần đầu tiên năm 2000 tiêu chuẩn Euro2. Chưa kể Hilux là đứa con cá biệt của Toyota tại Việt Nam. Trong lúc Vios, Fortuner hay Innova tận dụng thành công sức mạnh thương hiệu để nằm ở top mỗi phân khúc thì Hilux lại nằm khá sâu trong dòng bán tải. Toyota có lẽ phải làm nhiều hơn nữa để tạo nên vị thế mới trước sức ép quá lớn từ Ford Ranger.
Những cải tiến phần nào đang đúng hướng, dù mục tiêu 300 xe mỗi tháng vẫn chưa đạt được.
Hệ thống treo và khung sườn làm mới hoàn toàn. Treo trước độc lập với tay đòn kép, treo sau dạng lá nhíp kết hợp với thiết diện khung sườn tăng thêm 20 mm, số lượng mối hàn cũng nhiều hơn giúp tăng khả năng chịu tải của xe. Trong khi treo của Ranger thì phức tạp hơn với treo trước độc lập, tay đòn kép có lò xo trụ và ống giảm chấn. Treo sau loại lá nhíp nhưng được trang bị thêm ống giảm chấn giúp tăng độ bền khi chịu tải lớn, đồng thời cho cảm giác êm ái hơn khi ngồi trong cabin.
Nhưng nếu thử trải nghiệm Hilux, nhiểu cảm quan tiêu cực bị xóa bỏ. Ba ngày chạy bản cao cấp nhất Hilux 3.0G động cơ 4 xi-lanh, dung tích 3 lít 161 mã lực, sức kéo 360 Nm và hộp số tự động 5 cấp, sẽ nhận ra nhiều lý do để Toyota Việt Nam định giá Hilux cao hơn các đối thủ.
Gần 50 năm tồn tại, Hilux chưa bao giờ sở hữu từ ‘sang trọng’. Hilux thuần chất là một chiếc xe tải. Nhưng ở thời đại mới của pick-up, Toyota giúp Hilux gần hơn một chút tới tính từ này.
Khoang nội thất trên phiên bản mới ngập tràn những tính năng giải trí, vô-lăng đầy đủ không thiếu nút bấm nào. Giao diện giuy không có màn DVD như ở Thái Lan, nhưng đầy đủ các kết nối bluetooth, AUX, USB... với 4 loa cánh cửa và hai loa tweeter trên cột A.
Điều hòa tự động với cửa gió điều hòa cho hàng ghế 2. Ghế da chỉnh điện, toàn bộ cửa kính một chạm lên và xuống... Thay đổi không chỉ nội thất, mà còn ở cảm giác lái và hơn hết là sự êm ái trong cabin.
Nếu như Hilux cũ bị chê ồn không khác gì xe tải, thì ở Hilux mới, hàng loạt tấm cách âm được trang bị. Kết cấu khung gầm mới, bổ sung các biện pháp ngăn chặn và hấp thu tiếng ồn như vật liệu cách âm khoang động cơ, hốc bánh xe, nắp ca-pô, cánh cửa... Nếu không vượt ngưỡng 100 km/h, ít ai nghĩ rằng đang cầm lái một chiếc bán tải. Còn khi cao hơn, tiếng ồn động cơ rõ hơn, gió cũng nhiều lên bởi pick-up không được ưu tiên về khí động học.
Hệ thống treo mang lại phản ứng bất ngờ cho hành khách, dẫu xe không có tải phía sau thùng. Trên đường cao tốc, với tốc độ đều đặn 80 km/h, cảm giác lái Hilux nhàn nhã như một chiếc SUV. Vô-lăng phản ứng linh hoạt, chuyển làn không cho cảm giác bồng bềnh hay khó kiểm soát. Đi qua những gờ giảm tốc hay mô cầu, thân xe cứng vững, không có hiện tượng văng đuôi thường thấy của dòng xe bán tải. Khối động cơ thế hệ cũ tĩnh lặng, lầm lì đáng ngạc nhiên…
Hilux là mẫu xe bán tải có quá khứ đáng tự hào ở khả năng việt dã, tải nặng, bền bỉ và dễ sửa chữa. Nhưng trong thời đại mới, khi dòng xe bán tải đã không còn là chính mình, bất kể đối thủ nào cũng phải thức thời, nếu không muốn là kẻ rời bỏ cuộc chơi. Còn Toyota vẫn vậy, vẫn chọn cách xây dựng thương hiệu ít đột biến, không đao to búa lớn nhưng cẩn trọng.
toyota hilux thế hệ mới được bán ra tại Việt Nam với ba phiên bản, mức giá từ 693 triệu đồng đến 877 triệu đồng. Toyota bổ sung thêm màu cam bên cạnh những màu trung tính đen, bạc và xám.
Quang Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet