Phẫu thuật thẩm mỹ đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết đối với những ai mê làm đẹp. Nó như một phương thức diệu kỳ giúp phụ nữ xóa bỏ được những điểm chưa hoàn hảo của mình. Thế nhưng phẫu thuật như thế nào, phẫu thuật ở đâu, sẽ có những biến chứng gì, trước khi phẫu thuật cần làm những xét nghiệm gì…thì rất ít người quan tâm. Có lẽ bởi vậy nên số ca tử vong và gánh chịu hậu quả nặng nề từ phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng. Thậm chí những chuyện đau lòng ấy xảy ra chỉ do một tiểu phẫu nhỏ trong làm đẹp như: nâng mũi, cắt mí hay xăm môi. Vậy nguyên nhân là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những cái kết không đẹp khi đi làm đẹp. Một trong số những nguyên nhân ấy là:
Do nguyên liệu, chất liệu không đảm bảo
Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc rồi bị dị ứng, da nổi mẩn, lở loét đã gây khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như đời sống của bạn. Vậy nếu một chất liệu không đảm bảo được đưa vào cơ thể bạn sẽ có những phản vệ rất mạnh từ các cơ quan chức năng trong cơ thể như thế nào.
Về chất liệu, nguyên liệu trong phẫu thuật thẩm mỹ thì đa dạng không kém gì những mỹ phẩm làm đẹp thượng vàng hạ cám bán trên thị trường. Có thể không khó để tìm mua những lọ mực để xăm mắt, xăm môi…với giá chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho 10ml mà không ít những trung tâm thẩm mỹ hiện đang sử dụng. Hay những túi độn silicon, chất làm đầy, làm căng da mặt không qua kiểm duyệt chất lượng vẫn được nhiều nơi tin dùng. Tất cả những yếu tố này đều tiềm tàng sự nguy hại đến cho người sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
Xiao Lian, đến từ tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Một cô gái mới 24 tuổi nhưng sau khi tiêm chất làm đầy vào da, cô đã trở thành một bà lão.
Hình ảnh của cô khi chưa phẫu thuật thẩm mỹ và bây giờ.
Do dị ứng, nhiễm trùng
Các phương pháp phẫu thuật đều đòi hỏi sự chính xác rất cao trong quá trình thực hiện bởi các bộ phận trong cơ thể đều rất nhạy cảm. Do đó, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến dị ứng, kích ứng, viêm tấy, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng… Không những thế, nó còn làm lây nhiễm các căn bệnh qua đường máu, thậm chí còn có thể dẫn đến loét hoại tử và nhiều ảnh hưởng khác như đau nhức, sưng tấy, bầm tím, gây khó khăn khi cử động kèm theo một vài triệu chứng cảm cúm… Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động và đời sống hàng ngày.
Nguy cơ nhiễm trùng từ việc phẫu thuật thẩm mỹ là không ít.
Do gây mê, gây tê
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó đặc biệt nhất vẫn là thủ thuật gây tê và gây mê.
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội cho biết: “Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai thủ thuật được quan tâm nhiều nhất đó chính là thủ thuật gây tê và gây mê. Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê thì phải làm ở bệnh viên có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Mặc dù sốc phản vệ ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân nào gặp phải mà không được hồi sức cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao. Bởi sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến trụy tim mạch, nên rất nguy hiểm”.
Việc gây mê, gây tê sẽ rất nguy hiểm nếu bạn không chọn nơi làm phẫu thuật có đầy đủ trang thiết bị y tế.
Bất kì cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng cần có bác sĩ gây mê, dù đơn giản nhất. Trước khi phẫu thuật cần thử thuốc trước, đồng thời khai thác tiền sử bệnh nhân xem bệnh nhân có dị ứng hay không. Nếu bệnh nhân có cơ địa dị ứng nên thận trọng cần được xử lý kịp thời bởi đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ.
Do tiền sử bản thân đã có bệnh án
Có nhiều người có tiền sử bệnh như máu không đông, bệnh lý tim mạch, huyết áp cao nên khi tiêm thuốc vào cơ thể sẽ có những phản ứng mạnh. Cả người đi làm đẹp và bác sĩ nhiều nơi vẫn còn chủ quan không kiểm tra thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật. Cũng vì lý do này mà không ít những trường hợp đau lòng đã xảy ra. Vậy nên, để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe và sự an toàn của bản thân, khi bất kì tiến hành cuộc phẫu thuật nào bạn cũng nên có một qui trình kiểm tra sức khỏe thận trọng.
Không nên giấu bệnh khi đi phẫu thuật. Nên yêu cầu bác sĩ làm các xét nghiệm đầy đủ cho mình trước khi tiến hành 'cuộc dao kéo'.
Dưới đây là lời khuyên dành cho những độc giả đang có ý định đụng đến 'dao kéo' để làm mới mình:
- Chọn nơi phẫu thuật thẩm mỹ có đủ điều kiên, trang thiết bị máy móc, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và tay nghề cao. Tốt hơn hết bạn hãy chọn những bệnh viện lớn, nơi có nhiều kinh nghiệm về phẫu thuật tạo hình.
- Tìm một chuyên gia thẩm mỹ có cùng quan điểm với bạn về cái đẹp và không đề xuất thực hiện nhiều phẫu thuật liên tiếp.
- Không nên trông chờ quá nhiều vào việc biến đổi hoàn toàn bản thân. Nên đặt vấn đề an toàn cho sức khỏe bản thân lên hàng đầu.
- Thực sự hiểu nguy cơ từ ca phẫu thuật mang lại (chết, bị thương, thất bại) và nghĩ về hậu quả đó trong thời gian ngắn, cũng như lâu dài, vì phẫu thuật thường không đảo ngược được. Đưa ra quyết định trong trạng thái cân bằng, đừng vội vã.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet