Giống như đồng hương Renault, Citroen chọn hình thức nhập khẩu. Nơi đặt showroom đầu tiên là TP HCM. Các thông tin khác vẫn chưa được tiết lộ.
Sự có mặt gần như đồng thời của hai thương hiệu xe Pháp chứng tỏ Việt Nam đang là thị trường giàu tiềm năng với tất cả các nhà sản xuất, từ Pháp, Đức, Anh, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Để đối phó với chính sách thuế thay đổi liên tục và khả năng thu hồi vốn cao, các thương hiệu mới thường chọn hình thức phân phối xe nguyên chiếc.
Mẫu xe hạng nhỏ Citroen C3. Ảnh: Citroen. |
Về thị trường, ông Xavier Casin, Giám đốc điều hành AMV, nhà phân phối Renault tại Việt Nam nhận định: "Tôi không biết doanh số xe hơi ở Việt Nam đi theo đường thẳng hay đường cong. Nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ tăng".
Và đó là nguyên nhân khiến các thương hiệu dù chưa được biết đến cũng cố gắng tìm kiếm thành công.
Citroen khai sinh năm 1919 do André Citroën sáng lập. Đây là nhà sản xuất xe hơi quy mô hàng loạt đầu tiên ngoài nước Mỹ. Citroen cũng là công ty sáng tạo ra phương pháp kinh doanh bằng mạng lưới đại lý có chức năng bán hàng kèm dịch vụ. Nhờ đó, chỉ 8 năm sau ngày thành lập, Citroen nhanh chóng trở thành hãng ôtô lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến 1976, Peugeot thâu tóm Citroen để thành lập tập đoàn mang tên Peugeot Citroen PSA. Theo doanh thu năm 2009, Peugoet Citroen PSA hiện là tập đoàn ôtô lớn thứ hai châu Âu (sau Volkswagen) và thứ sáu thế giới.
Doanh số của riêng Citroen năm 2009 là 1,3 triệu chiếc.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet