Về cơ bản, cả hai phương pháp này đều làm giảm hiện tượng ảnh bị nhòe do người sử dụng cầm máy không chắc hoặc tốc độ chụp quá chậm ở điều kiện khó. Chống rung (ký hiệu vr trên các dòng của nikon hay IS của Canon) có thể giúp người dùng chụp với tốc độ chậm hơn từ 2 đến 4 bước so với thông thường mà vẫn không bị nhòe ảnh.
Hình ảnh mô tả chống rung trên ống kính (trái) và chống rung trong thân máy (phải). Ảnh: Nikon. |
Chống rung trong ống kính là phương pháp dịch chuyển một thấu kính theo hướng ngược lại với hướng chuyển động nhằm triệt tiêu phần ánh sáng bị lệch khi đi vào cảm biến do bị rung. Trong khi đó, chống rung trên thân máy lại sử dụng chuyển động của cảm biến để thực hiện công việc này.
Trong một thông tin mới nhất được Nikon đăng trên trang web của mình, hãng máy ảnh Nhật Bản đã đưa ra một số lý do giải thích về việc tại sao chống rung trên ống kính hiệu quả hơn so với trong thân máy.
Đầu tiên, chống rung trên ống kính sẽ giúp hình ảnh tới khung ngắm là hình ảnh đã qua xử lý nên người dùng có thể dễ dàng theo dõi bố cục đúng như hình ảnh thu được trên cảm biến. Trong khi đó, chống rung trên thân máy thì ánh sáng qua khung ngắm vẫn chưa được xử lý.
Với kiểu chống rung trên ống kính, thành phần thấu kính phía trong sẽ thực hiện động tác dịch chuyển để giảm thiểu rung lắc. Ảnh chụp màn hình. |
Thứ hai, chống rung trên thân máy phải làm sao để tối ưu cho tất cả các ống kính trong khi đó đặc điểm đối với mỗi loại khá khác nhau đặc biệt là về tiêu cự hay khẩu độ mở tối đa. Chống rung trên ống kính sẽ giúp nhà sản xuất tối ưu hơn về hiệu năng khi sử dụng.
Thứ ba, hình ảnh và thông tin mà cảm biến đo sáng và lấy nét tự động thu được trong trường hợp chống rung trên ống kính đã được qua xử lý nên sẽ giúp máy bắt nét nhanh và chính xác hơn so với cách còn lại.
Cuối cùng, các ống kính có tiêu cự dài bị rung khi chụp sẽ cho hình ảnh mờ khác khá nhiều so với loại có tiêu cự ngắn vì vậy chống rung trên thân máy sẽ khó đáp ứng được cả hai trường hợp này.
Hoài Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet