Cây trôm có tên khoa học là Sterculia foetida, là loại cây thân gỗ. Đây là một cây với lá chẻ ra hoa có mùi hôi ít. Loài này có nguồn gốc tự nhiên ở vùng nhiệt đới trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Miến Điện, Indonesia, Malaysia, Panama, Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Philippines, Senegal, Sudan và Việt Nam. Nó có thể được trồng ở các khu vực nhiệt đới khác. Còn mủ trôm, hay còn gọi là nhựa trôm, là dịch tiết ra từ cây trôm. Nhựa trôm là một hợp chất cao phân tử, khi thủy phân sẽ cho ra các phân tử đường và acid. Nhựa trôm còn chứa nhiều khoáng tố như calcium và muối magiê. Mủ trôm có màu trắng, dạng thạch đặc, vón thành từng cục như sương sa.
Cây và nhựa mủ trôm.
Theo nghiên cứu khoa học, mủ trôm chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Những tinh chất này được cho rằng sẽ giúp làm đẹp da. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đến nay kiểm chứng rằng mủ trôm trắng da hiệu quả mà không ảnh hưởng gì đến làn da của người sử dụng. Tuy vậy, nhiều kem trộn mủ trôm vẫn được quảng cáo tràn lan với các tính năng đa dạng như: trị nám, trị mụn, tàn nhang, dưỡng trắng da thần tốc trong 2 đến 7 ngày… Kem mủ trôm có giá khá rẻ, gây bong tróc da nhanh vì thế người dùng sẽ nhanh chóng thấy da mặt mình trắng hồng chỉ sau một thời gian ngắn. Có lẽ cũng vì vậy mà sản phẩm này được người tiêu dùng truyền miệng và nhanh chóng gây nên cơn sốt về làm đẹp trong thời gian qua.
Nhiều chị em truyền tai nhau hiệu quả trắng da trị nám thần kì của mủ trôm.
Tuy nhiên, rất nhiều người dùng sản phẩm kem mủ trôm để dưỡng trắng da khiến tình trạng da mặt họ bị bào mòn nghiêm trọng, mỏng dần, da bị lão hóa nhanh chóng, nhiều trường hợp mặt bị biến chứng, sưng phù, nổi mụn. Nhiều bác sĩ cho rằng, trong kem mủ trôm có thành phần corticoid gây bào mòn da, teo da, khiến da bị lão hóa nhanh chóng rất nguy hiểm.
Không ít những trường hợp mặt sưng phù nề, da bong tróc vì dùng mủ trôm mua trôi nổi ngoài thị trường.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp da bị tổn hại vì dùng mủ trôm trị nám da không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, mấy năm nay, đơn vị thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp dị ứng do sử dụng kem mủ trôm để trị nám và làm đẹp da. "Da mặt là vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Các biểu hiện dị ứng ở da mặt cũng thường có xu hướng diễn biến dai dẳng, hay tái phát, có thể để lại vạt thâm, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Do đó, chị em khi sử dụng các loại mỹ phẩm lạ trên da mặt, đặc biệt là kem mủ trôm, cần thận trọng, nên thử bôi trước tại vùng da mỏng ở mặt trong của cẳng tay, theo dõi 48-72 giờ, nếu không xảy ra phản ứng như nổi bọng nước, ban đỏ, phù nề lan tỏa… mới nên sử dụng trên mặt", bác sĩ khuyến cáo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet