Những người lái xe chuyên nghiệp luôn tạo cho mình thói quen điều chỉnh ghế ngồi trước khi khởi hành. Có một số nguyên tắc điều chỉnh ghế lái và gương chiếu hậu để không bị mệt mỏi khi lái và phản xạ kịp thời trước các tình huống khẩn cấp trên đường. Tuy đây là vấn đề rất căn bản nhưng rất nhiều tài xế lại xem nhẹ, đôi khi gây ra hậu quả đáng tiếc.
Sau đây, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm về các cách điều chỉnh ghế lái và gương chiếu hậu đúng cách:
1. Khoảng cách ghế ngồi
Điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi sao cho chân có thể đạp hết ga và phanh mà không cần phải rướn. Ở tư thế lái, chân hơi chùng, đầu gối không được chạm đến điểm thấp nhất của táp-lô.
2. Độ ngả lưng ghế
- Khoảng cách lý tưởng từ ghế tới vô-lăng: trước tiên đặt lòng bàn tay lên điểm 12 giờ của vô-lăng và duỗi thẳng cánh tay. Khi đó lưng của người lái phải sát với ghế hết mức.
- Đặt 2 tay lên vô-lăng ở vị trí 10 giờ 10 hoặc 10 giờ 15, khi đó cho khuỷu tay hơi chùng.
- Mặt cách tay lái khoảng 30 đến 40 cm, với khoảng cách này trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí sẽ hoạt động hiệu quả và giảm thiểu chấn thương.
- Chỉnh độ cao ghế sao cho tay lái không chạm vào đùi ở tư thế co chân sát vào ghế và khuỷu tay vừa đủ chạm vào bệ cửa mà vẫn nắm được tay lái .
- Tựa đầu ghế là thứ chưa được sử dụng triệt để trên xe, vì nhiều tài xế cho rằng nó không thật sự hiệu quả. Thực chất, đó là do cách chỉnh tựa đầu ghế chưa đúng, hãy nâng tựa đầu với mép trên của nó ngang với mắt, khi đó sẽ giúp thư giãn cổ, đồng thời tránh được chấn thương nếu gặp tai nạn.
3. Chỉnh gương chiếu hậu
- Đối với gương hậu trên xe, chúng ta hãy chỉnh sao cho khi chọn tư thế ngồi thẳng, tựa đầu vào ghế có thể nhìn thấy toàn cảnh phía sau.
- Để tránh tối đa góc chết, thì gương chiếu hậu bên ngoài nên cài đặt theo các chế độ sau: phần thân xe chiếm khoảng 1/4 mép gương phía trong, góc gương phía trong bên dưới vùa đủ nhìn hết tay nắm cửa.
- Quan trọng nhất là luôn thắt dây an toàn khi lái xe.
4. Cách đánh lái
- Kỹ thuật đánh lái luôn đặc biệt quan trọng đối với người cầm lái, nhất là trong những tình huống nguy hiểm và xử lý phức tạp. Như lái xe ở đường quanh co, đèo dốc thì áp dụng kỹ thuật bắt vô-lăng chéo tay. Kỹ thuật này có vẻ trái ngược với hình dung về lái xe của nhiều người, nhưng trên thực tế, bắt chéo tay là yếu tố quan trọng trong việc quay vô-lăng nhanh, giảm thời gian thao tác.
- Một số cách đánh lái sai kỹ thuật như đánh đùn, móc vô-lăng, cách đánh lái này sẽ làm cho tài xế thao tác chậm đối với các tình huống khẩn cấp, thậm chí bị cuống nên mất lái.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Độc giả Phạm Nhật Trường
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet