Canon EOS 60D (phải) so dáng cùng tiền nhiệp 50D (trái). Ảnh: Dpreview. |
Canon EOS 60D là phiên bản DSLR tầm trung khá đặc biệt do sở hữu nhiều tính năng của dòng máy bình dân trong khi vẫn giữ lại được một số trang bị đẳng cấp thừa hưởng từ "ông anh" 7D. Máy sử dụng hệ thống lấy nét 9 điểm tương tự như tiềm nhiệm 50D. Tuy nhiên, độ phân giải cảm quang CMOS đã được nâng từ 15 Megapixel lên ngưỡng 18 "chấm", thừa đủ cho các nhu cầu của người dùng không chuyên. Cơ chế đo sáng được nâng cấp để đạt độ chính xác cao hơn nhờ cảm biến iFLC 63 vùng thửa riêng của model 7D. Đặc biệt, thân máy không được làm từ hợp kim Magne như 50D mà thay bằng nhựa tổng hợp Polycarbonate với sợi thủy tinh phủ trên khung nhôm để giảm khối lượng. Ngoài ra, chiếc máy ảnh mới còn được trang bị nhiều tính năng bình dân khác như màn hình lật xoay, ngắm ảnh sống, quay phim Full HD và một số bộ lọc nghệ thuật phục vụ cho dân nghiệp dư...
Bài thử nghiệm dưới đây đánh giá khả năng khử nhiễu của Canon 60D so với tiền nhiệm 50D ra mắt trước đó khoảng hai năm. Ống kính sử dụng là loại EF 24-105mm f4L IS, thiết lập tại tiêu cự 24mm, khẩu độ f/8. File JPEG crop 100%. Canon 60D sở hữu cảm quang độ phân giải cao hơn nên khu vực ảnh test cũng lớn hơn một chút so với phiên bản tiền nhiệm. Tính năng khử nhiễu tại thiết lập nhạy sáng cao (High ISO Noise reduction) được đưa về mức mặc định. Tính năng tối ưu hóa dải tương phản (Auto Lighting Optimizer) không được kích hoạt do đây là nguyên nhân đẩy cao lượng nhiễu trên các vùng ảnh tối.
Thiết lập ISO 100, 200 và 400. Ảnh: Cameralabs. |
Tại các thiết lập ISO thấp, cả hai máy đều cho ảnh rất mịn màng. Cân bằng trắng tương đối chuẩn xác dưới điều kiện ánh sáng trong nhà. Đặc biệt, độ nét và độ tương phản thể hiện trên ảnh JPEG của 60D tỏ ra trội hơn hẳn tiền nhiệm 50D mặc dù sử dụng cùng một loại ống kính với thiết lập tiêu cự và khẩu độ tương tự nhau. Khi chọn lưu file dưới dạng RAW, cả hai máy đều cho độ nét khá ngang ngửa.
Thiết lập ISO 800. Ảnh: Cameralabs. |
Khi tăng ISO lên 800, một số đốm nhiễu nhỏ bắt đầu xuất hiện tại các vùng ảnh tối của cả hai máy. Tuy nhiên, Canon 60D thể hiện tốt hơn các chi tiết tách bạch trên lá cây và những bông hoa nhỏ. Ảnh cho bởi 50D tạo cảm giác như bị phủ một lớp sương mờ do độ tương phản khá thấp và màu sắc cũng hơi kém rực so với 60D.
Thiết lập ISO 1600 và 3200. Ảnh: Cameralabs. |
Tại ISO 1600 và 3200, ảnh xuất hiện nhiều sạn lấm tấm. Các đốm nhiễu trên 50D mịn hơn một chút so với phiên bản kế nhiệm. Bù lại, 60D cho độ nét và độ tương phản trội hơn hẳn. Một số biến dạng lạ về màu sắc có thể nhận ra tại mảng tường và mảnh vải phía sau lọ hoa trên ảnh cho bởi 50D nhưng không quá đáng ngại.
Thiết lập ISO 6400. Ảnh: Cameralabs. |
Khi tăng nhạy sáng lên mức ISO 6400, ảnh cho bởi 50D bị ngả vàng nghiêm trọng. Thuật toán khử nhiễu làm xuất hiện những vệt bết màu xen kẽ với một vài đốm trắng đen khiến người xem có cảm giác hơi tức mắt. Các chi tiết nhỏ hầu như bị mất hết. Khả năng tái hiện màu sắc (đặc biệt là gam lục và vàng) không còn chính xác như tại các mức ISO thấp. Ảnh cho bởi Canon 60D nhỉnh hơn một chút so với phiên bản tiền nhiệm. Bão hòa màu giảm xuống khiến ảnh trở nên nhợt nhạt. Nhiễu hạt mặc dù xuất hiện khá nhiều nhưng không gây nên hiện tượng bết màu khó chịu. Độ nét được duy trì ở mức chấp nhận được nên một vài chi tiết nhỏ vẫn có thể nhận ra. Các đốm sạn trắng đen vẫn xuất hiện nhưng không quá nhiều như trên phiên bản tiền nhiệm.
Cả hai máy đều cung cấp thêm mức nhạy sáng mở rộng ISO 12.800 trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, ảnh cho bởi 50D hầu như không thể sử dụng do xuất hiện quá nhiều nhiễu và bị ngả vàng nghiêm trọng. Ảnh của 60D trông khá hơn một chút nên vẫn có thể dùng để in cỡ nhỏ nếu muốn.
Chấm điểm khả năng khử nhiễu của Canon 60D | Chấm điểm khả năng khử nhiễu của Canon 50D |
Trần Hạ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet