camera kép không mới nhưng cách sử dụng camera thứ hai cho thấy sự khôn ngoan, hợp thời của Apple. |
Sau nhiều năm gây thất vọng vì có quá ít sự thay đổi về camera, apple năm ngoái mới gượng ép tăng độ phân giải từ 8 lên 12 megapixel trên iPhone 6s. Nhưng sự thay đổi được coi là lớn với hãng lại tỏ ra không nhằm nhò gì với các đối thủ cạnh tranh. Tuy vẫn nắm giữ một số lợi thế nhưng chụp ảnh trên iPhone dần bị các sản phẩm từ Samsung, HTC, LG hay thậm chí là Huawei vượt qua về cả chất lượng lẫn tính năng.
Đêm qua, sau lễ ra mắt, nhiều người dùng yêu thích chụp ảnh cho biết đã tìm lại được cảm giác hào hứng, mong chờ một chiếc iPhone mới đến như vậy. Dù chưa có nhiều trải nghiệm thực tế nhưng ít nhất Apple đã cho thấy hãng đầu tư lớn vào các tính năng camera trên iPhone 7, đặc biệt là chiếc iPhone 7 Plus.
Camera kép được nhắc nhiều nhất nhưng đáng tiếc tính năng này chỉ có trên iPhone 7 Plus. Model iPhone 7 vẫn là camera đơn. Trang bị hai camera đặt cạnh nhau không phải mới bởi trước đó, HTC, LG, Xiaomi và Huawei đều đã từng làm, thậm chí cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, sự khác biệt đến từ mục đích các hãng làm camera thứ hai để làm gì.
Camera thứ hai cho góc hẹp hơn, tiêu cự 56 mm, phù hợp để chụp chân dung. |
Huawei dùng camera thứ hai trên P9 để chụp đen trắng, tăng độ chi tiết cho ảnh, One M8, Xiaomi Redmi Pro dùng để tính toán độ sâu trường ảnh còn LG V20, G5 lại để chụp góc rộng hơn. Nhưng trên iPhone 7 Plus, camera thứ 2 được dùng để hỗ trợ chụp chân dung giống với các máy ảnh chuyên nghiệp và một số chuyên gia đánh giá đây là lựa chọn khôn ngoan.
Camera bên trái của iphone 7 plus để chụp góc rộng còn camera bên phải để chụp góc hẹp nhờ tiêu cự dài (chụp tele). Apple cho biết ống kính này có tiêu cự tới 56 mm (theo quy chiếu khổ máy phim 35 mm), một tiêu cự rất được ưa chuộng khi chụp chân dung với máy DSLR. Nhờ vậy, máy sẽ cho ra các bức hình với độ sâu trường ảnh tốt hơn, góc ảnh hẹp hạn chế mất tập trung vào chủ thể chính và đặc biệt hạn chế tình trạng méo hình do ống góc rộng gây ra.
So sánh góc ảnh khi chụp thông thường (trái) và chụp với camera thứ hai trên iPhone 7 Plus. |
Tiêu cự lớn cũng giúp iPhone 7 Plus nổi bật giữa "rừng" smartphone nhờ có khả năng zoom quang 2x mà không làm giảm chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, tính năng zoom kỹ thuật số (nội suy từ ảnh gốc) vẫn được hãng trang bị lên tới 10x như trước đây.
Một tính năng thú vị không thể thiếu với các máy trang bị hai camera là giả lập hiệu ứng xóa phông như với máy ảnh chuyên nghiệp. Và điều này cũng có trên iPhone 7 Plus. Camera thứ hai chụp ở góc khác nên sẽ giúp máy tính toán được khoảng cách giữa các vật thể. Phần mềm khi đó sẽ xử lý thông tin và đưa ra mức xóa phông cần thiết. Tuy nhiên, đây là tính năng cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng xử lý, lập trình nên sẽ cần những trải nghiệm thực tế để đánh giá so với các model đình đám trước đây như HTC One M8 hay Huawei P9.
Giống như các máy có hai camera khác, iPhone 7 Plus cũng có thể tạo ra hiệu ứng xóa phông. |
Apple cũng bước vào cuộc chạy đua khẩu độ mở ống kính với f/1.8 cho cả iPhone 7 và iPhone 7 Plus. Con số này vẫn kém Galaxy S7 và Note 7 của Samsung nhưng chắc chắn hứa hẹn làm giảm khoảng cách về khả năng chụp tối, vốn rất yếu trên iPhone các thế hệ trước. Ngoài ra, bộ đôi di động mới của Apple cũng có thể xuất ảnh RAW (định dạng ảnh gốc chưa qua xử lý). Các phần mềm xử lý chuyên dụng như Adobe Lightroom cũng đã có trên iOS hứa hẹn sẽ giúp các nhiếp ảnh gia thoải mái hơn trong việc xử lý các bức hình và xuất ra file jpeg với chất lượng tốt hơn.
Camera trên iPhone 7 ít có nâng cấp hơn nhưng cũng có những thay đổi đáng chú ý. Hệ thống quang học với 6 thấu kính, bộ cảm biến hình ảnh tốc độ cao nhanh hơn 60% và đặc biệt là có chống rung quang học OIS (vốn chỉ có trên dòng Plus với iPhone 6 và 6s). Ngoài ra, máy cũng có độ phân giải 12 megapixel, độ mở ống kính f/1.8 tương tự như model 7 Plus. Với camera trước, Apple cũng tỏ ra hào phóng khi nâng độ phân giải lên 7 megapixel, góc rộng. Dù không có đèn flash riêng như các tin đồn nhưng tính năng nháy màn hình để trợ sáng khi chụp vẫn được coi là đủ dùng trong nhiều trường hợp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet