Sau khi đăng bài viết phản ánh việc sử dụng “bột bí ẩn” để “phù phép” tẩy trắng một số thực phẩm (trong đó có hoa chuối, ngó sen), nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư tỏ ra bức xúc trước việc xem thường sức khỏe của một số người bán hàng. Trao đổi với PV, PGS.TS.Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam) cho rằng, tự người tiêu dùng phải thay đổi cách ăn uống.
Bà Sửu nêu quan điểm, chất tẩy đường được dùng trong công nghiệp thực phẩm nhưng với số lượng rất nhỏ. Sau khi thực phẩm được làm trắng bằng hóa chất này, phải ngâm, rửa thật kỹ cho hết tàn dư hóa chất. Vấn đề là phía người sản xuất có đảm bảo đúng liều lượng mà dùng một lượng hóa chất vừa đủ không, hay vì lợi nhuận mà tăng liều lượng, biến thực phẩm ôi thiu thành tươi?
“Tôi cho rằng, chính phía người tiêu dùng phải thay đổi quan niệm ăn uống, mua thực phẩm của mình. Chỉ mua những thực phẩm giữ nguyên màu là tốt nhất. Không đổ xô tìm mua những đồ ăn có màu sắc bắt mắt, tránh những sản phẩm màu quá trắng. Hiện nay, nhiều loại bún, bánh bao bán trên thị trường trông trắng tinh nhưng đây không phải màu thật. Ngay như thịt gà cũng không mấy khi có màu vàng duộm, chỉ khi được “tắm” qua một lớp bột sắt, màu sắc mới óng ả, bắt mắt như vậy” - PGS.Phan Thị Sửu nhấn mạnh.
Hoa chuối được tẩy trắng bằng hóa chất
Cũng theo PGS.Sửu, những năm gần đây, hóa chất dùng tẩy trắng, ngâm tẩm thực phẩm gây rất nhiều bệnh cho người sử dụng như bệnh về đường tiêu hóa, trong đó, có trường hợp bị bệnh ung thư. Những người trẻ, sức khỏe đảm bảo nên bệnh chưa phát ngay. Tuy nhiên, dùng những thực phẩm này sẽ gây ngộ độc mãn tính, âm ỉ, lâu dần thì phát bệnh. Riêng với hoa chuối, chỉ nên ngâm tẩy bằng giấm, chanh và axit chanh, nếu dùng chất tẩy đường làm trắng hoa chuối thì rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
“Nếu người tiêu dùng quay lưng với những sản phẩm đẹp mắt, tươi lâu nhờ hóa chất thì chắc chắn, phía người cung cấp cũng sẽ chẳng cần thêm giai đoạn ngâm tẩm, tẩy rửa nào nữa. Giảm bớt công đoạn tẩy rửa, ngâm tẩm, chính phía người sản xuất cũng giảm được một số công đoạn và chi phí cho sản phẩm” - bà Sửu nói.
Chỉ có hai loại phụ gia được dùng
Nói về một số loại phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, PGS.Phan Thị Sửu cho biết, có hai loại đó là bột săm-pết và soda, nhưng chỉ được dùng với lượng rất nhỏ. Bột săm-pết này là một phụ gia có thành phần là kali nitrat (KNO3). Thịt được ướp chất này sẽ có màu tươi, đẹp mắt. Một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, khi người sản xuất tẩm ướp thịt với lượng nitrat quá mức quy định, người sử dụng ăn phải sẽ hình thành nhiều nitric và làm suy giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Do đó có thể gây ra hiện tượng thiếu oxy, nhất là sự thiếu oxy trong não ở trẻ em.
Bà Sửu cho biết, trong trường hợp bị nhiễm độc cấp tính, có thể gây bất tỉnh, thậm chí tử vong do thiếu oxy cung cấp cho tế bào cơ thể. Hơn thế nữa, nitrit khi vào cơ thể tiếp xúc với axit amin trong thịt sẽ chuyển hóa thành nitrisamin - là một chất gây ung thư.
Hóa chất tấy trắng ngó sen có thể gây ung thư. (Ảnh minh họa)
“Bột soda khi dùng trong thực phẩm, muốn đảm bảo độ tinh chất thì giá thành khá cao. Bản thân tôi cho rằng, các nhà hàng, quán ăn vì lợi nhuận nên không dùng đúng soda tinh chất mà dùng soda công nghiệp là chủ yếu. Loại soda công nghiệp có chứa kim loại nặng như chì, khi tích lũy trong cơ thể sẽ gây ra hiện tượng hủy hoại tế bào xương, ảnh hưởng tim mạch. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, tránh tối đa cho trẻ em hấp thụ phải những sản phẩm trên vì sức đề kháng của trẻ rất yếu” - bà Sửu phân tích.
Về thông tin ngó sen được dùng phoóc mon ngâm tẩm, PGS.TS.Phan Thị Sửu khẳng định: “Phoóc mon bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm. Hóa chất này chỉ dùng để ướp các mẫu xác chết”.
Liên lạc với Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Hưng, nhân viên trung tâm cho biết, tháng 10/2011, trung tâm tiếp nhận 2 ca nhập viện do bị ngộ độc hoa chuối. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, nổi mề đay khắp cơ thể.
Anh Hưng cũng cho biết, để thống kê cụ thể số vụ ngộ độc cũng khó, các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi vào viện, sơ cứu thì về nhà chứ không làm thủ tục nhập viện, trừ trường hợp quá nặng. Theo đó, lượng đồ ăn mà một người hấp thụ vào cơ thể theo từng ngày không phải quá nhiều, các độc tố trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng nhẹ, sơ cứu có thể hết. Lâu dần, các độc tố tích tụ trong cơ thể nhiều, gây phá hủy nội tạng, rối loạn tiêu hóa và gây bệnh đường ruột.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet