Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến năm 2015, ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, trong nước khoảng 53%. Sản xuất lắp ráp các loại xe con là 200.000 xe/năm, xe tải và xe khách là 215.000 xe/năm.
Bộ Công Thương đánh giá, bước đầu tại Việt Nam đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Ngành đóng góp vào ngân sách nhà nước đáng kể, công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động được giải quyết.
Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ.
Bộ Công Thương cho rằng, thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Lượng xe tiêu thụ năm 2015 đã đạt 350.000 xe, gần gấp đôi con số 184.813 xe của năm 2010.
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Bộ Công Thương lý giái nguyên nhân là do Việt Nam đi sau so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có qui mô lớn trong khu vực.
Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô do dung lượng thị trường nội địa nhỏ, chỉ ở mức độ 200.000-300.000 xe/năm với nhiều mẫu mã, số lượng doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp lớn (56 doanh nghiệp), nên thị phần của từng thương hiệu lại càng bị phân nhỏ. Trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp lắp ráp chưa quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ, chưa tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe có quy mô công suất trên 50.000 xe một năm và các dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động. Đối với xe con, sẽ tập trung vào phát triển các dòng xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra đối với tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô đến năm 2020 là xe đến 9 chỗ đạt 30 - 40%, xe từ 10 chỗ trở lên đạt 35 - 45% nội địa hóa, xe tải đạt từ 30 - 40%, còn xe chuyên dụng nội địa chiếm khoảng 25 - 35%. Đến năm 2035, xe đến 9 chỗ đạt 55 - 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt 75 - 80%, xe tải đạt 70 - 75%, xe chuyên dụng đạt 60 - 70%.
Đặc biệt, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, tập trung vào các bộ phận có hàm lượng công nghệ cao. Chủ trương là tạo điều kiện hình thành doanh nghiệp quy mô lớn, có tính dẫn dắt thị trường.
Chính sách hỗ trợ ngành ô tô đang được cụ thể hóa ở các Bộ ngành, đặc biệt các chính sách về thuế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa dành được sự quan tâm dẫn đến chưa có sự liên kết với ngành phụ trợ, ngành vệ tinh, việc chuyển giao công nghệ với các nước trên thế giới không đảm bảo hiệu quả. Do đó cần phải đồng bộ cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hơn nữa để ngành công nghiệp ô tô có thể đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet