Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ sau sinh, càng làm tăng những bất ổn trong tâm lý vốn có của họ. Chính vì thế, chị em nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với chứng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh.
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. (Ảnh minh họa)
Thay đổi thất thường sau khi sinh
Kinh nguyệt đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể người phụ nữ. Nếu ở giai đoạn trước khi mang thai, kinh nguyệt là một dấu hiệu của khả năng sinh sản thì thiếu vắng kinh nguyệt ở giai đoạn sau đó là sự xác nhận của việc mang thai. Còn kinh nguyệt xuất hiện sau khi sinh chứng tỏ sức khỏe đã phục hồi và người phụ nữ đã có thể tiếp tục thụ thai.
Sau khi vượt cạn, chu kỳ kinh nguyệt sẽ hoạt động ổn định trở lại trong vòng 8-14 tuần ở bà mẹ không cho con bú và có thể lên đến 1-2 năm ở các bà mẹ cho con bú. Nhưng kinh nguyệt ở giai đoạn này sẽ có nhiều biến đổi, như lượng máu mất đi nhiều hơn, màu sắc của máu cũng thay đổi, thậm chí có mùi khó chịu, thời gian hành kinh kéo dài hoặc ngắn lại, chu kỳ cũng thay đổi…
Các bà mẹ sau khi sinh đa phần đều gặp phải vấn đề rong kinh, rối loạn kinh nguyệt nặng nhẹ tùy cơ địa từng người. Chính vì thế, không nên lo lắng thái quá, bởi các kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian tối ưu để cơ thể người phụ nữ phục hồi sau quá trình mang thai, sinh đẻ và cho con bú là 2 năm.
Những bí quyết chị em cần nhớQuá trình phục hồi cơ thể sau khi sinh của từng người diễn ra với tốc độ rất riêng. Kinh nguyệt không phải là một ngoại lệ. Do đó, mỗi bà mẹ cần trang bị một vài mẹo nhỏ để đối phó với chứng rong kinh, rối loạn kinh nguyệt trong thời gian nhạy cảm này:
Kinh nguyệt xuất hiện sau khi sinh chứng tỏ sức khỏe đã phục hồi và người phụ nữ đã có thể tiếp tục thụ thai. (Ảnh minh họa)
Chuẩn bị tâm lý là điều quan trọng nhất để đối mặt với những thay đổi này, bên cạnh nhiều nỗi lo khác sau khi sinh em bé. Trẻ bú sữa mẹ là yếu tố tác động mạnh mẽ đến chu kỳ kinh nguyệt của người mẹ, nhưng đừng vì vậy mà không cho bé sử dụng nguồn sữa bổ dưỡng và tự nhiên này. Nên nhớ rằng, cho con bú là cách thể hiện tình yêu, sự chăm sóc tận tâm nhất đối với con trẻ. Thật không dễ dàng khi một mình người phụ nữ phải “chiến đấu” với nhiều “kẻ thù” như vậy, vì thế hãy nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người thân xung quanh.
Luôn giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt trong thời gian hành kinh. Vì kinh nguyệt sau khi sinh thường ra nhiều và gây đau đớn hơn nên bạn nhớ thay băng vệ sinh mỗi 4 tiếng một lần để tránh vi khuẩn phát triển.
Dù cho con bú sữa mẹ hay sữa bột công thức thì sau khi sinh, người mẹ cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng cho sữa mẹ, mà còn để cơ thể nhanh chóng phục hồi như lúc còn son rỗi, từ đó chu kỳ kinh nguyệt cũng sớm ổn định hơn. Đừng vội vã thực hiện giảm cân, ăn kiêng ngay sau khi sinh con bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến vòng kinh, gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé, nhất là khi bạn đang cho con bú.
Bổ sung kẽm và vitamin E từ thịt cá, rau củ và trái cây tươi. Đây là các dưỡng chất có lợi cho chu kỳ kinh của phụ nữ. Thêm vào đó, các bà mẹ cho con bú nên uống nhiều nước. Nước sôi để nguội, sữa và nước trái cây là những lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Hãy dành ra một chút thời gian trong ngày để tập vài động tác thể dục vì đây vừa là phương pháp giảm cân hữu hiệu cho người mẹ sau khi sinh, vừa giúp ổn định và điều hòa cơn đau trong thời gian hành kinh lại giúp giải tỏa căng thẳng, tù túng trong những ngày chăm con mọn của mẹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet