Chia sẻ trên một diễn đàn, chị N.T.B, mẹ của một cháu bé gần 3 tháng tuổi, lo lắng dạo gần đây cháu bé nhà chị bú sữa ít hơn hẳn lại hay buồn nôn, tiểu nhiều. Các hiện tượng này bắt đầu khi chị bổ sung cho cháu một loại thuốc bổ chứa nhiều vitamine D mỗi ngày.
Bổ quá cũng hại
“Cửa sổ nhà tôi, nơi bé nằm gần không đón được nắng sáng nên tôi lo cháu bị thiếu vitamine D nhưng bổ sung thêm thì cháu lại bú ít đi. Vậy không biết có phải tôi đã bổ sung quá thừa vitamine D, dẫn đến tình trạng bỏ bú?” - chị N.T.B lo lắng. Một phụ huynh khác cũng cho biết cháu bé nhà mình từng rơi vào một đợt nhát ăn tương tự khi chị bổ sung vitamine D cho bé. Chị đã đưa con đến khám tại một phòng khám dinh dưỡng và vội ngưng ngay việc cho con uống thuốc bổ bởi bác sĩ (BS) cho hay thừa vitamine D không chỉ làm bé chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều… mà còn có thể gây ra loạn nhịp tim, canxi đọng ở gan, thận và làm vôi hóa những nơi này…
Còn thai phụ N.T.T.S (32 tuổi) thì tìm đến Bệnh viện Từ Dũ chỉ vì… kham không nổi đơn thuốc bổ sung vi chất quá đắt đỏ mà một phòng khám sản - phụ khoa tư nhân đã cho, muốn BS khác chỉ định những loại thuốc khác vừa túi tiền hơn. Các BS ở Bệnh viện Từ Dũ đã buộc chị thay thế đơn thuốc ngay lập tức, không phải vì giá quá cao mà vì lượng thuốc bổ chị đang dùng quá nhiều, trong đó có một số vitamine và vi chất sẽ gây phản tác dụng khi dùng quá liều. “Trong đó có loại thuốc bổ sung vitamine A có tới 3.000 UI/viên, mỗi ngày uống 2 viên, quá nhiều so với lượng tối đa có thể dùng. BS lại cảnh báo thừa vitamine A ở thai phụ có thể đưa đến nguy cơ dị tật thai nên tôi lo quá…” - chị S. nói.
Các loại vitamine, thực phẩm chức năng cũng cần được sử dụng theo toa của bác sĩ hoặc khuyến cáo có sẵn của nhà sản xuất
BS Nguyễn Vũ Linh, chuyên khoa dinh dưỡng, Trung tâm Phòng chống chấn thương và các bệnh không lây, cho biết: Có những loại vitamine cơ thể không thể tự đào thải qua đường tiêu hóa nếu lỡ bổ sung dư thừa, ví dụ như các vitamine tan trong dầu thường gặp như A, D, E, K. “Chúng sẽ tích tụ trong máu, trong mô, trong các cơ quan và đặc biệt nguy hiểm nếu bị quá ngưỡng gây ngộ độc. Tích tụ trong não thì có thể gây mất chức năng não, tích tụ trong gan thì có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ…” - BS Linh cảnh báo.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hiện tượng thừa vitamine có thể gây triệu chứng đặc trưng đối với từng loại vitamine khác nhau. Thừa vitamine A có thể gây vàng da, mờ mắt, nôn ói, nặng hơn là chậm phát triển, rụng tóc, ảnh hưởng đến gan, lách… Thừa vitamine C gây đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, sỏi thận, tạo cơn choáng váng, nếu dùng nhiều sau 4 giờ chiều có thể làm mất ngủ. Thừa vitamine E cũng gây đau đầu, nôn ói, có thể kèm theo mệt mỏi, mờ mắt, tiêu chảy và thậm chí là xuất huyết nội. Thừa vitamine D gây chán ăn, sụt cân, tiểu nhiều, ngứa ngáy, suy thận…
Cẩn trọng những “đối tượng nhạy cảm”
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, có 3 đối tượng rất “nhạy cảm” với dược phẩm, kể cả thuốc bổ, đó là phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em. Trong nhiều trường hợp, nhóm đối tượng này cần có sự hướng dẫn cụ thể của BS, dược sĩ khi sử dụng thuốc bổ và thực phẩm chức năng. “Ở phụ nữ mang thai, thông thường BS sẽ hướng dẫn những loại vitamine, khoáng chất cần thiết bổ sung khi họ đi khám thai. Một số vitamine nếu dư thừa sẽ nguy hiểm với bà bầu, ví dụ như vitamine A đã được khoa học chứng minh có liên quan đến một số trường hợp dị tật thai. Dược phẩm, thực phẩm bổ sung vi chất cũng có loại dành riêng cho thai phụ và loại không được phép dùng, bởi vậy, thai phụ cần chú ý thật kỹ hướng dẫn sử dụng và nên hỏi ý kiến thêm BS nếu chưa rõ và cũng để tránh trường hợp bị dư thừa các chất do sử dụng một lúc nhiều loại thuốc bổ có chứa loại vitamine đó mà không biết. Dùng vitamine quá liều cũng gây ngộ độc và một số loại có thể tích lũy, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và cả thai nhi”.
BS Linh cho rằng việc bổ sung vitamine cần tùy theo thực trạng và cơ địa của mỗi người. Có một số nhóm đối tượng rất cần những loại dược phẩm, thực phẩm chức năng bổ sung vi chất như những người có thói quen làm việc và ăn uống công nghiệp, người đang bệnh, người ăn kiêng… Nếu không có điều kiện gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, ít nhất trước khi sử dụng một loại thuốc bổ, thực phẩm bổ sung nào đó, nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm và nên dùng chừng mực, bởi cái gì quá cũng không tốt, thuốc bổ bị lạm dụng cũng có thể phản tác dụng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet