Lâu nay, không ít người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết (SXH) chỉ tấn công trẻ nhỏ, còn ở người lớn gần như miễn nhiễm, ít bị mắc bệnh. Các chuyên gia y tế cảnh báo chính vì sự chủ quan này mà nhiều người chết oan do trở tay không kịp.
Nguy kịch mới chịu nhập viện
Trường hợp người lớn tử vong do SXH mới nhất vừa xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk. Một người đàn ông 42 tuổi có biểu hiện sốt, đau đầu và được đưa đến bệnh viện với chẩn đoán SXH độ 1-2. Sau một tuần, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, mạch và huyết áp đều bằng không, không có dấu hiệu hồi phục. Dù được chuyển lên tuyến trên nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Trường hợp khác là anh L.V.G (32 tuổi, ngụ quận 4 - TPHCM), một kỹ sư xây dựng. Anh G. đi làm về nhà, bỗng dưng cảm thấy uể oải, đau đầu, nóng rưng rức nhưng anh cứ tưởng do làm việc quá sức hoặc bị cảm vì nhiễm mưa. Anh G. mua thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường về uống. Đến ngày thứ 5, bệnh tình vẫn không khỏi mà cơ thể càng uể oải, rùng mình ớn lạnh, ăn uống không trôi, bụng đau dữ dội. Được người nhà đưa đến bệnh viện (BV) cấp cứu, các bác sĩ xác định G. mắc SXH ngày thứ 5, lượng tiểu cầu trong người đang xuống rất thấp, kèm xuất huyết tiêu hóa ào ạt, nếu nhập viện muộn là không thể cứu chữa.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Tại các BV ở TPHCM, số bệnh nhân người lớn bị SXH đến khám, điều trị không ngừng tăng. Chỉ riêng BV Bệnh nhiệt đới TPHCM từ đầu năm nay đã tiếp nhận khám, điều trị cho trên 4.000 trường hợp. Hiện gần 50% trong hơn 100 bệnh nhân SXH đang điều trị nội trú cũng như trong khoảng 40-50 bệnh nhân SXH được BV này tiếp nhận điều trị hằng ngày là người lớn, nhiều ca nặng phải thở máy. Đã có nhiều trường hợp thai phụ mắc SXH vào viện muộn do chủ quan dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu, sinh non.
Theo TS-BS Trần Tịnh Hiền (nguyên phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM), nghiên cứu dịch tễ học những năm gần đây đã cho thấy số ca người lớn mắc SXH ngày càng tăng. Cụ thể, năm 1991, tỉ lệ người lớn mắc SXH chỉ chiếm 14% nhưng đến năm 2004, tỉ lệ này tăng 30% và đến nay, con số này tăng lên 75%.
Theo các chuyên gia, môi trường và sự thay đổi mật độ dân cư ở đô thị khiến cho tỉ lệ người lớn mắc SXH thay đổi. Dịch bệnh này không chỉ hiện diện nhiều ở nông thôn mà đã lan nhanh đến thành thị. Thống kê số bệnh nhân SXH đang điều trị tại các BV ở TPHCM, có đến 60%-70% ngụ tại các TP.
Những ngộ nhận chết người
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết SXH là bệnh xảy ra ở các nước vùng nhiệt đới, do muỗi trung gian truyền bệnh là Aedes agypti sống trong nhà và quanh các vũng nước. Đây là yếu tố truyền bệnh có trong tự nhiên và rất khó tiêu diệt vì muỗi sinh sôi nảy nở quanh năm và ở khắp nơi.
Theo TS-BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các tỉnh phía Nam là điểm nóng của SXH, chiếm 90% số ca mắc trong cả nước và 80% số ca tử vong. Hiện nay, có cả 4 type SXH đang lưu hành. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng trong cộng đồng đang tồn tại một sự ngộ nhận trong việc nhận thức phòng ngừa, điều trị loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, nhiều người nghĩ rằng bệnh SXH chỉ xảy ra đối trẻ nhỏ, còn ở người lớn thì gần như miễn nhiễm hoặc mắc SXH mà không biết, cứ nghĩ bị cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, làm bệnh tiến triển nặng hơn. Đây là sự chủ quan, quan niệm sai lầm, bởi người lớn mắc SXH sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, thận; trụy tim mạch)…
Bác sĩ Châu cũng cho rằng các cơ sở y tế địa phương cần chú ý tăng cường việc phát hiện, điều trị SXH người lớn vì dễ bị biến chứng phức tạp, nguy cơ tử vong nhanh nhưng ít được chẩn đoán sớm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet