1. Bánh gai
Bánh gai là loại bánh ngọt truyền thống, có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Bánh có dạng hình vuông được gói một cách mộc mạc, bên trong có màu đen nhánh thoang thoảng hương thơm cùng vị ngọt bùi rất ngon miệng. Bánh được làm từ bột nếp trộn đều với lá gai đã giã nhuyễn sao cho bột thật mềm và dẻo. Nhân bánh gồm đậu xanh bỏ vỏ, hầm chín và đánh tơi với đường cát trắng, có nhiều nơi cho thêm cơm dừa khô. Phần bột được vo thành từng viên tròn nhỏ, nắn dẹp cho nhân vào bên trong, gói lại bằng lá chuối phơi khô rồi đem hấp chín.
2. Bánh phu thê
Bánh phu thê hay còn gọi là bánh su sê, là loại bánh truyền thống của người dân đất cố đô. Thành phần chính của bánh là nhân và bột lọc. Nhân bánh được làm từ đậu xanh tán nhuyễn, dừa sợi và gói lại bằng lá dừa tươi. Không chỉ là món quà vặt, bánh phu thê còn xuất hiện trong mâm quả ngày cưới hoặc trong những dịp lễ tết quan trọng của người dân xứ Huế.
3. Bánh cam
Đây là món bánh được bán nhiều trên hè phố hay trong các ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn. Vỏ bánh được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nhân bánh là đậu xanh tán nhuyễn với đường. Bánh được vo tròn rồi chiên chín đều vàng các mặt. Sau khi chiên, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp đường thắng có màu vàng óng, trong suốt và vị ngọt thanh.
4. Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản của người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung, không thể thiếu trong các dịp lễ tết hay cưới, hỏi... Bánh có cách chế biến gần giống với món bánh gai của người miền Bắc khi cũng được làm từ bột nếp và lá gai nhưng cái bánh nhỏ hơn. Ngoài ra, bánh ít lá gai của người miền Trung thường có hai loại nhân đậu xanh hoặc dừa. Tuy chỉ là món bánh nhà quê nhưng bánh ít lá gai luôn thấm đậm hương vị quê nhà đối với những người xa quê.
5. Bánh ống lá dứa
Đây là món ăn vặt quen thuộc có nguồn gốc của người Khmer ở đất Sóc Trăng, Trà Vinh. Bánh ống được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Ngày xưa khuôn bánh được làm bằng ống tre cưa ngang khoảng 15 cm, nhưng nay được thay thế bằng ống nhôm để tiện trong việc vệ sinh. Khi chế biến, người làm bánh đặt khuôn trên nắp nồi, trong nồi có nước, rồi bắt đầu đổ bột vào ống như chưng cách thủy, khoảng 2 phút là bánh đã chín. Bánh chín có màu xanh của lá dứa cùng với mùi thơm dịu. Bánh chín được thêm vào dừa nạo và muối vừng.
6. Bánh bò dừa
Nguyên liệu chính là bột mì, bột nổi và trứng gà rồi đánh tơi, xốp. Nhân bánh là dừa bào sợi xào với đường cát trắng cùng đậu xanh hấp chín. Bánh được nướng chín trong những chiếc khuôn hình trụ. Sau khi đổ một nửa đầu tiên, người thợ cạo hết những vết bột dính khuôn rồi dùng bơ hoặc dầu ăn chùi khuôn bánh để đổ tiếp nửa còn lại. Bánh bò dừa ngon là miếng bánh phải giòn nhưng lại dai. Đưa lên miệng cắn một miếng để cảm nhận được cái bánh vừa giòn, vừa dai, vị ngọt và béo của dừa đang hòa quyện vào nhau.
7. Bánh tai yến
Sở dĩ bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến. Bánh được làm từ hỗn hợp đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa rồi chiên chín trong chảo dầu nóng hổi. Cái hay của người bán là phải chiên bánh phồng ở giữa, viền bánh cong lại, rám vàng nhưng lại không bị cháy. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát.
Tiêu Phong
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet