Kể từ ngày 28/10, Audi được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua công ty TNHH Ôtô châu Á - Automotive Asia. Đại lý ủy quyền là công ty Cổ phần quốc tế Liên Á với showroom đầu tiên mang tên Audi Terminal đặt tại Quận 1.
Audi A8, đối thủ cạnh tranh của BMW serie 7, Mercedes S-class. Ảnh: T.T. |
Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Audi TP HCM cho biết Việt Nam là Audi Terminal chỉ sau Australia và Singapore.
Tất cả xe Audi A8 và Q7 đều có chế độ bảo hành 2 năm không giới hạn quãng đường đã chạy. Các khách hàng của Audi chỉ cần mang xe đến để bảo trì tại Trung tâm Audi TPHCM.
Các sản phẩm sẽ được phân phối trên thị trường vào tháng 11/2008. Giá khởi điểm của A8 4.2 FSI và Q7 4.2 FSI là 232.000 USD và 175.000 USD đã bao gồm thuế VAT và mức thuế nhập khẩu 83%.
Như vậy, cùng với Mercedes lắp ráp trong nước, BMW và Porsche nhập khẩu, các thương hiệu xe sang của Đức đã góp mặt đầy đủ tại Việt Nam. Đây có thể là thời điểm không thuận lợi cho Audi khi thị trường đang đi xuống, nhưng với thành công ở Trung Quốc, nhà sản xuất này được kỳ vọng sẽ có những biện pháp tốt để thích nghi.
Tuy tên tuổi của Audi tại Việt Nam vẫn còn xa lạ nhưng trong số những hãng xe Đức, Audi lại thành công nhất tại châu Á. Nhà sản xuất này giữ vị trí số một về thị phần xe hạng sang ở Trung Quốc.
Sản phẩm nổi tiếng nhất hiện nay của Audi là mẫu xe thể thao R8 với tình cảnh thiếu hàng ở khắp các khu vực trên thế giới. Trong năm 2007, Audi có doanh thu 33,6 tỷ USD với lợi nhuận 2,9 tỷ USD.
Audi “ngày nay” có tiền thân từ hãng xe và đội đua nổi tiếng mang tên Auto Union AG. Auto Union AG thành lập năm 1932 sau sự sáp nhập của bốn công ty có trụ sở tại quận Saxony bao gồm: Audi “ngày xưa” (thành lập năm 1909), Horch (thành lập năm 1899) tại Zwickau, Wanderer ở Chemnitz-Siegmar (thành lập năm 1885) và DKW trong khu Zschopau (1904).
Thời điểm đó Auto Union AG là công ty có quy mô lớn thứ hai trên thế giới.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet