Câu hỏi đầu tiên mà Alan Mulally nhận khi nhậm chức Giám đốc điều hành ford năm 2006 là: "Ông đi xe gì?". Trái với kỳ vọng của toàn hội trường, câu trả lời làm choáng váng tất cả nhân viên Ford.
"Tôi đi lexus ", Mulally điềm nhiên nói. "Đó thực sự là chiếc xe tốt nhất thế giới".
Việc giám đốc điều hành hãng xe lớn thứ hai nước Mỹ đi một chiếc xe Nhật rõ ràng là điều khó chấp nhận. Nhưng câu trả lời truyền tải thông điệp rằng, Mulally, người ngoại đạo với công nghiệp xe hơi, nhận xét thế nào về chất lượng xe Ford.
Đánh vào lòng tự hào, làm tổn thương lòng tự trọng cũng là cách thức dậy tính tự tôn và khao khát thay đổi.
Sau gần 8 năm, ngày 1/5, Mulally ngồi ở khán phòng, nơi ông có cuộc nói chuyện đầu tiên và thông báo kế hoạch nghỉ hưu vào 1/7. Thay cho sự im lặng đáng sợ 2006, lần này tất cả đứng lên, vỗ tay bày tỏ sự trân trọng tới người có ảnh hưởng nhất tới Ford.
Trong ngành xe hơi, Mulally vẫn được ví như Lee Iacocca, người có công hồi sinh Chrysler một thế hệ trước.
"Thực sự tuyệt vời", vị giám đốc 68 tuổi nói. Ông cho biết chưa bao giờ nghi ngờ khả năng hồi phục của Ford, ngay cả khi hãng này gặp nguy cơ phải đệ đơn bảo hộ phá sản cùng với GM và Chrysler.
"Tôi tin chúng tôi có thể làm được. Mỗi ngày lại thấy tin tưởng hơn, dù nhiều lúc rất rất khó khăn", Mulally phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
Ông xem xét tất cả mọi thứ liên quan với Ford. Việc đầu tiên là tinh giảm hệ thống cho việc tập trung nguồn lực. Ngay lập tức Volvo, Jaguar, Land Rover được rao bán. Thương hiệu Mercury yếu ớt đóng cửa.
Việc tiếp theo là sa thải hàng ngàn nhân viên trong 2007-2008, đóng cửa các nhà máy không cần thiết. Đặt các quản lý vào vòng xoáy cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ như Toyota. Thành lập đội sản xuất gồm các quản lý có tính cạnh tranh cao.
Mục tiêu của Mulally là an toàn, phong cách và tiết kiệm nhiên liệu. Đó là yêu cầu tối thượng mà tất cả các mẫu xe Ford phải đạt được.
Giờ đây, Ford gia tăng thị phần ở Bắc Mỹ, Trung Quốc và các vùng mà hãng này từng phải chạy dài theo đối thủ. Tuần trước, Ford ghi nhận mức lãi ròng 989 triệu USD trong quý 1/2014, kéo dài thành 19 tháng có lãi liên tiếp, một minh chứng cho tài năng và hiệu quả mà chiến lược One Ford đạt được.
Trong thời đại của Mulally, Ford cải thiện đáng kể chất lượng các dòng xe cỡ nhỏ như Fiesta và Focus. Chiếc bán tải đang bán chạy nhất F-serie sắp cải tiến để nhẹ hơn nhờ sử dụng khung nhôm.
Nhưng con đường thành công không dễ dàng như bề ngoài. Mulally có những quyết định táo báo tới mức làm sởn da gà các nhà đầu tư. Tháng 11/2006, chỉ một thời gian ngắn nắm vị trí CEO, ông thế chấp các tài sản giá trị nhất công ty, thậm chí cả logo và thương hiệu, để lấy khoản vay 23,5 tỷ USD.
Quyết định táo bạo đó là điểm sáng trong sự nghiệp. Trong cuộc điều trần trước quốc hội Mỹ năm 2008, Mulally ngồi cạnh các đồng nghiệp đến từ GM và Chrysler, nhằm tìm kiếm khoản tín dụng cứu ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Nhưng chỉ sau vòng đầu tiên, ông đảo ngược thái độ và nói với các luật sư rằng Ford không cần trợ giúp của chính phủ.
"Nhờ sự quyết đoán của ông mà Ford tránh phải xin bảo hộ phá sản, thứ nhấn GM và Chrysler xuống bùn", Jack Nerad, nhà phân tích xe hơi tại Kelley Blue Book nói.
Sau khi Mulally về hưu, quyền vận hành Ford được chuyển sao cho Mark Feild, người có 25 năm công tác và đảm nhiệm chức vụ cao ở các thị trường quan trọng như Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, sức ảnh hưởng và di sản mà Mulally để lại vẫn quá lớn. Nhưng cũng là cơ hội để các thế hệ kế tiếp khai thác, để đưa hãng xe lớn thứ hai nước Mỹ trở lại chu kỳ tăng trưởng.
Trọng Nghiệp (theo New York Times)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet