FBI đã cố gắng bẻ khóa một chiếc iPhone được sử dụng bởi tay súng gây ra vụ xả súng kinh hoàng ở San Bernardino (California, Mỹ) vào tháng 12.2015. Trong khi chưa nhận được sự hợp tác từ Apple, Bộ Tư pháp Mỹ đã bất ngờ tuyên bố có một công ty bí ẩn bên ngoài giúp họ truy cập dữ liệu. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh tự hỏi "Ai có khả năng bẻ gãy công nghệ mã hóa của Apple?".
Bẻ khóa iPhone không phải là vấn đề đơn giản.
Câu trả lời mà mọi người đang nghĩ tới là một công ty an ninh mạng của Israel, có mối quan hệ và được cho là "hiệp sĩ trắng" của FBI. Theo tờ Yedioth Aharonot của Israel, công ty bí ẩn trên có tên Cellebrite. Tuy nhiên, cả FBI và Cellebrite đều từ chối xác nhận mối quan hệ đôi bên.
Mashable báo cáo thêm, Phó Chủ tịch điều hành của công ty Cellebrite - ông Leeor Ben-Peretz đã có những ngày làm việc tại Hoa Kỳ vào cuối tuần trước.
"Vào tối thứ Năm, Ben-Peretz đã hạ cánh tại sân bay Ben Gurion của Israel. Ông rất ngạc nhiên nhưng không phải vui vẻ gì khi nhận được một cuộc gọi điện thoại từ tôi", biên tập viên Uri Blau của Mashable kể. "Ông đã đi chứng minh khả năng của Cellebrite cho FBI thấy?", Blau hỏi.
"Tôi làm gì ở Mỹ là chuyện riêng của tôi. Tôi sẽ không bình luận gì về điều này", ông Ben-Peretz trả lời. CEO của Cellebrite, ông Yossi Carmil cũng từ chối đưa ra bình luận.
apple và FBI đang đối đầu nhau trong một vụ việc liên quan tới mã hóa iPhone. (Ảnh: AP)
Nếu Cellebrite có thể giúp FBI vượt qua lớp mật mã trên iPhone, đó sẽ là một chi tiết thú vị trong tình huống cuộc chiến giữa Apple và chính phủ Hoa Kỳ chưa có hồi kết.
Trước đó, một tòa án liên bang đã buộc Apple phải giúp FBI lấy lại thông tin từ một chiếc iPhone được sử dụng bởi Syed Farook - người đã cùng vợ giết chết 14 người và làm bị thương 22 người khác tại San Bernardino (California, Mỹ) trong vụ xả súng cuối tháng 12.2015. Vào thứ Hai, một ngày trước phiên điều trần dự kiến về vụ việc này, Bộ Tư pháp cho biết họ có thể không cần sự giúp đỡ của Apple nữa.
Người dân xuống đường kêu gọi không làm suy yếu bảo mật của iPhone. (Ảnh: AP)
"Là kết quả của việc công khai vụ việc trên toàn thế giới và nhận được sự quan tâm của mọi người, có những người ngoài chính phủ Mỹ đã liên hệ với chính phủ để cung cấp những hướng đi có thể thực hiện", công tố viên nói với tòa án. "Ngày Chủ Nhật (20.3.2016), một đơn vị bên ngoài đã chứng minh cho FBI về một phương pháp có thể mở khóa iPhone của Farook", vị công tố viên xác nhận.
Sự hợp tác giữa Cellebrite và FBI không gây ngạc nhiên và chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên. Hồ sơ tòa án trong những năm gần đây tiết lộ rằng, Cellebrite đã làm việc với FBI và các cơ quan khác của Mỹ trong một số vụ việc.
Ví dụ, trong năm 2014, trong một vụ buôn ma túy, một tòa án phúc thẩm liên bang ở New York đã xem xét chứng cứ do nhân viên FBI tìm ra bằng cách sử dụng công nghệ của Cellebrite. Chuyên gia Stephen Tortorella khẳng định: "Tôi đã sử dụng một thiết bị gọi là Cellebrite Universal Forensic Extraction để tải về và xem lại nội dung của hai chiếc điện thoại di động".
Việc sử dụng công nghệ Cellebrite của các cơ quan thực thi pháp luật không phải chỉ có Hoa Kỳ. Hồ sơ tòa án từ Israel cũng đề cập đến việc sử dụng sản phẩm của công ty này trong một cuộc điều tra của cảnh sát quân sự.
Giám đốc điều hành Cellebrite từng nói với tờ báo The Marker của Israel vào năm 2013: Cảnh sát Anh đã sử dụng sản phẩm của Cellebrite để theo dõi biểu tình bạo lực sau khi xảy ra cuộc bạo loạn ở London (Anh) 2 năm trước.
Cellebrite được thành lập tại Israel vào năm 1999 với vốn đầu tư 25.000 USD. Đó là thời điểm trước khi con người sao lưu dữ liệu "trên mây". Năm 2007, Cellebrite đã được mua lại bởi tập đoàn Suncorporation của Nhật Bản. Sau đó, trụ sở của Cellebrite vẫn là ở Israel, nhưng họ có sở hữu các công ty con tại Hoa Kỳ, Đức, Singapore và Brazil.
Cellebrite được biết đến như "anh hai" trong lĩnh vực của mình tại Israel. Họ có thể "giải mã và phân tích các thiết bị iOS bị khóa với một mật mã dù đơn giản hay phức tạp".
Thiết bị mà Cellebrite bán cho các cơ quan thực thi pháp luật trông giống như một chiếc vali, với một hộp màu đen bên trong. Chiếc hộp này đi kèm với hàng tá chuẩn kết nối để dùng cho bất kỳ dòng điện thoại nào.
"Bạn kết nối điện thoại với chiếc hộp và một đầu kết nối với máy tính xách tay. Khi đó, bạn có thể nhìn thấy những gì bên trong điện thoại. Bạn cũng có thể xem bản đồ, vị trí. Ví dụ, nếu bạn hack được điện thoại của một tên khủng bố ở London và một tên khủng bố ở New York, thì bạn có thể xem nội dung mà họ truyền tải cho nhau", nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên, blogger bảo mật Bruce Schneier có nhận định khác: "Tôi đoán là không phải họ. Họ có sẵn mối quan hệ với FBI. Nếu họ có thể crack điện thoại, họ đã làm điều đó vài tháng trước đây rồi". Hiện cũng đang có đồn đoán rằng, công ty bí ẩn được nhắc tới chính là một thành viên của Cellebrite.
Cellebrite vẫn chưa xác nhận bất cứ điều gì.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet